Quần đảo Côn Đảo là một huyện đảo thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, với tổng diện tích khoảng 76km2 gồm 16 đảo lớn nhỏ khác nhau tạo thành. Trong đó có Đảo Côn Sơn (Côn Lôn) lớn nhất với diện tích lên tới 51.52km2. Vì mật độ dân số khá thấp (chỉ khoảng 110 người/ km2) nên đây cũng là một trong những lý do khiến cho Côn Đảo vẫn giữ được nét đẹp hoang sơ của mình.
Là quần đảo có vai trò, vị trí quan trọng của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu nói riêng cũng như của Việt Nam nói chung. Năm 2011, Côn Đảo được nhiều tạp chí uy tín bình chọn là một trong những hòn đảo có phong cảnh hoang sơ, bí ẩn và đẹp vào bậc nhất thế giới, với những nhận xét cụ thể như: “là nơi có những vách đá dốc đứng bên cạnh những bãi biển hoang sơ và làn nước xanh trong vắt; là thiên đường thiên nhiên với những cánh rừng rậm rạp, làn nước màu ngọc bích, những bãi cát trắng và là ngôi nhà của bò biển, cá heo, rùa biển và những rạn san hô ngoạn mục…”.
Bên cạnh đó, Côn Đảo còn có Vườn quốc gia với hệ thống rừng đặc dụng có tổng diện tích tự nhiên hơn 19.883 ha cùng hệ động, thực vật, sinh thái biển tự nhiên phong phú, đa dạng; cũng là nơi bảo tồn và cứu hộ rùa biển nhiều nhất của Việt Nam và quan trọng của khu vực. Năm 2013, VQG Côn Đảo được công nhận là Khu Ramsar của thế giới, Khu Ramsar biển đảo đầu tiên của Việt Nam; thành viên chính thức của mạng lưới các Khu bảo tồn rùa biển Ấn Độ Dương- Đông Nam Á…
Ngoài cảnh quan thiên nhiên, sau hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Côn Đảo còn được coi là mảnh đất chứng kiến và lưu giữ những giá trị lịch sử vô cùng lớn lao của đất nước. Hàng loạt di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng như : Nhà tù Côn Đảo, Cầu tàu 914, Nghĩa trang Hàng Dương… đã được trùng tu, gìn giữ để giới thiệu cùng du khách những dấu ấn lịch sử đấu tranh kiên cường bất khuất của dân tộc Việt Nam. Năm 2012, hệ thống nhà tù Côn Đảo đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Dù lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến với Côn Đảo ngày càng nhiều, song nơi đây vẫn lưu giữ một không gian yên bình vốn có, là nơi lý tưởng để thoát ly mọi ồn ào của đô thị, hòa vào thiên nhiên và lắng đọng với lịch sử.
Di tích Lịch sử Cách mạng Nhà tù Côn Đảo
Nhà tù Côn Đảo do người Pháp xây dựng để giam giữ những tù nhân đặc biệt nguy hiểm cho chế độ thực dân Pháp như tù chính trị, tù tử hình… Nhiều người cộng sản, yêu nước chống lại chính quyền xâm lược đã bị bắt và giam cầm suốt từ thời Pháp thuộc đến kháng chiến chống Mỹ. Tính tới ngày đất nước thống nhất năm 1975, hệ thống nhà tù tại Côn Đảo đã tồn tại được 113 năm. Trong 113 năm đó, từ chính quyền thực dân Pháp tới chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã cho xây dựng một hệ thống nhà tù lớn với 7 trại giam, 2 khu biệt lập và 127 phòng giam, 44 xà lim cùng 504 phòng giam biệt lập.
Nơi đây được mệnh danh là "địa ngục trần gian"
Quần thể nhà tù Côn Đảo bao gồm Nhà tù Phú Sơn, Nhà tù Phú Hải, Nhà tù Phú Thọ, Nhà tù Phú Tường, Chuồng cọp, Chuồng bò biệt lập, Nhà tù Phú An, Phú Phong và Nhà tù Phú Hưng. Trong đó, địa điểm nổi tiếng nhất trong quần thể nhà tù Côn Đảo là khu “Chuồng cọp”. Khu “Chuồng cọp” là nơi biệt giam khắc nghiệt nhất của trại giam. Các tù nhân ở đây bị giam trong một căn phòng rộng 5m² với điều kiện ăn uống và vệ sinh kém. Họ bị cùm chân và phải nằm trên nền xi măng ẩm thấp, và thường bị tra tấn để tra khảo.
Chiến tranh đã lùi xa, hàng vạn người đã ngã xuống, và khi đến thăm nhà tù Côn Đảo, du khách sẽ được chứng kiến những chứng tích lịch sử để hiểu rõ về ý chí quật cường, trung kiên của bậc cha ông trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc". Ngày nay, Côn Đảo đã trở thành một khu di tích lịch sử Cách mạng lớn, nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau, tìm về đây để lắng nghe những câu chuyện lịch sử hào hùng của mảnh đất này.
