[VIETKINGS – TOPPLUS đề cử] TOP 100 loại hình văn hóa – nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam (P.3): Hát xoan – "Báu vật" của đất và người Phú Thọ

01-02-2023

(kyluc-top) – Hát Xoan (còn gọi là hát cửa đình, hát lãi lèn, hát đúm, hát thờ…) là loại hình dân ca nghi lễ gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và đời sống sinh hoạt của cư dân trồng lúa nước vùng trung du, tập trung chủ yếu ở Phú Thọ.

Hát Xoan một di sản văn hóa phi vật thể quý giá của vùng đất Tổ, gắn liền với việc thờ cúng Hùng Vương, một tín ngưỡng bắt nguồn từ việc thực hành thờ cúng tổ tiên của người Việt. Các làng Xoan gốc ở tỉnh Phú Thọ đều có nguồn gốc từ những ngôi làng cổ ở trung tâm nước Văn Lang xưa, vì vậy hát Xoan còn bảo lưu nhiều yếu tố lịch sử, văn hóa của thời đại bình minh dựng nước.

 

 

Hát Xoan không chỉ xuất hiện sớm mà được lưu truyền tồn tại qua bao đời nay. Thể loại Xoan cũng rất phong phú, từ nội dung, làn điệu, đến các điệu múa được biến tấu phù hợp với nơi trình diễn, kể cả trang phục cũng được ăn mặc đúng với nghi lễ. Chẳng hạn như hát tế trời cầu thượng thiên thì hai tay chắp lại, hai chân chụm lại ngẩng mặt lên trời để hát, còn hát ở triều đình, hát phục vụ hội đồng Hoàng Triều thì giọng hát, điệu múa khác với phục vụ Hoàng Thượng. Hát phục vụ hoàng Hậu, hoàng tử và Công chúa trang phục, điệu múa hát theo làn điệu; còn hát múa nghi lễ ở cửa đình làng, hát múa cầu Thành hoàng làng, khác với cầu thần linh; hình thức múa hát hội như múa hát khai xuân, khác với hát cầu mùa, hát đúm, khác với hát giao duyên; hát đố chữ khác với hát nhắn gửi.

Loại hình nghệ thuật trình diễn này gồm múa, hát gõ trống và phách. Nghệ thuật hát gồm ba chặng hát:

- Chặng hát nghi lễ (hát cửa đình) với các bài: Giáo trống, giáo pháo, thơ nhang, đóng đám với những lời cầu nguyện, cầu chúc, cầu mong các bậc Vua, Thần linh, Thành hoàng phù hộ cho dân làng khỏe mạnh, bình an, no đủ, hạnh phúc, tạo không khí linh thiêng, tôn kính khi vào cuộc Hát Xoan.

- Chặng hát trình diễn - gồm 14 quả cách như Kiều Giang Cách; Nhàn Ngâm Cách; Tràng Mai Cách; Ngư Tiều Canh Mục Cách; Đối rẫy Cách; Xuân Thời Cách; Hồi Liên Cách; Hạ Thời Cách; Thu thời Cách; Đông thời Cách; Tứ Mùa Cách; Thuyền Chèo Cách; Tứ Dân Cách; Chơi Dâu Cách. Các quả cách mô tả đời sống, sinh hoạt con người; ca ngợi cảnh vật thiên nhiên qua một năm canh tác của nhà nông, hoặc kể các truyện cổ tích.

- Chặng hát hội - mang tính chất trữ tình, giao duyên với hình thức đối đáp thể hiện sự đối đáp linh hoạt, đua tài, thi ứng phó nhanh. Hát hội có Hát ghẹo - giao duyên, xin hoa đố chữ; hát đúm và hát giã (mó) cá là tiết mục kết thúc quá trình diễn xướng của hát Xoan, có tiết tấu khỏe khoắn, sôi động, thể hiện tín ngưỡng phồn thực. 

Âm nhạc trong Hát Xoan được cấu thành chủ yếu từ những thang 3 âm, 4 âm (quãng 3 hoặc quãng 4). Giai điệu Xoan mộc mạc, tiết tấu đơn giản, cách hát gần gũi với giọng nói. Các điệu chính có hát tiều ngư canh mục - còn gọi là mó cá, điệu múa hát mang ước vọng sinh sôi. Hát múa mời rượu - đào Xoan dâng chén rượu chúc các Bô lão trường sinh. Hát đối giao duyên nam nữ giữa đào xoan và trai làng. 

 

 

Hát Xoan có tổ chức hết sức chặt chẽ. Những người đi hát Xoan thường sống cùng chòm xóm và tổ chức thành phường. Đây là một tổ chức văn nghệ nghiệp dư của những người cùng làng, phần lớn có quan hệ họ hàng với nhau. Người đứng đầu một phường Xoan (hay họ Xoan) gọi là ông Trùm. Ông Trùm là một người có kinh nghiệm về nghề nghiệp xã giao và viết chữ để hát dẫn một số bài dài được chép bằng văn tự.

Các thành viên thì gọi trai là Kép, gái là Đào. Mỗi phường Xoan có khoảng 15 đến 18 người. Nam mặc áo the, khăn xếp, quần trắng; nữ mặc áo năm thân, khăn mỏ quạ, áo cánh trắng, yếm điều, thắt lưng bao, dải yếm các mầu, quần lụa, đeo xà tích. Những làng có người đi hát Xoan này nước nghĩa với phường Xoan và các phường Xoan cũng nước nghĩa với nhau. Họ coi nhau thân thiết như anh em, nhưng tuyệt đối đào kép Xoan không được lấy nam nữ thanh niên của làng nước nghĩa.

 

 

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, hát Xoan hiện nay còn bảo tồn 31 bài Xoan cổ ở 4 phường Xoan gốc thuộc thành phố Việt Trì. Các bài xoan cổ gắn liền với các di tích lịch sử văn hóa, nơi phát tích của Hát Xoan và các ngôi đình cổ, nơi lan toả diễn xướng Hát Xoan như: Miếu Lãi Lèn, Đình Thét, Đình An Thái, Đình Hùng Lô…Trong không gian đình cổ kính, những ca từ, điệu múa, nhịp phách của các đào, kép hát hòa quyện như chạm vào tâm thức thành kính nhất của mỗi người khi trong không văn hóa của mỗi canh hát Xoan cổ.

 

 

Trải dài cùng lịch sử dân tộc, từ xưa đến nay, nhân dân Phú Thọ vẫn luôn tổ chức hát Xoan và lưu giữ nghệ thuật dân gian này như một báu vật văn hoá của tỉnh Phú Thọ, đồng thời gìn giữ, phát huy một di sản văn hoá đặc sắc của dân tộc để người Việt tưởng nhớ về công ơn của các Vua Hùng đã có công dựng nước, giữ nước.

 


Diệu Phi – VietKings (tổng hợp và biên tập)