“Bài chòi mở hội đầu xuân,
Hội vui đón Tết, hội mừng non sông.
Vui chơi cho phỉ tấm lòng,
Mười hai tháng nữa mới mong tựu tề.
Đi xa hãy nhớ mà về,
Chợ Gò - Trường Úc bộn bề đón xuân”.
Nằm cách TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định khoảng 8 km, mỗi năm chợ Gò (hay còn gọi là chợ Gò Trường Úc) thuộc thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước chỉ nhóm họp duy nhất vào ngày mồng 1 Tết âm lịch.
Chợ Gò nhộn nhịp vào sáng mồng 1 (Ảnh: Internet)
Tương truyền, năm 1799 dưới thời Cảnh Thịnh, quân Nguyễn Ánh đưa binh lính tấn công Quy Nhơn, đe dọa trực tiếp đến thành Hoàng Đế, nơi Nguyễn Nhạc lên ngôi xưng Vương. Đầu năm 1800, hai dũng tướng của Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng được lệnh mang 3 vạn quân vào Quy Nhơn nghênh chiến. Sông Hà Thanh, đoạn gần Trường Úc dẫn ra đầm Thị Nại để tiếp cận Quy Nhơn được các tướng lĩnh Tây Sơn chọn đặt tổng hàng dinh. Bên núi, bên sông, khúc giữa là một gò đất khá rộng và bằng phẳng. Ngoài số ít binh lính là người địa phương, phần lớn quân của Tây Sơn là người đàng ngoài. Chính vì vậy, để binh lính khuây khỏa nỗi nhớ nhà trong dịp Tết và xoa dịu những mất mát khổ nhọc của dân bản địa, các tướng Tây Sơn tổ chức nhiều trò chơi dân gian cho binh lính giải trí ngay trên bãi thao trường trên gò đất Trường Úc vào sáng mồng 1 tết. Người dân quanh vùng thấy thế cũng ồ ạt kéo đến góp vui với quân lính đủ các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Bình Định là cái nôi của đất võ, tuồng, bài chòi nên buổi "giao lưu" càng xôm tụ, đủ làm ấm lòng quân sĩ ngày Tết, quên đi nỗi nhớ nhà.
Khi trời vừa xế bóng cũng là lúc cuộc vui tàn, người dân phải ra về để binh sĩ chuẩn bị canh phòng nghiêm ngặt về đêm. Cứ thế, hàng năm các gia đình binh sĩ theo lệ đến nơi đây thăm chồng con. Có cầu ắt có cung, dân địa phương mang hoa quả, thức ăn, nước uống ra bán, lâu năm thành lệ. Khi quân Tây Sơn tan rã, nơi đây trở thành Hội Tết Chợ Gò, mỗi năm chỉ hội một ngày mồng 1 tháng giêng. Sau trận "một mất một còn" trên đầm Thị Nại giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh, binh lính rút lui. Thế nhưng chợ Gò vẫn tiếp tục tồn tại cho đến hôm nay. Người dân Bình Định bảo rằng sự tồn tại của chợ Gò cho đến bây giờ là cách mà họ tưởng nhớ đến nhà Tây Sơn.
Năm nào cũng vậy, từ lúc tờ mờ sáng mồng 1 Tết, người người từ khắp các nẻo đường lục đục kéo đến chợ Gò. Mang tiếng là chợ nhưng ở đây không có những sản phẩm cao cấp, hào nhoáng đắt tiền như ở nhiều chợ khác. Sản phẩm được đem ra mua bán ở đây chủ yếu là "cây nhà lá vườn" của những cư dân quanh vùng sản xuất được.
Điều đặc biệt ở phiên chợ này là người bán không hề nói thách và người mua cũng không hề mặc cả. Người bán nhỏ nhẹ, khoan thai, người mua từ tốn xởi lởi, cứ như cả hai đang trao và nhận những điều tốt đẹp nhất đầu năm, không một lời qua tiếng lại ì xèo như những phiên chợ khác. Người đi chợ thường mua trầu cau, các loại cây trái để "lấy lộc" hoặc mua đủ thứ đồ ăn tươi, từ các loại rau xanh mơn mởn, đến các loại tôm cá tươi rói còn nhảy tanh tách, quẫy đuôi trong chậu mời gọi.
Chợ Gò Tuy Phước có tục lệ xếp hàng, ai đến trước thì bán trước, ai đến sau thì nối đuôi nhau bày hàng. Tham quan Chợ Gò, du khách còn được mua các sản vật của địa phương như trầu cau, vôi Trường Úc, cá tôm tươi được đánh bắt trên đầm Thị Nại, bánh ít lá gai, nem chợ Huyện, rượu nếp và rượu gạo Trường Úc.
Nhiều người đến chợ Gò không chỉ để thưởng thức các món đặc sản ẩm thực địa phương, mua rau quả để lấy lộc hoặc chiêm ngưỡng tài viết chữ "phượng múa rồng bay" trên liễn đối, mà còn tham dự nhiều trò chơi dân gian truyền thống mang đậm nét văn hóa miền đất võ Bình Định, như múa lân, đánh cờ, đập bong bóng, bài chòi đối đáo và màn giao lưu múa võ cổ truyền tôn vinh miền đất Tây Sơn Thượng Đạo năm xưa.
Phiên Chợ Gò tồn tại suốt mấy trăm năm nhờ ý thức gìn giữ nét mộc mạc của một phiên chợ quê truyền thống của người dân, qua đó gửi gắm lòng biết ơn cổ nhân và nuôi dưỡng những ước vọng về một năm mới an vui, hạnh phúc, may mắn nhiều như lộc xuân.