Vườn quốc gia Côn Đảo
Vườn quốc gia Côn Đảo thuộc hệ thống rừng đặc dụng, là một trong ba mươi ba rừng quốc gia ở Việt Nam. Với tổng diện tích trên cạn gần 6.000 ha và dưới nước gần 14.000 ha là ngôi nhà chung của 1077 loài thực vật bậc cao, 155 loài động vật có xương sống, 6 loài động vật đặc hữu gồm Khỉ đuôi dài Côn Đảo, sóc Mun, sóc Đen Côn Đảo, Thằn lằn giun, Thằn lằn ngươi tròn, và Rắn khiếm Côn Đảo, cùng 29 loài động vật quý hiếm khác.
Ngoài ra, Côn Đảo còn là nơi sinh sống quần thể rùa biển rất lớn với hai loài thường gặp là đồi mồi và tráng đông. Hằng năm, vào mùa sinh sản có hàng ngàn lượt rùa biển lên các bãi cát để đẻ trứng. Bên cạnh đó, sự cô lập của Côn Đảo với đất liền đã tạo nên sự đa dạng của hệ sinh vật biển như một số loài cá và san hô quý hiếm phát triển song song cùng các khu rừng ngập mặn và cỏ biển.
Đến thăm VQG Côn Đảo, du khách có cơ hội tận mắt quan sát quá trình đẻ trứng của rùa biển
Hiện nay, ở Côn Đảo có rất nhiều loại hình du lịch phát triển, trong đó có du lịch sinh thái, du lịch kết hợp nghiên cứu khoa học. Nếu du khách lựa chọn các tour du lịch phượt sinh thái Côn Đảo, du khách sẽ được đi bộ xuyên qua những cánh rừng nguyên sinh để hít thở không khí trong lành và khám phá nhiều loài cây rừng quý hiếm. Ngoài ra, VQG Côn Đảo là nơi lý tưởng để tham quan, nghiên cứu các hệ sinh thái rừng nhiệt đới hải đảo và các loài động thực vật, đặc hữu quý hiếm. Đặc biệt, khi đến Côn Đảo, du khách có thể tìm hiểu thêm về các dự án về biển và công tác bảo tồn các sinh vật biển như công tác bảo tồn rùa biển, phục hồi, nuôi cấy san hô, di dời, khoanh nuôi những loài hải sản quý hiếm như: trai tai tượng, ốc vú nàng...
Hệ sinh thái san hô ở đây rất phát triển với 342 loài, 61 giống, 17 họ, đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa, cân bằng oxy trong nước biển. Các rạn san hô là nơi ở, sinh cảnh đẻ trứng, kiếm ăn của nhiều loài thủy sinh vật khác. Ngoài ra, chúng có nhiệm vụ quan trọng, như một vùng đệm chống bão, sóng, bảo vệ Côn Đảo
Nghĩa trang Hàng Dương
Nghĩa trang Hàng Dương là nơi yên nghỉ của hàng chục nghìn người yêu nước Việt và chiến sĩ cách mạng qua nhiều thế hệ bị tù đày, suốt từ những năm 1862 đến 1975 trong nhà tù Côn Đảo của chính quyền thuộc địa Pháp, và sau này là chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Dưới sự sống khắc nghiệt tại nhà tù và sự tàn bạo của cai ngục họ đã hy sinh tại Côn Đảo.
Nghĩa trang Hàng Dương có 4 khu mộ. Khu A có mộ cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, mộ chí sĩ yêu nước Nguyễn An Ninh; Khu B có mộ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam Võ Thị Sáu, Lê Chí Hiếu; Khu C có mộ Anh hùng liệt sĩ Lê Văn Việt; Khu D là nơi quy tập các phần mộ từ Nghĩa trang hàng Keo, Hòn Cau….Ngày nay, nhằm tôn vinh các Anh hùng Liệt sĩ và những người yêu nước Việt Nam đã chiến đấu và hy sinh tại Côn Đảo, đồng thời tố cáo tội ác dã man của chế độ nhà tù Côn Đảo dưới hai thời kỳ Thực dân kiểu cũ và mới, một hệ thống các công trình mỹ thuật có tính khái quát cao đã được xây dựng như: khu hành lễ với tượng đài chính và phù điêu lịch sử Côn Đảo, khu vườn đá với phù điêu Bất Khuất, tượng Thủy chung và tượng Hy vọng.
Mộ nữ anh hùng Võ Thị Sáu là điểm đến tâm linh thu hút hàng triệu lượt du khách mỗi năm
Nơi đây ghi dấu bao đau thương của người dân Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh. Nghĩa trang Hàng Dương Côn Đảo là một di tích căm thù, có giá trị tố cáo chế độ thực dân, đế quốc đồng thời giáo dục truyền thống cho các thế hệ.
