Mang đặc trưng văn hóa tinh thần của cư dân nông nghiệp vùng châu thổ sông Mã bởi lời ca dung dị, chân thực, sáng tạo trong quá trình lao động sản xuất, được các thế hệ cha ông chắt chiu, chọn lọc và trao truyền, ngũ trò Viên Khê (dân ca, dân vũ Đông Anh) thôn Viên Khê, xã Đông Anh, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) cùng với hò Sông Mã và trò Xuân Phả được ví như “bộ ba quyền lực” thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian của người Việt bởi sự độc đáo, đặc sắc và sức lan toả của di sản.
Để hiểu về di sản dân ca Đông Anh có lẽ phải bắt đầu từ tên gọi đầy đủ là dân ca, dân vũ Đông Anh hay Ngũ trò Viên Khê. Đây là hệ thống trò diễn xướng đi kèm các bài dân ca, điệu múa, động tác phản ánh quan niệm đạo đức, đời sống sinh hoạt, tâm tư tình cảm, kinh nghiệm sản xuất, văn hóa ứng xử... của người nông dân Việt xưa kia: “Thấp thoáng bóng ngọn đèn quang/ Còn không ta lấy, dở dang ta đừng/ Em thời đi cấy lấy công/ Để anh nhổ mạ tiền chung một lòi/ Bao giờ cho bông lúa vàng/ Để anh đi gặt cho nàng mang cơm...”. Với ý nghĩa ấy, dễ hiểu vì sao di sản nghệ thuật trình diễn dân gian dân ca dân vũ xứ Thanh lại gần gũi, quen thuộc với hầu hết người dân đến như vậy. Đương nhiên, sự ra đời và hoàn chỉnh của hệ thống các trò diễn trong dân ca, dân vũ Đông Anh không phải câu chuyện của ngày một ngày hai. Đó hẳn là sự chắt chiu, góp nhặt, trao truyền những tinh hoa cùng sáng tạo nghệ thuật của cha ông xưa.
Khu vực lưu truyền dân ca, dân vũ Đông Anh (có 2 trong số 9 làng còn chưa rõ vị trí)
Gọi là ngũ trò vì lúc đầu trò diễn ở làng Viên Khê có 5 trò nhưng về sau do tiếp biến văn hóa có đến 12 trò: Múa đèn, Tiên Cuội (hay Tiên phường), Tô Vũ, Trống Mõ, Thiếp, Vằn vương (hay trò Hùm), Thủy (hay Thủy phường), Leo dây, Xiêm Thành (hay Chiêm Thành/Sim Thành), Hà Lan (hay Hoa Lang), Tú Huần (hay Lục Hồn Nhung), Ngô quốc. Ngoài ra còn một số trò như: Đại Thánh, Nữ quan... Trước đây, Ngũ trò Viên Khê được biểu diễn thường gắn liền với Lễ hội Nghè Sâm nổi tiếng khắp vùng. Vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu các làng trong Tổng sẽ tổ chức biểu diễn và chấm điểm thi, làng được điểm cao sẽ đại diện để dự thi tại Lễ hội Nghè Sâm. Theo các cụ cao niên, lễ hội này được tổ chức với quy mô rất lớn, thu hút đông đảo người dân trong vùng cùng về tham dự với định kỳ ba năm một lần, vào các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi. Ông Nguyễn Sỹ Lịch, nghệ nhân ưu tú của nghệ thuật trình diễn Ngũ trò Viên Khê vẫn nhớ: “Năm 1946 (Bính Tuất) là lần cuối cùng tổng diễn được tổ chức tại Nghè Sâm”.
Như hầu hết loại hình văn hóa dân gian phổ biến, di sản văn hóa Ngũ trò Viên Khê được lưu truyền chủ yếu bằng truyền miệng, tiếp nối thế hệ qua từng lớp người. Bởi vậy, để khẳng định chính xác thời gian xuất hiện của di sản là điều rất khó. Và ngay ở làng Viên Khê và một số địa phương có các trò diễn nằm trong hệ thống Ngũ trò Viên Khê hôm nay cũng lưu truyền hai quan điểm khác nhau. Theo đó, người ta tin rằng Ngũ trò Viên Khê có từ thời Bắc thuộc (thời Tùy) gắn liền với tên tuổi của chàng Cả Lãng Đại vương - con trai của thủ lĩnh Lê Ngọc. Tục truyền, ông thường về tận các thôn xóm để chung vui với người dân, qua đó truyền dạy và phổ biến đến cộng đồng những lời ca, tiếng hát, điệu múa do chính mình sáng tạo. Lại có ý cho rằng, di sản có từ thời Hậu Lê, do quan Bộ Lễ Nguyễn Mộng Tuân (người gốc Viên Khê) truyền dạy cho nhân dân.
