Miền Trung, bao gồm Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ là hai vùng văn hóa âm nhạc lớn của truyền thống âm nhạc dân gian cổ truyền Trung Bộ... Ngoài đặc tính tương đồng chung về thể loại của hình thức diễn xướng dân ca, dân nhạc trong tổng thể văn hóa âm nhạc cổ truyền Việt Nam, thì mỗi tiểu vùng đều mang dấu ấn đặc trưng về thể loại, gắn với môi trường diễn xướng đặc hữu của từng tiểu vùng: Đồng bằng, Duyên hải, Trường Sơn - Tây Nguyên...chứa đựng một trữ lượng văn hóa, nghệ thuật dân gian phong phú, dồi dào, đa dạng với các loại hình diễn xướng mang yếu tố lễ nghi phong tục và lễ nghi tín ngưỡng dân gian cần được khai mở, bảo tồn và phát huy đúng hướng.
Tiểu vùng Duyên hải miền Trung, trong truyền thống, tục thờ cá Ông (cá Voi) và các vị thần biển, từ lâu đã gắn liền với lễ Cầu ngư của cư dân ở một số làng ven biển thể hiện sự thành kính, biết ơn đối với các vị thần biển, cá Voi - loài vật hiền lành và to lớn nhất biển cả, luôn giúp đỡ họ trong những lúc hiểm nguy, bão tố để đưa thuyền về bến an toàn. Nó không chỉ làm phong phú đời sống tín ngưỡng, tôn giáo mà còn là đạo lý uống nước nhớ nguồn, là khát vọng hướng tới điều thiện của cư dân mưu sinh trên biển trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Lễ hội Cầu ngư gắn với tục thờ cá Ông (cá Voi) - vị thần của biển cả đã được các đời vua triều Nguyễn sắc phong. Đầu tiên Gia Long ban sắc tặng Ông Nam Hải là "Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Tôn Thần" và ra lệnh cho các vạn đầm từ Bắc tới Nam xây lăng thờ cúng Ông Nam Hải. Các đời vua sau, từ Minh Mạng đến Khải Định đều ban sắc phong công nhận tính chất thiêng liêng của Ông Nam Hải. Do việc sắc phong đó mà thời kỳ này, việc thờ cúng cá Ông khá phổ biến và có vị trí quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của cư dân ven biên Nam Trung bộ. Trong lễ hội Cầu ngư, điểm nhấn là nghệ thuật diễn xướng Hát Bả trạo.
Hát bả trạo là hát có kèm các động tác múa, trong đó “bả” có nghĩa là nắm chắc, “trạo” có nghĩa là mái chèo. Tùy từng vùng biển và từng tỉnh mà tục lệ hát bả trạo được tổ chức định kỳ theo năm hoặc vài năm tổ chức 1 lần với mục đích lễ tế cá Ông. Lời hát bả trạo chủ yếu ca ngợi công đức của cá Ông, đồng thời cầu xin cá Ông phù hộ để ngư dân được bình an giữa biển khơi, đánh bắt được nhiều tôm cá…; cũng có những lời hát mô tả cảnh lao động sản xuất của người dân trên biển.
Thành viên của một đội hát bả trạo gồm có: Tổng Mũi, Tổng Khoang và Tổng Lái cùng khoảng 10 đến 16 con trạo tùy theo sự tổ chức của từng địa phương, nhưng phải luôn luôn số chẵn. ổng Lái thông thường mặc lễ phục cổ truyền áo dài đen, quần dài trắng, khăn đóng đen. Tổng Mũi cũng ăn mặc giống như Tổng Lái, nhưng cũng có khi Tổng Mũi mặc một bộ đồ màu sắc rực rỡ như một diễn viên tuồng, tay cầm cặp sênh điều khiển. Còn Tổng Khoang mặc áo ba màu, quần ngắn, tay cầm gàu tát nước. Những người tham gia còn lại lập thành đội chèo. Các con trạo thì mặc áo trắng quần trắng (có quấn xà cạp) đầu chít khăn, lưng thắt vải đỏ, chân đi đất, tay cầm mái chèo dài 1m20, sơn đen trắng. Nhạc cụ của hát bả trạo có đàn cò, trống, kèn, sênh.
Nghệ thuật trình diễn và hát bả trạo là sự phối hợp nhịp nhàng giữa âm nhạc, lời ca và động tác trình diễn của Tổng Mũi, Tổng Khoang và Tổng Lái cùng đám bạn chèo dưới sự điều khiển thống nhất của Tổng Mũi.
