Hội chợ Viềng diễn ra vào đêm mùng 7, rạng sáng ngày mùng 8 tháng Giêng hàng năm, bao gồm chợ Viềng Phủ ở gần quần thể kiến trúc tín ngưỡng Phủ Dầy thuộc huyện Vụ Bản, và chợ Viềng Chùa ở gần chùa Bi thờ thiền sư Từ Đạo Hạnh của huyện Nam Trực tỉnh Nam Định. Dân gian vốn có câu “Chợ Viềng, hai chợ một phiên” ngụ ý chỉ hai chợ này cùng tên Viềng, họp cùng một thời gian và cùng buôn bán những mặt hàng giống nhau.
Khác với sự xô bồ của những phiên chợ thông thường, chợ Viềng mang ý nghĩa tâm linh. Chợ Viềng ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản là nơi có quần thể di tích Phủ Dày thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh. Khu hội chợ chính bao xung quanh nó là lăng Mẫu, đền Vua, chùa Long Vân, chùa Cao, Phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát, đình ông Khổng… được xây dựng từ thứ kỷ 19. Các di tích này được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa. Còn chợ Viềng huyện Nam Trực là nơi có chùa Đại Bi thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh, một trong những danh tăng nổi tiếng thời nhà Lý thế kỷ thứ 11. Ông Nguyễn Tuấn Sơn, xã Nam Hải, huyện Nam Trực, cho biết:“Chợ Viềng ở Vụ Bản có sớm hơn, chợ Viềng huyện Nam Trực có sau. Tuy nhiên hai chợ này tương tự nhau, có từ lâu, trong chợ có đình, chùa. Mọi người đi chợ đều đến chùa thắp hương. Chợ Viềng Nam Định rất nổi tiếng, khách thập phương đều về để cầu may. Lượng khách về rất đông, phải vài vạn người. Ai chưa tới chợ Viềng Nam Định nên về thăm quan chợ Viềng Nam Định, mua vài thứ đề đem về nhà để cầu cho gia đình may mắn, bình an, mạnh khỏe”.
Dù phiên chợ chính vào mùng 8 tháng Giêng âm lịch, nhưng từ chiều hôm trước chợ đã rậm rịch họp, cho đến sáng và cả ngày hôm sau thì rất đông vui, nhộn nhịp. Khách đến từ khắp nơi, trong Nam ngoài Bắc đông nhất vẫn là người Nam Định và các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Khách thập phương về hội chợ phần lớn là do nghe danh tiếng của chợ Viềng mà về, nhưng cũng có nhiều người có gốc gác hoặc quê quán ở tỉnh Nam Định đi làm ăn xa, Tết đến Xuân về nhớ quê tìm về.
Tại chợ Viềng, chủ yếu bán các đồ nông cụ, sản xuất nông nghiệp như thúng, mủng, quang gánh, liềm, cuốc xẻng... Nhiều người cho rằng, mua những vật dụng này tại phiên chợ họp duy nhất một lần trong năm sẽ giúp họ có một mùa màng bội thu, no đủ suốt một năm. Đối với cây cảnh, người mua mua cây ở chợ Viềng với ý nghĩa lấy lộc đầu năm, từ cây cảnh cho tới các cây ăn quả. Đối với các loại thịt trâu - bò, theo nhà nghiên cứu Hồ Đức Thọ, thịt bò là lễ vật dâng mẫu Liễu Hạnh, nên mua thịt bò tại phiên chợ Viềng người mua cũng cảm thấy như xin được lộc Mẫu. Đã đi chợ Viềng thì ai cũng có tâm lý phải mua được một thứ gì về để cầu may vì trong quan niệm của nhiều người, đây chính là một cách đơn giản để mua "lộc", rước "lộc" về nhà. Nhiều du khách còn rỉ tai nhau đi chợ Viềng nên mua đồng xu cổ. Một số người còn tin rằng phải mua đủ bộ 5 đồng xu tượng trưng cho Sinh - Lão - Bệnh - Tử - Sinh thì mới may mắn, thiếu một đồng là không được.
Với ý nghĩa "mua may, bán rủi" đầu năm, khách tới chợ Viềng không cần mặc cả. Bởi người dân quan niệm, việc người bán không nói thách, người mua không mặc cả sẽ mang tới may mắn, thuận lợi cho cả đôi bên, cả người bán - người mua có thêm niềm tin vào những may mắn đầu năm.
Một mùa xuân mới lại về. Nhớ đến chợ Viềng là nhớ đến một điểm hẹn đầu xuân, một miền ký ức ngọt ngào của những người con xa quê, một phong tục tập quán đậm đà bản sắc văn hóa đầu xuân mà không nơi nào có được. Đến chợ Viềng đầu xuân, người dân không chỉ gửi gắm ước vọng cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, nông - công - thương phát đạt mà còn cầu mong bình an, hạnh phúc. Với những ý nghĩa đó, chợ Viềng mãi là một hoạt động văn hóa độc đáo nhắc nhớ quê hương Nam Định mỗi khi Tết đến, Xuân về.