So với các hình thức diễn xướng dân gian khác ở xứ Thanh, ngũ trò Viên Khê đã bắt đầu có "kịch bản" và kịch bản đã có tích. Ngũ trò Viên Khê gắn liền trò diễn với lời ca, chính vì vậy thay cho cách gọi phổ biến là dân ca Đông Anh, hiện nay nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian đã dùng cụm từ dân ca, dân vũ Đông Anh. Hệ thống tích trò của Ngũ trò Viên Khê vô cùng đặc sắc, phổ biến nhất là Múa đèn: một trò diễn tổng hợp với nhiều lớp văn hóa cổ, liên quan đến lịch tiết sản xuất nông nghiệp lúa nước. Múa đèn là vũ khúc có lời ca do 12 cô gái trong trang phục quần trắng, áo đỏ, thắt lưng xanh, đầu chít khăn vành rây bằng nhiễu đỏ, bên trong là khăn trắng nếp to, trên đầu đội một đĩa đèn thắp sáng, vừa hát vừa múa với những động tác cơ thể mềm mại. Nội dung của Múa đèn nói đến công việc sản xuất của nhà nông trong năm: thắp đèn, luống bông, luống đậu, vãi mạ, chẻ lạt, đan lừ, nhổ mạ, đi cấy, kéo sợi, dệt vải, vá may, đi gặt. Trò diễn được kết thúc bởi ba điệu múa “đánh gà luộc, cúng cơm mới, dâng oản” thể hiện sự biết ơn của người dân trước đấng thần linh phù hộ cho một năm mùa màng bội thu, no đủ.
Trong các trò diễn, trò Múa Đèn hội tụ tương đối đầy đủ các giá trị tinh túy của dân ca, dân vũ Đông Anh. Bởi, Đông Anh là nơi làm lúa nước, để tạo tinh thần thoải mái, hăng say lao động sản xuất và lưu truyền kinh nghiệm, người dân đã sáng tạo ra những lời ca, tiếng hát gắn liền với từng hoạt động sản xuất nông nghiệp, từ thời điểm gieo mạ đến vụ gặt rồi thời điểm nông nhàn. Hay kinh nghiệm sản xuất “tay cầm nắm trấu mà tung ra, trấu nát ra tro, thịt nát ra giò, đậu nát ra tương” và trồng trọt hiệu quả theo mùa “thấp thoáng bóng ngọn đèn quay, đồng sâu cấy lúa, đồng cạn làm màu”. Ngọn đèn trong trò diễn là vật gắn liền với cư dân nông nghiệp xưa, được người dân đưa vào cùng các điệu múa làm biểu tượng cho sự chuyển dịch của thời gian trong năm, biểu tượng của ánh sáng mang lại sự sinh sôi, nảy nở cho vạn vật và ẩn chứa khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc của con người. Những cô gái lứa tuổi mười tám, đôi mươi, chưa chồng, trên đầu đội đèn cùng những động tác cơ thể múa hát uyển chuyển song không được để đèn đổ hay rơi xuống. Vì thế yêu cầu kỹ thuật là rất khó. Có lẽ vì cái hay, cái đẹp, cái giản dị mà ý nghĩa nên trò Múa Đèn được trình diễn nhiều và được lưu truyền phổ biến qua các thế hệ.
Múa Đèn
Ngũ trò Viên Khê trở thành một sản phẩm văn hóa tinh thần đặc sắc của cư dân nông nghiệp vùng châu thổ sông Mã bởi những lời ca dung dị, chân thực được sáng tạo trong quá trình lao động sản xuất và được các thế hệ cha ông chắt chiu, chọn lọc và trao truyền. Từ đó, kết hợp cùng những vũ điệu gần gũi với đời sống lao động của nhân dân khiến cho Ngũ trò Viên Khê dễ nhớ, dễ truyền tải, dễ đi vào lòng người. Đặc biệt, hệ thống Ngũ trò Viên Khê có các trò như, Trò Tiên Cuội, Trò Thiếp, Trò Nữ Quan khiến người xem có thể hình dung được cách thức hành lễ, các nghi lễ của cha ông xưa và thấy thấp thoáng bóng dáng của nghệ thuật cung đình, qua trang phục, cách thức trình diễn và qua ngôn ngữ thể hiện lối sống trang nghiêm, quy tắc ứng xử, tôn ti trật tự trong gia đình, xã hội. Có lẽ, chính cái giản dị xen lẫn chút trang nghiêm ấy đã tái hiện toàn diện cuộc sống muôn màu của người dân xưa kia cũng như thể hiện lối tư duy, suy nghĩ đơn giản, chân thành và một thế giới quan, nhân sinh quan hiện thực mà không kém phần sâu sắc của cư dân nông nghiệp vùng sông Mã. Đồng thời thể hiện tương đối đầy đủ tình cảm, tình yêu quê hương, đất nước, ước vọng cuộc sống no ấm, hạnh phúc và gián tiếp lên án những thói hư tật xấu tồn tại trong đời sống xã hội phong kiến xưa nên Ngũ trò Viên Khê gần gũi với đời sống nhân dân và được lưu truyền từ bao đời nay.
Ngũ trò Viên Khê là những tinh hoa trong sáng tạo nghệ thuật từ lao động của nhân dân Đông Anh xưa, nhưng do sự phát triển của kinh tế – xã hội, hiện nay không gian trình diễn Ngũ trò Viên Khê đã không còn được bảo lưu. Cùng với cuộc sống mưu sinh người dân nên thế hệ trẻ ít có thời gian quan tâm đến văn hóa truyền thống. Những người biết diễn Ngũ trò Viên Khê chủ yếu là những ông cụ, bà cụ cao niên trong làng. Trước nguy cơ thất truyền chính quyền và nhân dân xã Đông Anh và huyện Đông Sơn đã và đang chung tay thực hiện việc bảo tồn, trao truyền và phát huy giá trị của Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Ngũ trò Viên Khê - tài sản vô giá của người dân Viên Khê và nhân dân Đông Sơn.