Con thuyền biểu tượng trong hát bả trạo có chiều dài từ 3,5 đến 4 mét, được trang trí đầu rồng đuôi phụng, rực rỡ và không có đáy, được biểu trưng không chỉ là phương tiện để đi lại trên biển mà còn là biểu tượng của sự tế độ nhằm giúp đỡ đưa tâm thức con người vượt qua “bờ mê” để về “bến giác” theo cõi Phật; cũng là con thuyền chở đầy khát vọng, gửi gắm lời cầu mong đến các vị nhiên thần, nhân thần mang đến sự an lành no ấm, bình yên cho dân vạn chài.
Thời lượng trình diễn vở tuồng hát múa bả trạo khoảng 70 phút. Ngoài ý nghĩa biểu dương công đức cũng như tỏ lòng thương tiếc của ngư dân đối với Nam Hải Thần Ngư (cá Ông), nghệ thuật hát múa bả trạo còn mang một nội dung khác không kém phần quan trọng, là dịp thể hiện những tâm tư, tình cảm của ngư dân trước cuộc sống đầy thách thức của biển cả mênh mông. Hay nói cách khác, hát múa bả trạo nhằm phản ánh ước vọng một cuộc sống an lành, no đủ cho cộng đồng cư dân miền biển.
Hát bả trạo là làm sống dậy bối cảnh của một chuyến thuyền từ lúc ra khơi đến khi cập bến. Mỗi vai có những cách diễn xướng khác nhau nhưng tất cả đều đặt dưới tiếng sanh điều khiển của tổng mũi. Các nhân vật sử dụng một cách hài hòa các loại hình nghệ thuật dân gian: diễn tuồng, ngâm, nói lối, hò… để lột tả một cuộc sống đầy gian truân, vất vả, hiểm nguy nơi sóng nước. Họ đã mang đến cho người xem những xúc cảm khác nhau: vừa bồi hồi vừa trắc ẩn trong một không gian nghiêm trang của lễ nghi nhưng cũng rất đổi đời thường của nghề ngư phủ. Và tổng mũi, tổng thương, tổng lái hay các trạo quân không đơn thuần là các nhân vật trong một vở chèo mà họ như đang “sống” rất thật trong lòng người xem.
Hát bả trạo là một màn diễn xướng, một loại hình nghệ thuật mang ý nghĩa tâm linh kết hợp với những yếu tố sôi nổi, kịch tính và cao trào của những lời ca, động tác múa. Trong suốt bao nhiêu năm qua, hát bả trạo vẫn được duy trì, truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác trong các lễ hội cầu Ngư của ngư dân.
Màn múa hát bả trạo được trình diễn bởi 3 tổng mũi, khoang, lái và hơn chục con trạo là các bạn biển đầu chít khăn đỏ, lưng thắt vải đỏ, tay cầm chèo được phết sơn đủ màu... Con thuyền rồng chở đầy khát vọng của các ngư dân về an lành, no ấm, bình yên. Tổng mũi bắt đầu hô to: “Bớ bả trạo”, lập tức, các bạn chèo đồng thanh hô vang: “Dạ” và hát múa bả trạo bắt đầu: “Hôm nay là ngày lễ Ông/ Con cháu ta tụ họp về đây/ Chỉnh đốn xiêm y trang phục/ Tưởng niệm và tôn kính thần linh Nam Hải chở che”. Hòa theo lời hát của tổng mũi, các tổng khoang và lái nhảy theo nhịp, các bạn chèo nhanh tay chèo cho thuyền vượt sóng. Tất cả đồng loạt, nhịp nhàng, sống động, như rõ con thuyền lúc thì chồm về phía trước, khi thì nghiêng sang hai bên, lúc khác thì ngả ra sau, mặc sóng đẩy vẫn vững vàng tiến về phía trước.
Sơ đồ diễn tiến đội hình bả trạo
Chính vì những yếu tố nhân văn, sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư và là một trong những nghệ thuật trình diễn dân gian tiêu biểu, thể hiện được bản sắc của cộng đồng, phản ánh được sự đa dạng văn hóa, sự sáng tạo của con người cùng với sự kế tục qua nhiều thế hệ, có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài..., nghệ thuật diễn xướng hát múa bả trạo của các cộng đồng dân cư miền biển Quảng Nam đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 9/2013.