[VIETKINGS-BESTPLUS đề cử] TOP 100 Tinh hoa gia vị Việt 2023 (P.51): Hành tăm Thiên Lộc (Hà Tĩnh) – Hương vị cay nồng, thơm dịu đặc trưng

04-10-2023

(VIETKINGS – BESTPLUS) Hành tăm (củ nén) là cây gia vị đặc trưng của khu vực miền Trung, đặc biệt được xem là cây hoa màu chủ lực và ngày càng khẳng định được hiệu quả kinh tế trên đồng đất Thiên Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh).. Hành tăm thu hoạch vào mùa Hè Thu, thường được dùng tươi, cũng có khi ngâm rượu và sắc uống. Củ hành bé như hạt lạc nhưng mùi rất thơm, là gia vị không thể thiếu trong các món cháo lươn, cháo ngao, cháo trai, canh gà, cá đồng...

 

Với đặc điểm của một vùng đất màu pha cát, các xã: Thiên Lộc, Vượng Lộc, Thuần Thiện (Can Lộc, Hà Tĩnh) có nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp phân bố dưới chân núi Hồng Lĩnh, thuộc vùng tiểu khí hậu đặc thù. Đây là điều kiện lý tưởng để sản xuất rau màu vụ Thu Đông. Một trong những loại cây đang được phát triển mạnh thời gian qua chính là cây hành tăm và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây. Thiên Lộc cũng là địa phương có diện tích trồng cây hành tăm lớn nhất huyện Can Lộc và có lợi thế đất cát pha rất hợp với cây hành tăm. 

 

Hành tăm thuộc họ hành tỏi, có tên khoa học là Allium Odorum L, hoặc là củ nén theo cách gọi của dân gian ngày xưa, vì củ này rất nhỏ so với các loại củ hành khác. Ngoài ra, nó còn có nhiều tên gọi khác là củ thun, mùn thun, củ ném, hành hoa, hành tung, hành chăm...

 

Hành tăm được trồng từ cuối tháng 6 âm lịch cho đến tháng giêng, chỉ cần có vài cơn mưa đầu mùa là có thể xuống giống đến tháng hai năm sau là có thể thu hoạch được. Hành tăm vừa sử dụng lá, vừa sử dụng củ để làm gia vị nên người nông dân cũng lựa chọn nhiều cách canh tác. Có hộ lựa chọn gieo giống dày đến khoảng tháng 7, tháng 8 bắt đầu thu hoạch tỉa hành tươi để bán; Có hộ lại lựa chọn đúc theo khóm thưa ngay từ đầu để thu hoạch tập trung vào cuối vụ. Cây nén sinh trưởng trong mùa mưa lạnh giá, giai đoạn này bà con thường cắt lá hoặc nhổ nguyên thân cây nén non để thay cho hành lá: Nấu canh, kho cá, nấu cháo... cho đến khi cây ra củ. Khi thời tiết bắt đầu nắng ấm, sau 5 tháng thì cây đã có củ và cho thu hoạch.

 

Hành tăm được thu hoạch từ tháng thứ 6 trở đi thì mang đi bảo quản là tốt nhất, vừa dùng, vừa bán, vừa làm giống cho vụ sau. 


Quá trình trồng không khó, phải làm đất nhỏ, luống cao, sau đó rải phân chuồng và phân NPK, trỉa đều củ, tiếp tục phủ trấu rồi tấp rơm lên, và cuối cùng là rải lá thông. Ở đây, người dân thường sử dụng lá thông khô để phủ luống vì lá thông là vật liệu sạch, có độ xốp cao, cung cấp một lượng dinh dưỡng cho đất, rất phù hợp với các loại cây trồng có nhiều củ, đặc biệt là hành tăm. Phủ lá thông khô càng dày càng tốt, đến lúc thu hoạch, chỉ cần bới lá thông lên thì hành tăm theo đó nổi lên. Chính nhờ việc phủ lá thông nên hành tăm sau khi thu hoạch đều cho củ to, trắng toát, rất đẹp mắt, bán được giá cao.

 

Hàng năm, sau khi thu hoạch đậu và dưa non, khoảng đầu tháng 6, người dân đi lấy lá thông rụng hoặc rơm để phủ lên đất. Sang tháng 7 thì bắt đầu làm đất, bón phân và xuống giống.

