[VietKings – TOP XUÂN 2023] Tao nhã thú chơi cây, hoa kiểng ngày Tết và TOP các chợ hoa xuân nổi bật tại Việt Nam

29-12-2022

(kyluc-top) – Thú chơi cây cảnh từ lâu đã được xem là một nét đẹp của đời sống văn hóa người Việt, nhất là mỗi độ tết đến, xuân về. Nó không chỉ đơn thuần phản ánh nhu cầu thưởng thức cái đẹp mà hơn hết, thú chơi cây cảnh bao hàm nhiều ý nghĩa sâu sắc về văn hóa, triết học, mỹ học, phong thủy...

Người Việt Nam luôn hướng về ngày Tết với ý nghĩa thiêng liêng, trang trọng. Bên cạnh việc ăn Tết, chúc tết thì việc thưởng thức vẻ đẹp của hoa, kiểng ngày tết được xem là điều thi vị, trang nhã và thanh tao trong dịp tết. Thú chơi hoa kiểng ngày Tết đã trở thành một nghệ thuật, một nét đẹp gắn với bản sắc văn hóa  của dân tộc. Trong tâm thức của người Việt, nếu ngày tết thiếu sắc hoa, thì chưa đúng nghĩa là một ngày Tết. Thế nên một năm trôi qua, dù bận rộn với bao công việc, mọi người luôn dành thời gian để dọn dẹp, trang trí lại nhà cửa và làm đẹp bằng những chậu hoa, kiểng đầy sắc xuân.

 

 

Hòa trong không khí xuân rực rỡ, những chậu hoa, cây cảnh sẽ mang lại thật nhiều tài lộc, may mắn, niền tin, hi vọng cho mỗi con người và làm cho lòng người thêm ấm áp và gần gũi nhau hơn. Thú chơi hoa và cây cảnh ngày tết không những thể hiện sự tinh tế của tâm hồn người Việt mà nó còn gắn kết hơn giữa con người và cảnh vật thiên nhiên.

 

 

Với người có thú chơi hoa kiểng thì việc đi chợ hoa là cả một nghệ thuật. Khi chọn hoa chơi tết, không đơn thuần là chọn hoa đẹp, màu sắc tươi mà tên gọi và tác dụng phong thuỷ của loài hoa cũng rất được chú trọng, như Phát Tài, Kim Ngân thể hiện lời cầu chúc tài lộc ngân lượng tuôn chảy dạt dào, Cát Tường mang ý nghĩa may mắn, hanh thông mọi việc, hoa Đỗ Quyên và hoa Trạng Nguyên mang thể hiện mong ước đỗ đạt, thành đạt, hoa Thủy Tiên có tác dụng khử tà và mang lại điều cát tường, như ý, tăng thêm tài khí cho gia đình, hoa Hải Đường thể hiện cho sự phú quý, giàu sang… Bên cạnh đó, một số loại cây khác sẽ có ý nghĩa sung túc,  trường thọ như: Vạn Thọ, Bách Tán, hoa Sống Đời… cầu chúc một năm mới dồi dào sức khỏe cho cả gia đình... Không chỉ vậy, những người yêu cây cảnh thường thích bộ tứ quý gồm: Tùng-Cúc-Trúc-Mai thể hiện sức sống mãnh kiệt, bình dị và thanh tao. Trong đó, Tùng-Trúc tượng trưng cho người nam quân tử nên được bày bên ngoài, còn Cúc-Mai là cây tượng trưng cho thiếu nữ nên được bày bên trong. Theo quan niệm xưa, ngày tết càng nhiều hoa kiểng trong nhà sẽ mang đến nhiều điều tốt đẹp cho gia đình trong năm mới. Những loài hoa kiểng có màu sắc tươi sáng, rực rỡ như đỏ, vàng... mang ý nghĩa tượng trưng cho sức sống, cát tường, sự may mắn và nó còn tạo cảm giác ấm áp cho ngôi nhà trong những ngày Xuân.

