Nhã nhạc, có ý nghĩa "âm nhạc tao nhã", ra đời từ thế kỷ thứ XV đến giữa thế kỷ XX, là thể loại âm nhạc được trình diễn trong cung đình Việt Nam vào các cuộc tế, lễ gắn với các lễ kỷ niệm và những ngày lễ tôn giáo cũng như các sự kiện đặc biệt như: lễ đăng quang, lễ tang hoặc những dịp đón tiếp chính thức.
Nhã nhạc xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc dưới thời nhà Chu (thế kỷ VI - III TCN). Về sau, Nhã nhạc được lan tỏa sang các nước láng giềng như: Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam. Tuy được xem là tài sản chung nhưng nhã nhạc của mỗi nước đều có điểm riêng biệt. Ở Việt Nam, Nhã nhạc bắt đầu xuất hiện vào thế kỷ XV, nhưng phải đến thời kỳ nhà Nguyễn mới phát triển rực rỡ và đạt đến trình độ uyên bác. Các triều đại quân chủ Việt Nam hết sức coi trọng và phát triển Nhã nhạc, và loại hình âm nhạc này trở thành một biểu tượng cho vương quyền về sự trường tồn, hưng thịnh của triều đại.
Theo các nhà nghiên cứu, âm nhạc cung đình được ra đời từ lúc thiết lập Nhà nước quân chủ Việt Nam. Từ thời nhà Lý (1010-1225), âm nhạc cung đình đã được định hình và sau đó được phát triển qua các triều đại nhà Trần (1225-1400), nhà Hồ (1400-1407), nhà Lê (1427-1788), nhà Tây Sơn (1889-1801) và đặc biệt phát triển rực rỡ ở triều Nguyễn. Nhã nhạc cung đình biểu tượng cho vương quyền về sự trường tồn, hưng thịnh của triều đại. Cũng vì vậy, Nhã nhạc được các triều đại quân chủ Việt Nam coi trọng.
Dưới thời nhà Lý, Nhã nhạc cung đình đã ra đời và bắt đầu đi vào quy củ. Nhã nhạc thời kỳ này có lời hát tao nhã, điệu thức cao sang, là biểu tượng cho sự trường tồn, hưng thịnh và quyền lực của quân chủ phong kiến.
Dưới thời Lê, Nhã nhạc cung đình là thể loại âm nhạc dành riêng cho giới quý tộc, bác học. Thể loại nhạc có kết cấu phức tạp, chặt chẽ với quy mô tổ chức rõ ràng, chi tiết. Từ triều Lê, Nhã nhạc được phân định ra nhiều thể loại riêng biệt như Giao nhạc, Đại triều nhạc, Miếu nhạc, Đại yến nhạc, Thường triều nhạc, Cửu nhật nguyệt lai trùng nhạc… Tuy nhiên vào cuối triều Lê, Nhã nhạc không còn giữ được sự phát triển mà bắt đầu bước vào thời kỳ suy thoái, nhạt phai do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Sau khi suy yếu từ cuối thời Lê, Nhã nhạc cung đình Huế phát triển mạnh mẽ trở lại và được tổ chức bài bản vào triều Nguyễn (giai đoạn 1802-1945). Đặc biệt vào nửa đầu thế kỷ XIX, triều đình vua Gia Long đã biết sử dụng thể loại âm nhạc bác học này để “di dưỡng tinh thần” khi mới lập nghiệp ở phương nam. Năm 1802, vua Gia Long lên ngôi đặt tên dàn nhạc đổi tên là Việt Nam Quốc nhạc. Nhạc cung đình có một giá trị nghệ thuật rất cao, tập hợp những nhạc sĩ và nhạc công tài năng từ khắp nơi trong đất nước, là những nghệ sĩ chuyên nghiệp, biểu diễn tinh vi, sáng tác chất lượng. Các nhạc khí được dùng trong Nhạc cung đình cũng được làm rất kỹ, chạm khắc cẩn khéo léo, rất tinh xảo, có đầy đủ màu âm: tiếng kim, tiếng thổ, tiếng trong, tiếng đục, tiếng trầm, tiếng bổng, tiếng tơ, tiếng trúc, tiếng da, tiếng đá (khánh), tiếng đồng. Các dàn nhạc chẳng những đa dạng và quy mô mà còn rất đặc biệt trong sự phối hợp màu âm, không quan tâm đến số lượng mà quan tâm đến chất lượng. Khi hoà đàn thì không nhạc khí nào có thể át các nhạc khí khác mà mỗi loại âm thanh đều có thể phân biệt rõ ràng.