Vân Sơn Tự
Vân Sơn Tự (Chùa Núi Một) tọa lạc trên Núi Một huyện Côn Đảo, do Mỹ ngụy xây dựng năm 1964. Nhằm phục vụ tín ngưỡng tâm linh cho các gia đình của những người làm việc trong bộ máy hành chính, các quan chức binh sỹ trên đảo, bên cạnh đó còn mục đích mỵ dân, trá hình che mắt báo chí và dư luận quốc tế về sự cai trị tù nhân tàn bạo của chế độ Mỹ ngụy. Sau khi Côn Đảo hoàn toàn giải phóng vào năm 1975, Chùa Núi Một trở thành nơi sinh hoạt tâm linh và tín ngưỡng của người dân địa phương.
Chùa Núi Một – Vân Sơn Tự tọa lạc trên núi sát bên Hồ An Hải
Với vị trí "tựa sơn hướng thủy" vô cùng đắc địa, Chùa Núi Một sở lối kiến trúc đậm nét Phật giáo Á Đông. Không chỉ dừng lại ở tầm nhìn tuyệt đẹp có thể bắt trọn vẻ đẹp Vịnh Côn Sơn, Hồ Sen An Hải Côn Đảo... nơi đây còn có rất nhiều bức tượng được trạm trổ vô cùng công phu. Điển hình trong số đó hẳn nhiên phải kể đến pho tượng Quan Âm Bồ Tát cao 2m đứng trên đài sen, tay cầm bình nước cam lộ bề thế mà một người không tài nào ôm xuể.
Trải qua rất nhiều sóng gió bởi những năm tháng diễn ra cuộc chiến tranh khốc liệt, Chùa Núi Một đã được gìn giữ, bảo tồn, trùng tu và tôn tạo để trở thành một di tích lịch sử, một công trình văn hóa vẫn còn được lưu giữ tại huyện đảo Côn Đảo. Ngoài ra, nơi đây còn trở thành địa điểm để người dân địa phương và khách du lịch tới tham quan, hành hương, cầu nguyện.
Bãi Đầm Trầu
Ở nơi Côn Đảo xa xôi, người ta vẫn thường ví von bãi Đầm Trầu như nàng tiên nữ say sưa giấc nồng chưa tỉnh giấc. Quả thật vậy, bãi Đầm Trầu sở hữu phong cảnh đẹp ngất ngây, vừa hoang sơ, kỳ bí lại vừa thơ mộng, hữu tình. Càng tiến dần đến bãi Đầm Trầu, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cận cảnh vẻ đẹp của bãi tắm đẹp nhất Côn Đảo.
Đến bãi biển Đầm Trầu, du khách du lịch Côn Đảo sẽ được hòa mình vào thiên nhiên đích thực, tận hưởng món quà quý báu của tạo hóa. Làn nước xanh biếc, trong veo và mát lạnh cùng bờ cát thoai thoải mịn màng, sóng biển dập dềnh nhẹ nhàng hẳn sẽ là thiên đường biển thu nhỏ của riêng bạn.
-----------------------------------------------------------------------
Hành trình tìm kiếm và đề cử TOP 100 điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam 2023 được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) giao cho Trung tâm TOP Việt Nam triển khai từ đầu tháng 4/2023 dưới tiêu chí và góc nhìn của Ban quản lý hành trình Top. Đây là tiền đề cơ sở để Trung tâm Top Việt Nam tìm kiếm và vinh danh 100 điểm đến hấp dẫn nhất của 63 tỉnh thành Việt Nam năm 2023. Ngoài ra, Ban quản lý hành trình cùng mong muốn nhận thêm được nhiều đề cử từ các sở ban ngành địa phương trên cả nước để có thể chọn lựa những điểm đến đặc sắc nhất của khắp mọi miền tổ quốc, từ đó tăng cường xúc tiến du lịch, góp phần quảng bá các điểm đến của các địa phương.
Mỗi tuần, các bài đề cử sẽ được công bố rộng rãi trên hệ thống các trang truyền thông chính thức của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam – VietKings như: kyluc.vn; topplus.vn; bestplus.vn;... Ban quản lý hành trình rất mong nhận được sự quan tâm theo dõi của bạn đọc trong và ngoài nước nhằm tiếp tục quảng bá và tôn vinh các điểm đến hấp dẫn của Việt Nam.
Mọi thông tin phản hồi xin gửi về Ban quản lý hành trình qua email: . Thời gian nhận thông tin từ ngày 10/4/2023 đến hết ngày 30/5/2023. Kết quả hành trình dự kiến sẽ được công bố vào tháng 6/2023 và gửi công văn thông báo đến các địa phương trong cả nước. TOP 100 điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam 2023 sẽ được công bố và cấp bằng chứng nhận TOP cùng huy hiệu trong sự kiện Hội ngộ TOP Việt Nam gần nhất năm 2023.
Mọi thông tin xin liên hệ xin gửi về:
TỔ CHỨC KỶ LỤC VIỆT NAM (VIETKINGS) - TRUNG TÂM TOP VIỆT NAM (TOPPLUS)
Địa chỉ: 148 Hồng Hà, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh
Liên hệ: Ms Phi – 0333 108 555
Email:
Website: www.kyluc.vn/ www.topplus.vn