 

 

Chọn hoa chơi tết đã cầu kỳ thì cách chọn cây cảnh trưng tết còn cầu kỳ hơn nhiều. Việc chọn cây không đơn giản là việc đến ngắm cây và chọn mà đó chính là sự tinh thông, am hiểu về nghệ thuật phong thuỷ cây kiểng. Đối với người sành về cây kiểng, thì thế và dáng đứng của cây là rất quan trọng. Thế cây phải vững chãi, cành lá sum suê, trong đó phải có cả lá-lộc-chồi, nếu loại cây có trái thì phải đủ loại trái chín, trái xanh, trái non… Một cây kiểng như thế có thể được xem là một cây kiểng đẹp và như ý, bởi nó hội tụ đủ nét tứ quý cho một năm. Điều đó còn biểu hiện sự an khang, thịnh vượng cho gia chủ. Một số loại cây được ưa chuộng, như Sung thể hiện sự no đủ và nhiều điều tốt lành cho năm mới, Kim Tiền mang ý nghĩa của sự giàu sang và đầy đủ… Bên cạnh đó, với các loại bonsai lấy gốc làm trọng, rồi đến bộ rễ nổi và thân mềm. Có những dáng cây được tạo tác biểu tượng trong văn hóa Việt Nam và phương Đông như tam đà, ngũ phúc... Trong đó, tam đà là thế cây tượng trưng cho ba ông Phúc, Lộc, Thọ; Ngũ phúc là thế cây có năm tán, gồm bốn cành và một ngọn, không có tán quá to hay quá bé, tượng trưng cho Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh… Ngày nay, nhiều người chơi cây tạo dáng cây theo kiểu cách tân, có giá trị thẩm mỹ khá cao.

 

 

Một trong những thú chơi Tết đặc trưng của người Việt là đi chơi chợ Tết, chọn cây cảnh về trưng trong nhà. Chợ hoa ngày Tết thường họp từ Tết ông Táo (23 tháng Chạp) cho đến tận đêm Giao thừa. Ngày nào chợ hoa cũng nhộn nhịp, tấp nập suốt từ sáng đến tối... Người người đến chợ không chỉ để mua hoa mà còn để ngắm hoa, ngắm người.
 

 

Chợ hoa Bến Bình Đông

 

 

Đối với người Sài Gòn hàng trăm năm qua, khi nhìn thấy chợ hoa trên bến dưới thuyền là đã biết Tết về đến nơi rồi. Chợ hoa trên bến dưới thuyền tại bến Bình Đông đã có lịch sử hàng trăm năm. heo dòng chảy của thời gian, bến Bình Đông vẫn lưu giữ nguyên vẹn những nét đẹp văn hóa sống động mang giá trị truyền thống riêng có giữa lòng của đô thị Sài Gòn hiện đại. Cảnh vật đặc trưng nơi đây vào ngày Tết nhộn nhịp trên bến dưới thuyền với những khu chợ buôn bán tấp nập đa dạng mặt hàng từ thực phẩm tới cây kiểng và chợ hoa xuân.

 

 

Vào ngày Tết, bến Bình Đông nổi bật với hình ảnh hàng trăm ghe thuyền chở hoa, cây kiểng đến từ các nhà vườn để phục vụ Tết Nguyên Đán như: chậu kiểng bonsai, mai chấn thủy, quất lớn hay các loại hoa kiểng như hoa cúc vạn thọ, hoa sức, hoa lan, hoa Đà Lạt, bông giấy,... đa dạng nhiều sắc màu, chủng loại, giá cả được tỉa cẩn thận, tạo dáng độc đáo thu hút người tới mua.

 

Chợ hoa Hàng Lược

Chợ hoa Hàng Lược (tổ chức trên các tuyến phố: Hàng Lược, Hàng Khoai, Hàng Rươi, Hàng Mã) được coi là chợ hoa lâu đời nhất ở Hà Nội, chỉ họp một lần trong năm vào những ngày cuối cùng của tháng Chạp. Nơi đây đã trở thành một nét sinh hoạt độc đáo của người dân phố cổ nói riêng, người dân Hà Nội nói chung.

 

 

Điểm đặc biệt đầu tiên của chợ hoa là chỉ họp một lần duy nhất trong năm, bắt đầu từ 23 tháng Chạp cho đến tận ngày 30 và càng gần Tết thì càng đông. Chợ hoa Hàng Lược kéo dài suốt chiều dài của khu phố Hàng Lược, Hàng Chai, Hàng Rươi tới cả phố Hàng Mã, Hàng Đồng nổi tiếng xưa nay bởi sắc hoa tươi thắm lạ thường, được tuyển chọn hơn hẳn những khu chợ hoa khác. Người dân từ khắp các vùng trồng hoa lại mang đào, quất và đủ các chủng loại hoa Tết về họp chợ, tạo nên một không gian náo nhiệt mang đậm không khí Tết của Hà thành.