Từ đây Nhã nhạc đã gắn liền với cung đình Huế và phát triển theo mô thức quy phạm đúng chuẩn, có hệ thống, bài bản với hàng trăm nhạc chương. Giai đoạn này cũng là bước chuẩn bị quan trọng, tạo tiền đề phát triển cho âm nhạc cung đình qua các đời vua sau. Triều Nguyễn đã đưa âm nhạc vào "giáo hóa" phong tục. Dòng nhạc cung đình triều Nguyễn thực sự là một điển hình cho âm nhạc bác học Việt Nam. Các vua triều Nguyễn tiếp nối truyền thống thường tổ chức các buổi hòa nhạc cung đình.
Hầu hết những nhạc chương của Nhã nhạc đều do Bộ Lễ biên soạn. Tùy theo tính chất khác nhau của những buổi lễ mà nhạc chương cũng sẽ khác nhau. Ví dụ như lễ tế Giao sẽ có 10 nhạc chương và mang chữ Thành, cốt thể hiện sự thành công. Trong khi đó, lễ Tế Xã tắc sẽ có 7 nhạc chương mang chữ Phong với ngụ ý cầu mong được mùa. Tế Miếu có 9 nhạc chương, mang chữ Hòa mong được hòa hợp. Tế Lịch Đại Đế vương có 6 nhạc chương, mang chữ Văn cốt thể hiện trí tuệ. Vào dịp Lễ Đại triều sẽ dùng 5 bài mang chữ Bình ngụ ý hòa bình. Lễ Vạn thọ dùng 7 bài mang chữ Thọ với ý nghĩa trường tồn và Lễ Đại yến dùng 5 bài mang chữ Phúc để thể hiện phúc lành.
Tất cả các loại dàn nhạc, các nhạc khí, bài bản âm nhạc, ca chương… đều do những nhạc công, ca công, vũ công tài ba nhất của đất nước thực hiện. Âm nhạc đã trở thành một cặp song sinh với các đại lễ, trở thành tiếng nói huyền diệu, có khả năng giao cảm với trời đất, thần linh, tổ tiên. Đó cũng chính là những giá trị vô giá và trường tồn của dân tộc. Nhã nhạc Huế - di sản văn hoá âm nhạc “cổ điển bác học Việt Nam” ẩn chứa những nguyên lý cấu trúc, những tư tưởng văn hoá triết lý phương Đông.
Theo quy định, Nhã Nhạc có 6 loại ban nhạc, gồm Nhã nhạc, Nhạc huyền (bộ nhạc treo), Đại nhạc (Cổ xúy đại nhạc), Tiểu nhạc (ti trúc tế nhạc), Ty chung và Ty khánh (dàn nhạc chuông và khánh đá) cùng Quân nhạc. Có không dưới 30 chủng loại nhạc khí với số lượng hàng trăm như trống bản, cái phách, cái sáo, đàn huyền tử, đàn nhị, đàn tì bà, chùm thanh la bằng đồng 3 chiếc, v.v.
Nhã nhạc cung đình Huế hiện nay tồn tại dưới ba hình thức gồm Đại nhạc, Tiểu nhạc và Múa cung đình.
- Dàn Đại nhạc: Là dàn nhạc rất quan trọng trong hệ thống Nhã nhạc cung đình Huế, diễn tấu với những hình thức quan trọng nhất trong những buổi lễ, có âm lượng lớn, nhạc cụ chủ yếu là dàn trống và kèn. Dàn đại nhạc thường được dùng trong lễ tế như tế Nam Giao, tế Miếu...
