Cũng như nhiều đồng bào dân tộc anh em khác, đồng bào Sán Chay quan niệm vạn vật đều có linh hồn và các yếu tố thiên nhiên, như: Trời, đất, đồng ruộng, nương rẫy… đều có quan hệ mật thiết với đời sống sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của con người. Từ niềm tin vào “thần linh” siêu nhiên của đất trời, đồng bào Sán Chay từ thuở sơ khai đã có nhiều nghi lễ thờ cúng trong những dịp đón mừng xuân mới, cầu nguyện cho mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, sung túc, như khát vọng của bao người làm nông nghiệp khác. Với ý nghĩa đó, lễ hội cầu mùa được tổ chức vào ngày mồng 6 tết cổ truyền hàng năm ở xã Tam Lập có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào Sán Chay, đã được lưu giữ cho đến ngày nay. Trong phần hội, không thể thiếu điệu múa Tắc Xình, hát Sấng Cọ cũng như các trò chơi dân gian truyền thống, mang đậm bản sắc của đồng bào. Ông La Văn Sự, người có uy tín trong khối đồng bào ở Cụm dân cư số 4 nói rằng: “Điệu múa Tắc Xình thường được biểu diễn trong lễ hội cầu mùa, mang ước nguyện của con người về một năm mưa thuận gió hòa, muôn loài sinh sôi nảy lộc, đâm chồi, lúa ngô được mùa, nhà nhà bình yên, hạnh phúc”.
Múa tắc xình hay còn gọi là múa cầu mùa, là một điệu múa tập thể của người Sán Chay diễn ra trong lễ hội cầu mùa mỗi dịp xuân về. Điệu múa này phổ biến ở các xã như Tức Tranh, Yên Lạc, Phú Đô... thuộc huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Sở dĩ múa tắc xình được gọi là điệu múa tập thể bởi cả người diễn, người xem và nhạc công đều cùng tham gia nhảy múa trong một vòng tròn, không hạn chế về số lượng. Đồng thời, người múa cũng có thể là một nhạc công.
Múa Tắc Xình có 9 động tác mô phỏng đời sống của người Sán Chay gồm: thăm và dọn đường, bắt quyết, mài dao, đánh dao, phát nương, tra mố, chăm sóc lúa, thu hoạch mùa màng, mừng mùa và trả lễ cho thần linh. Động tác múa và âm nhạc cho múa đơn giản, dễ thực hành, tuy nhiên, những người tham gia Tắc Xình phải là nam giới với chủ lễ là thầy cúng hoặc người múa có kinh nghiệm và kỹ thuật cao.
Âm nhạc trong điệu có tiết tấu đơn giản, nguyên sơ, không pha tạp các tiết tấu âm nhạc hiện đại. Chỉ với tiếng nhạc “tắc, xình” phát ra từ những nhạc cụ thô sơ từ tre, nứa...và những động tác múa như điệu đánh mài dao, phát nương, dọn rẫy, tra mố, hái lượm... Ngôn ngữ trong điệu Múa Tắc Xình đơn giản, dễ thực hành, người học dễ nhớ, có tính cộng đồng cao. Ẩn chứa trong vũ điệu của người Sán Chay là triết lý, tín ngưỡng, những sắc màu văn hoá tâm linh. Nhạc cụ để múa gồm: trống đất (náy cau) được tạo ra bằng cách đào một hố sâu xuống đất, trên mặt hố phủ một miếng vỏ cây để tạo âm vang. Người ta chăng một sợi dây rừng cố định, ngang mặt hố, rồi lấy một que nhỏ chống dây lên ở vị trí đúng tâm của hố đất và âm thanh sẽ phát ra khi gõ vào sợi dây; trống lớn, trống nhỏ, trống nứa (náy trooc); quả chuông, chiêng, chập xeng (sắm sẹ); kèn tổ sâu làm bằng lá cây, kèn pó lè; bộ gõ là các ống tre và que tre.
Để chuẩn bị múa tắc xình, người Sán Chay thường đào sâu xuống đất khoảng 60 cm, đáy rộng khoảng 50-60 cm, phía trên rộng 20 cm. Tiếp theo, họ lấy vỏ cây gỗ treo bịt lên trên miệng hố, lấy dây rừng căng dài trên mặt đất, rồi dùng một nhánh cây nhỏ chống dây cho thật căng miệng trống. Sau đó, người nhạc công gõ vào dây là đã tạo ra được những âm thanh rất đặc trưng, lúc trầm, lúc bổng, lúc khoan lúc nhặt giữ nhịp cho điệu nhảy.
Múa Tắc xình có hai tư thế :
1. Tư thế ngồi: Hai người ngồi đối diện nhau, sử dụng ngọn tre hoặc mai được vót nhẵn, phần gốc chôn chặt xuống đất, phần ngọn có chòm lá hướng lên trời, uốn cong theo hình cần câu, nhờ sợi dây (se bằng vỏ cây tu va) nối với một ống mai già. Ống tre hoặc mai có độ dài khoảng 70 - 80cm được buộc chặt bởi một đầu sợ dây rừng, còn đầu dây bên kia buộc vào ngọn tre còn tươi (có thể là ngọn trúc, vầu..) để chỏm lá trên đỉnh. Họ dùng hai tay cầm ống tre gõ mạnh xuống đất tạo âm thanh “xịch”, gõ 2 thanh tre vào nhau tạo ra âm “tắc”, liên tục, nhịp nhàng.
2. Tư thế đứng: Người gõ tay trái cầm ống tre đường kính 3,5cm, chiều dài 180m, tay phải cầm thanh tre nhỏ vót hình chữ nhật, chiều dài 30cm gõ ngang vào thân ống, ngừoi gõ tư thế đứng thẳng. Người gõ nhạc một tay dùng thanh tre già gõ vào ống mai tạo ra âm thanh “tắc”, tay kia cũng gióng mạnh ống mai xuống đất tạo nên tiếng “xịch” và cứ nối tiếp tạo thành âm “Tắc tắc xịch, tắc tắc xịch, tắc tắc xịch, tắc xịch, tắc xịch...”
Điệu múa Tắc Xình là một đặc trưng văn hóa của người Sán Chay, không chỉ có giá trị lịch sử, văn hóa mà còn có giá trị cung cấp cho các nhà khoa học nhiều tư liệu quý trong nghiên cứu và góp phần tạo nên sự đa dạng văn hoá trong bức tranh văn hoá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.