 

 

Những bông hoa tươi nhất, đẹp nhất đều góp mặt tại đây. Không giống như chợ Quảng Bá, hoa thường chất thành từng đống lớn, đống nhỏ, ở chợ Hàng Lược, hoa dường như được chọn lựa kỹ càng hơn rồi mới đem ra bày bán trên kệ thành từng khu riêng biệt. Nhiều nhất ở đây là các loại hoa truyền thống như đào, quất, cúc, lay ơn, thược dược, violet, thủy tiên, hải đường…, trong đó đào được nhiều người từ nơi xa lặn lội đến tìm mua. Có lẽ vì nằm giữa khu phố cổ nên đào rừng bán ở đây rất hiếm, chủ yếu là đào cành, đào thế có hoa đỏ và nhiều cánh. Ngoài hoa tươi, người ta có thể tìm thấy ở đây những lẵng hoa lụa đủ loại đủ màu. Tuy không phải là đặc sản trong ngày Tết nhưng hoa lụa, hoa giấy ở Hàng Lược cũng rất đắt hàng. Giữa những quầy hoa rực rỡ sắc màu là gian hàng bày bán nhiều loại hoa quả độc như bưởi hồ lô, phật thủ… cùng các đồ trang trí, phong bao lì xì. Chừng ấy là đủ để người mua hoa mắt, lưỡng lự trước sắc đỏ ngập tràn. 

 

Làng hoa Sa Đéc

Lịch sử làng hoa Sa Đéc đã hình thành từ những năm đầu thế kỷ 20, bấy giờ ở vùng Tân Quy Đông chỉ có vài hộ trồng hoa để trang trí dịp tết. Thấy hoa hợp đất nở đẹp, dần dần số hộ trồng hoa đã tăng lên và mục đích kinh doanh được xác định. Về sau lan rộng ra các vùng như rạch Sa Nhiên, phường An Hòa, xã Tân Khánh Đông, và phường 3 thuộc TP Sa Đéc. Đến nay, tổng diện tích trồng hoa là hơn 500 ha, với trên 2.300 hộ dân, 2.000 loài hoa kiểng khác nhau, trở thành một trong những vựa hoa kiểng lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long và miền Nam.

 

 

Xứ này còn nổi tiếng bởi các loài cây kiểng, có cây quý hiếm tuổi đã ngót trăm năm, bên cạnh những loài cây rất bình dị gần gũi như: khế, cau, sung, si, mai… qua bàn tay tỉ mẫn, tài hoa của các nghệ nhân đã trở thành những cây kiểng với dáng hình đẹp, lạ. Riêng Vạn Niên Tùng là loài cây thời thượng được giới nhà vườn dí dỏm xếp vào hàng “đại đế” của các loài cây kiểng ở đất phương Nam. Từ các loài Sơn Tùng, Ngọa Tùng, Tùng Hổ Phách, Tùng Nhật Bản… đến Kim quýt, Nguyệt quới, Mai vàng, Mai chiếu thủy… các nghệ nhân đã không ngừng sáng tạo, hình thành nên các thế phu thê, mẹ bồng con, thác đổ, nghinh phong… hàm chứa nghệ thuật và triết lý sâu xa.

Điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất của làng hoa Sa Đéc so với các làng hoa khác là các luống hoa được trồng trên giàn cao, phía dưới ngập nước và người trồng hoa phải đi ủng hoặc dùng thuyền nhỏ để chăm sóc hay hái hoa. Theo những người trồng hoa nơi đây, việc làm này giúp tiết kiệm chi phí vì đa phần đất trồng hoa đều là đất ruộng trồng lúa cải tạo lại, dễ ngập nước do địa thế thấp. Đặc biệt, khi vào xuân, khí trời mát mẻ, muôn hoa bắt đầu đua nở. Cả làng hoa như ngập tràn trong muôn sắc thắm của nghìn hoa khoe sắc.

 

 


Diệu Phi – VietKings (tổng hợp và biên tập)