Hát Dô là một loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, phát tích ở vùng đất Lạp Hạ ven sông Tích, nay là xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội gắn với lễ hội đền Khánh Xuân (còn gọi là hội hát Dô), thờ phụng Đức Thánh Tản Viên. Tương truyền, hát Dô là do Đức thánh Tản Viên truyền dạy. Thánh Tản Viên du sơn du thủy dọc sông Tích, người dừng lại ở Lạp Hạ (Liệp Tuyết ngày nay), mang đến những hạt lúa tốt nhất và dạy người dân cấy hái, gieo trồng. Mùa màng xong xuôi, thánh Tản lại lên đường, 36 năm sau mới trở lại thăm và dạy người Lạp Hạ múa hát. Người Lạp Hạ đã lấy cái cữ đó để làm chu kỳ mở hội đền Khánh Xuân, 36 làn điệu hát Dô cũng bắt nguồn từ đó.
Sau 36 năm quay trở lại và dạy hát cho người dân, trước khi đi đức Thánh Tản Viên đã giao kết cùng người dân Lạp Hạ rằng chỉ tổ chức hội hát Dô 36 năm một lần, nếu ai vi phạm sẽ bị “thánh vật” không ốm đau bệnh tật cũng bị câm điếc hoặc gặp chuyện không may. Không chỉ thế các quy định về hát Dô khá ngặt nghèo và nghiêm khắc, các cụ cao niên trong làng còn nhớ lại lời “hèm” xưa nhắc rằng:
Con hát tuổi hạn hai mươi
Nếu qua tuổi ấy thì thôi hát hò
Bao giờ đến Hội hát Dô
Thì còn phải kiếm gái tơ chưa chồng…”
Theo các già làng ở Liệp Tuyết kể lại, thì trước đây Hội hát Dô tổ chức theo quy định cứ 36 năm mở một lần từ ngày 10 đến 15 tháng giêng (Âm lịch), nhưng ở đây đã tổ chức rước kiệu từ ở đình, miếu ra đền Khánh Xuân ngay từ chiều ngày 9 tháng giêng. Đó là một cuộc rước chung toàn xã, chọn những thanh niên trai tráng khỏe mạnh mới được rước kiệu, thường mỗi kiệu có bốn người khênh. Cũng có thôn đông thanh niên thì nhiều người khênh hơn, hoặc thay đổi nhau vì đây là một việc làm vinh dự. Đi trước kiệu là các vị chức sắc, hai bên kiệu có cờ, có lọng đi kèm. Cái hát và bạn nàng cũng đi kèm trước kiệu, mỗi người đều có ô che đầu. Đám rước đi thành một đoàn dài gồm các thôn nối tiếp nhau theo thứ tự đã sắp xếp từ trước. Đại phu là thôn anh cả đi đầu, rồi đến thôn anh hai là Vĩnh Phúc, và sau đó là các thôn Bái Nội, Bái Ngoại, Thông Đạt, Đồng Sơn. Đám rước đi trong rừng cờ, cầm lọng là một người trạc tuổi 17, 18, đầu quấn khăn lượt, trong áo trắng, ngoài áo the đen, quần trắng, chân quấn xà cạp mầu đỏ, hoặc giày vải, thanh nữ cũng mặc quần áo như những người khênh kiệu rước cờ rước lọng, nhưng chân không quấn xà cạp… Xong rồi tất cả trở về nhà.
Hát Hội Dô ở Liệp Hạ xưa phản ánh nhận thức của con người Lạc Việt về thiên nhiên, và ước mơ của nông dân về một cuộc đời êm ấm, thời tiết thuận hòa, mùa màng bội thu, con cháu đông đúc. Hát Hội Dô là tiếng ca trữ tình, nồng nàn về tình yêu nam nữ, về hạnh phúc lứa đôi, về cuộc sống lao động sinh hoạt đời thường.. Nội dung này đã trở thành nội dung chủ đạo trong phần hát Bỏ bộ, được tiến hành sau những diễn xướng có tính chất nghi lễ của hát Hội Dô trong những ngày lễ hội…
Hát Dô đã hoàn thiện và định hình bài bản từ sau thế kỷ thứ X, đặc biệt từ thế kỷ XV trở đi. Hát Dô có tới hơn 20 làn điệu, gồm có hát nói, hát ngâm, hát và xô, trong đó hát và xô là hình thức diễn xướng chủ yếu. Cùng tồn tại song song với lời ca là các động tác múa phụ hoạ của các “con” (còn gọi là bạn nàng, chỉ một vai nữ) được kết hợp nhuần nhuyễn trong lúc diễn. Một canh hát Dô gồm có “cái” (một vai nam) xướng và “con” hoạ lại. Khi hát “bạn nàng” vừa hát vừa múa theo nội dung từng đoạn như: hái hoa, múa quạt, bắn cung, hái chè, dệt cửi… đặc biệt là động tác chèo thuyền.
Phương thức diễn xướng của hát Dô khá đơn giản. Vần và nhịp của hát Dô cũng biến hóa linh hoạt. Có câu, có đoạn tuân theo thể lục bát một cách linh hoạt. Nhưng có những câu, những đoạn co lại, hoặc giãn ra cho phù hợp với các giọng kể, giọng ngâm.
Hát Dô có 3 kiểu hát: Hát Thờ (hát trong đền), hát Trúc, hát múa Bỏ Bộ (hát ngoài sân đền). Hát Dô không có nhạc, chỉ có phách và quạt để làm đạo cụ. Chỉ mộc mạc, giản dị vậy thôi mà hát Dô vẫn truyền tải đến người nghe những giai điệu ngọt ngào, đầm ấm và thanh thoát của quê hương xứ Đoài. Theo tục lệ xưa, người tham gia hát Dô phải thuộc dòng dõi con nhà gia giáo, không phạm lệ làng và phải là những cô gái chưa chồng, chàng trai chưa vợ. Lễ hội xong phải làm nghi lễ cất tráp vào đền, như khăn, váy áo, quạt, túi đeo tay đựng trầu và cả sách hát. Từ đó cho đến tận 36 năm sau, đến định kỳ lễ hội, không ai được mở tráp và thậm chí không bao giờ được nhắc đến.
Tưởng như những giai điệu đặc biệt đó sẽ mãi mãi biến mất, thế nhưng, với tình yêu nghệ thuật truyền thống và mong muốn được giữ gìn nét văn hóa xưa, độc đáo, một số nghệ nhân Liệp Tuyết đã rày công mày mò và truyền dạy lại cho thế hệ trẻ. Năm 1999 câu lạc bộ hát Dô được thành lập với lòng yêu văn nghệ, trân trọng vốn cổ của cha ông, các thành viên trong câu lạc bộ đã góp phần làm sống lại làn điệu của quê hương. Các thành viên hăng say luyện tập đều đặn, quyết tâm khôi phục lại làn điệu hát cổ, và cũng từ đây điệu hát Dô không phải chờ đến 36 năm mới được hát mà hằng năm cứ mỗi độ xuân về trong ngôi đền Khánh Xuân tại xã Liệp Tuyết lại mở hội hát Dô trong không khí háo hức vui mừng của người dân và du khách thập phương.
Câu lạc bộ hát Dô ở Liệp Tuyết, nơi những thành viên ngày ngày bảo tồn một bộ môn nghệ thuật truyền thống quý báu của dân tộc.