Sá sùng còn có nhiều tên gọi khác nhau như: Sâu đất, chặt khoai, giun biển, địa sâm, bibi, cạm đất, đồn đột… Là động vật thuộc ngành giun đốt nên chúng có hình dáng na ná giống những con giun khổng lồ đầy màu sắc, trong những hang đá, khe cát ở tận dưới biển sâu từ 10 đến 30m. Sá sùng có độ dài từ 5 – 10cm, có con dài 15 – 40cm, đường kính 20mm, nặng từ 1 – 3kg. Ruột sá sùng giống như ruột giun, chỉ một đầu ống từ đầu ruột đến cuối và không có tim, phổi.
Thuộc loài động vật thân mềm, không xương, sá sùng có màu nâu đỏ với nhiều vạch ngang nhỏ trên thân, không nội tạng mà chỉ có một phần ruột nối từ đầu đến đuôi, bên trong chứa cát.
Khi bắt sá sùng, người dân thường mang theo chiếc mai to (gần giống chiếc thuổng), có lưỡi dài và bằng. Rất nhanh và cực kỳ chính xác, họ thục mạnh lưỡi mai xuống cát, dùng lực vít cán mai để bẩy cát lên, lộ ra con sá sùng bằng ngón tay, ngắn hơn giun đất, mềm như nhộng khoai, cuộn tròn dưới nắng. Nếu dùng tay trực tiếp rờ sá sùng sẽ thấy thân nó rất mềm và mát, da của sá sùng sẽ thay đổi màu sắc theo môi trường nó sống.
Sá sùng được ngư dân khai thác vào mùa nước biển xuống từ tháng 3 cho đến tháng 7 hàng năm.
Sá sùng được coi là hải sản chứa nhiều chất dinh dưỡng như axit amin, gluxin, vitamin D.. cùng nhiều loại khoáng chất khác. Theo quan niệm đông y sá sùng được ví như một bài thuốc quý, nó có tác dụng làm giảm chứng tâm hàn, bồi dưỡng dương khí, thanh mát cơ thể. Sá sùng có thể sử dụng tươi hoặc khô. Sá sùng tươi có thể nấu được nhiều món như canh bầu, bí, rau củ hoặc đem xào, chiên, rán đều được nhưng sá sùng khô mới là món được ưa chuộng hơn cả vì có thể bảo quản lâu. Kỹ thuật chế biến sá sùng khô vô cùng phức tạp, sau khi được khai thác, sá sùng phải được đem đi rửa sạch bùn cát và đặc biệt, phải nhẹ tay để đảm bảo chúng không bị vỡ ra. Trải qua nhiều công đoạn với thời gian sơ chế, làm khô lên đến 2 giờ, để có được 1 cân sá sùng khô phải mất 11 – 12 kg sá sùng tươi.
Bên cạnh các tác dụng tốt cho sức khỏe của người sử dụng, sá sùng còn là một nguyên liệu nấu ăn thuộc hạng hảo hạng trong nêm nếm món ăn. Trong chế biến món ăn, người ta thường sử dụng sá sùng khô là gia vị lý tưởng thay thế mì chính, hạt nêm, nước hầm xương ống để tạo vị ngọt cho nồi canh hay nước dùng. Chỉ cần sử dụng một vài con sá sùng khô bảo vào nồi nước hầm là đã có ngay vị nước ngọt thơm đặc biệt không loại xương nào có thể sánh bằng. Bản thân con sá sùng khô có vị ngọt rất tự nhiên, rất đậm nên chỉ cần nướng qua đã thành một món ăn vô cùng bổ dưỡng.
Dù khá đắt đỏ nhưng nhiều gia đình vẫn sẵn sàng mua nó để làm gia vị thay thế, các loại bột ngọt, bột nêm hoặc chế biến thành nhiều món ăn bổ dưỡng.
Trước kia khi các gia vị nấu phở chưa đa dạng như bây giờ, sá sùng được coi là gia vị nấu nước phở đặc biệt thơm ngon không gì sánh bằng. Sá sùng vừa mềm, giòn lại giai giai béo bùi, ngọt càng ăn càng thấy ngon nên khi nấu nước bún phở khiến nước có vị ngon ngọt tự nhiên mà không cần bỏ quá nhiều xương để hầm.
Sá sùng khô có thể cho vào nước dùng nấu phở, giúp nước mang hương vị ngọt thanh, đậm đà hơn.