So với dàn Đại nhạc được mô tả trong các dữ liệu thì dàn nhạc hiện nay có biên chế gọn nhẹ hơn. Cấu trúc dàn Đại nhạc gồm Bộ gõ (trống đại, trống chiến, trống bồng, não bạt hay xập xoã, mõ sừng trâu, trống cơm); Bộ hơi (kèn); Bộ dây (đàn nhị).
- Dàn Tiểu nhạc: So với dàn Đại nhạc, các bản âm nhạc của dàn Tiểu nhạc tương đối ổn định. Âm nhạc mang màu sắc trang nhã, vui tươi, thường sử dụng trong các buổi yến tiệc của triều đình, lễ đại khánh, tết Nguyên Đán. Chất liệu dễ đi vào lòng người, không quá trang nghiêm hoặc sầu bi như các bài của Đại nhạc, âm lượng không quá lớn.
Cấu trúc nhạc cụ dàn Tiểu nhạc gồm Bộ gõ (trống bảng, sinh tiền, tâm âm la, phách); Bộ hơi (sáo); Bộ dây (đàn nguyệt, đàn tỳ bà, đàn tam huyền, đàn nhị).
- Múa cung đình: Múa cung đình triều Nguyễn tiếp thu những điệu múa từ cung đình và dân gian của các triều đại trước, nâng cao và sáng tạo thành những điệu múa mới mang đặc trưng của nghệ thuật biểu diễn thời Nguyễn. Múa cung đình triều Nguyễn chủ yếu là múa tập thể, tư tưởng chủ đề thường biểu hiện ở các đội hình di chuyển và kết thúc bằng một đội hình ngưng đọng. Một số điệu múa cung đình nổi bật là múa bát dật, Múa lục cúng hoa đăng, Múa lân mẫu xuất lân nhi.
Đặc trưng của Nhạc cung đình là tính bao trùm đối với tất cả các bộ môn âm nhạc khác, từ Lễ nhạc (dùng vào các cuộc tế lễ lớn nhỏ của cung đình, trong các chùa miếu), nhạc thính phòng, sân khấu, kể cả các vũ điệu, mà mỗi bộ môn đều có những nghệ sĩ thượng thặng chuyên sáng tạo và biểu diễn. Các quy định về quy mô dàn nhạc, cách thức diễn xướng, nội dung bài bản, v.v. của Nhã nhạc đều rất chặt chẽ, phản ánh tính quy củ qua các định chế thẩm mỹ rất cao, có khả năng phản ánh tư tưởng, quan niệm triết lý của chế độ quân chủ đương thời. Các buổi trình diễn Nhã nhạc thường huy động rất nhiều diễn viên ca múa và xiêm y phong phú với những trang trí lộng lẫy và tinh tế.
Nhã nhạc cung đình Huế có thể được xem là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam. Từ những năm 1992, công tác bảo tồn Nhã nhạc cung đình đã được triển khai, Nhã nhạc Việt Nam cũng dần được thế giới biết đến.
Từ năm 1995, Nhã nhạc cung đình Huế đã được biểu diễn tại Nhà văn hóa Thế giới của Pháp và nhiều nước khác ở châu Âu. Một đĩa CD nhạc cung đình Huế đã được Nhà văn hóa Thế giới cho ra đời dưới sự chỉ đạo nghệ thuật của nhà soạn nhạc Tôn Thất Tiết và Giáo sư, Tiến sỹ Trần Văn Khê. Ngày 7/11/2003, Nhã nhạc cung đình Huế được công nhận là Kiệt tác Di sản Phi vật thể và Truyền khẩu của nhân loại (từ năm 2008 gọi là Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện của Nhân loại).
Ngày nay, nhã nhạc cung đình Huế với các hình thức như dàn nhạc, ca chương, bài bản, vũ khúc được diễn xướng trong nhiều dịp như: Festival Huế, lễ hội Phật giáo, lễ hội dân gian, âm nhạc thính phòng… Nhã nhạc còn được trình diễn trong các nghi thức ngoại giao, biểu diễn phục vụ khách du lịch và dân địa phương trong các dịp đại lễ và tết cổ truyền… Chính vì thế, Nhã nhạc ngày nay vẫn có điều kiện và không gian diễn tấu phong phú, giá trị nghệ thuật vẫn được giữ gìn, trường tồn và tiếp tục phát huy.