 

Hành tăm là gia vị không thể thiếu trong nét văn hóa ẩm thực của người miền Trung, là linh hồn của nhiều món ăn đặc sản như: Xáo gà Cẩm Xuyên Hà Tĩnh; Cháo lươn, xúp lươn Nghệ An; Mì Quảng của người Quảng Nam; Bánh canh cá lóc vùng Hải Lăng – Quảng Trị; Cháo gà Tam Kỳ – Quảng Nam...  nếu thiếu củ nén thì món ăn sẽ không có được mùi vị hăng nồng và thơm đặc trưng cho món ăn đó.

 

Hành tăm không có mùi hăng như tỏi, mùi vị tốt hơn hành tím mà có vị cay nồng và thơm dịu đặc trưng khi nấu chín.

 

Hành tăm thường được dùng để làm gia vị khi chế biến thức ăn. Hành tăm phi chung với dầu đậu phộng nguyên chất thì rất thơm nên trước khi xào, kho, nấu canh hay nấu cháo, người ta thường phi dầu với hành trước để dậy mùi cho món ăn thêm hấp dẫn, kích thích vị giác trước khi ăn. Do hành tăm có tính ấm nên thường được sử dụng trong chế biến các món ăn có tính lạnh như: Lươn, ngao, các loại cá… 

 

Hành tăm sống có mùi hăng nồng nhưng khi cho vào dầu phi vàng lại rất thơm có thể khử được mùi tanh của lươn. Hành tăm cũng được sử dụng nhiều khi chế biến món cháo cá, cháo nghêu…

 

Hành tăm cũng là gia vị không thiếu khi kho cá nước ngọt (cá sông, cá đồng, cá nuôi trong ao hồ nước ngọt). Để có một nồi cá đồng kho thơm ngon, ngoài việc ướp cá với hành tăm, nghệ tươi và một số gia vị khác như bột xúp, tiêu, mì chính… Sau khi kho kỹ có thể phi một ít hành tăm đổ vào nồi cá kho khi tắt bếp. Hành tăm còn được người Hà Tĩnh sử dụng kết hợp với lá chanh, muối trắng, tiêu bột để chế biến món thịt gà nấu xáo.

 

Hành tăm – Gia vị không thể thiếu trong nhiều món ăn của người dân Nghệ An, Hà Tĩnh và là vị thuốc trị nhiều bệnh.

 

Ngoài làm gia vị thơm ngon, hành tăm còn có nhiều công dụng trong quá trình điều trị một số bệnh thông thường như: Sốt cảm, ho, viêm họng, giải nhiệt... và trong nông nghiệp, củ nén là bài thuốc sinh học hữu ích trong việc xua đuổi nhiều loại côn trùng gây hại cho cây hoa màu. Theo Đông y, hành tăm có tính ấm, vị cay, mùi hăng nồng, có tác dụng tiêu đờm, giảm ho, làm ra mồ hôi, lợi tiểu, sát khuẩn, giải độc, trị cảm hàn, côn trùng cắn và ngộ độc chì. Khi bị cảm hàn có thể giã nát một nắm hành tăm cho vào cháo ăn lúc đang nóng có thể giải cảm. Khi đi dưới trời mưa về bị ướt ăn cháo hành cũng có tác dụng phòng cảm lạnh.

 

Thường xuyên ăn hành tăm có tác dụng phòng trị cảm.

 

Theo kinh nghiệm dân gian, khi bị sốt do cảm lạnh có thể đập nát vài củ hành tăm xoa lên sống lưng và lòng bàn chân để hạ sốt. Củ hoặc lá hành tăm giã nhỏ cho đường phèn vào hấp cách thủy chắt lấy nước uống có tác dụng kháng khuẩn đường hô hấp, trị ho, sổ mũi, nghẹt mũi. Hành tăm có tác dụng kháng khuẩn tốt nên có thể dùng hành tăm giã nát đun sôi lấy nước rửa vết thương để chữa trị chấn thương, máu tụ. Hành tăm củ kết hợp với quả bồ kết và hoa chổi rành đốt trong than củi để xông cũng là một mẹo hay để chữa trị chứng đầy hơi ở trẻ nhỏ được nhiều bà mẹ áp dụng thành công.


Nga Võ (tổng hợp & biên tập, nguồn hình: Internet) - VietKings