[VietKings – TOP XUÂN 2023] Độc đáo phong tục đón Tết của các dân tộc Việt (P.2)

02-01-2023

(kyluc-top) – Đất nước Việt Nam có 54 dân tộc anh em với những phong tục đón Tết độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của từng tộc người. Dù các phong tục đón Tết có khác nhau nhưng đều hướng tới một ý nghĩa tốt đẹp chung nhất là cầu mong năm mới được ấm no, hạnh phúc, mùa màng tốt tươi, gặp nhiều may mắn.

6. Tục "cướp giọng gà" ngày Tết của người Pu Péo

Chủ yếu sống ở vùng cực Bắc tỉnh Hà Giang như huyện Đồng Văn, Yên Minh hay một số ít ở huyện Bắc Mê với dân số còn lại chưa tới 1.000 người nhưng họ còn lưu giữ được những phong tục kỳ lạ và nhiều nghi lễ dân gian phong phú. Ngoài “Lễ cúng thần rừng của người Pu Péo” đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể, có thể kể tới tục “cướp giọng gà ngày Tết” được người Pu Péo duy trì như một nét đẹp truyền thống vô cùng độc đáo.

 

 

Cướp giọng gà" là phong tục rất độc đáo của người Pu Péo ở Hà Giang. Khi đến thời khắc giao thừa, người Pu Péo phải canh chừng mấy chú gà trống, khi nào gà vỗ cánh, chuẩn bị gáy, họ đốt ngay một quả pháo, ném vào chuồng gà. Lũ gà giật mình, nhảy lên thi nhau gáy. Ngay lập tức, mọi người hò nhau hát vang trời để át tiếng gà gáy.

Người Pu Péo quan niệm tiếng gà gáy vừa hay, vừa thiêng liêng, đánh thức cả ông mặt trời dậy. Vì thế, ai át được tiếng gà thì sang năm mới sẽ hát hay, gặp nhiều may mắn, hạnh phúc.

 

7. Tục "gọi hồn" của người Thái

Nhắc đến phong tục ngày Tết của người Thái, không thể không nhắc đến phong tục gọi hồn diễn ra vào tối 29 và 30 Tết. Mỗi gia đình thịt 2 con gà, một để cúng tổ tiên, một là để gọi hồn cho mọi người trong nhà.

 

 

Việc gọi hồn này được một thầy cúng đứng ra giúp đỡ. Đầu tiên thầy cúng sẽ lấy những chiếc áo của tất cả các thành viên trong gia đình, buộc lại với nhau đặt lên vai, sau đó thầy sẽ cầm một cây than củi còn nóng đỏ rực và liền ra đầu làng để gọi hồn. Sau 2, 3 lần gọi, thầy cúng sẽ quay về nhà gia chủ tiếp tục gọi một lần nữa dưới chân cầu thang.

Cuối cùng để kết thúc nghi lễ, thầy cúng sẽ cột vào tay của những thành viên trong gia đình gia chủ một sợi chỉ đen để xua đuổi tà ma trong năm mới.

 

Sau khi làm xong lễ, các thành viên được buộc chỉ cổ tay nhằm mục đích cầu mong khỏe mạnh cho một năm (Ảnh: Lao Động)
 

 

8. Xem bói gan lợn của người Hà Nhì

Dân tộc Hà Nhì là một trong những dân tộc đón Tết sớm hơn so với lịch chung của Tết cổ truyền Việt Nam. Người dân tộc Hà Nhì không có ngày ăn Tết cụ thể như những dân tộc khác, thay vào đó, những vị già làng, trưởng bản sẽ cùng bàn bạc và thống nhất lựa chọn ngày ăn Tết cụ thể cho dân làng.

Trong ngày Tết của người Hà Nhì thịt lợn dâng cúng tổ tiên là lễ vật bắt buộc các gia đình phải có. Dù giàu hay nghèo, vào ngày Tết, tất cả mọi gia đình đều mổ lợn đón năm mới.

 

 

Đây là những con lợn đực, được thiến từ đầu năm để vỗ béo do các hộ gia đình tự nuôi lấy. Nhà có điều kiện thì mổ lợn 60-100kg, thậm chí 150kg, nhà khó khăn cũng mổ lợn 40-50kg. Khi mổ lợn ăn Tết, lá gan là thứ đặc biệt quan trọng của người Hà Nhì, giống như người Kinh vẫn hay xem chân gà vào dịp Tết. Ngoài tục xem bói gan lợn, người Hà Nhì còn phải chuẩn bị những chiếc bánh riêng để cúng bái tổ tiên của nhà mình.

Người Hà Nhì nhìn vào lá gan lợn lành lặn, màu sắc tươi tốt, mật lợn phải căng đầy thì năm đó chăn nuôi phát triển, anh em con cháu sẽ vui vẻ thuận hòa. 

 

9. Tục "vỗ mông tỏ tình" của người Mông

Tục vỗ mông tỏ tình là một tục lệ không thể thiếu ở hội xuân Sải Sán hay còn được gọi là Gầu Tào. Đây là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong năm của người dân tộc Mông. Lễ hội này thường được diễn ra vào dịp Tết âm lịch.

Trước đây, người Mông thường ăn tết sớm hơn 1 tháng so với người Kinh, tuy nhiên hiện nay tết của người Mông đã được tổ chức cùng lúc với Tết cổ truyền dân tộc. Hội Sải Sán được tổ chức với mục đích cầu phúc và cầu duyên. Hội này đã được lưu giữ nguyên vẹn từ xa xưa đến tận ngày nay. 

 

 

Theo tục vỗ mông tỏ tình thì người con trai H’Mông nếu phải lòng một cô gái nào đó sẽ lập tức vỗ vào mông cô gái đó trên đường du xuân. Nếu như cũng phải lòng chàng trai, cô gái sẽ vỗ mông chàng trai để đáp trả. Chỉ cần 2 bên vỗ qua lại 9 lần tức là đã nên duyên và kết thành cặp đôi.

 

10. Dính tro và ném xôi lên mái nhà của người Giẻ Triêng

Người Giẻ Triêng (sống chủ yếu ở Quảng Nam và Kon Tum) đón Tết cổ truyền với tên gọi là Cha Chả, nghĩa là ăn than. Theo quan niệm của người Giẻ Triêng thì trong ngày Tết, ai dính nhiều tro đốt từ than nhất sẽ được may mắn, mùa màng bội thu.

 

 

Trước tết ba ngày, ba chàng trai to khoẻ của làng được già làng cử lên rừng đốt củi thành những đống than lớn, mang về làng. Dân làng chờ sẵn nấu xôi, vuốt lên cây giẻ khô rồi đốt lên. Mọi người xúm nhau hất tung hai loại tro đó, sao cho cho nó bay lên cao. Ai dính nhiều tro nhất thì sẽ may mắn, mùa màng sẽ tốt tươi. Sau đó, mỗi người cầm một nắm xôi ném lên mái nhà. Nắm xôi của ai dính trên đó, chắc chắn người đó năm mới sẽ có 100 gùi lúa. Sau đó, người ta sẽ cất than đi. Sau hai ba ngày, người lớn trong gia đình sẽ lấy than đem đi mài dựa, dao, rìu để bắt đầu một mùa sản xuất mới.

 


Diệu Phi – VietKings (tổng hợp và biên tập)