Lịch sử văn hiến dân tộc vẫn được ví như một dòng sông chảy mãi không ngừng và mỗi thế hệ đi qua lại lắng tụ trên dòng sông ấy những lớp trầm tích văn hóa nhuộm màu thời gian. Mỗi mảng màu, mỗi nét vẽ của người nghệ nhân không chỉ là sự tài hoa mà còn là sự tinh túy được chắt lọc lại từ các thế hệ cha ông xa xưa. Là một dòng tranh dân gian, độc đáo về bút pháp, phong phú về đề tài, tươi tắn, rực rỡ, sinh động về màu sắc và truyền tải được rõ nét đời sống tinh thần và phần hồn cốt của người Thăng Long xưa, tranh Hàng Trống đã làm nên tên tuổi nổi tiếng cho một con phố cổ của Hà Nội – phố Hàng Trống.
Cho đến nay chưa có một tài liệu nào chính thức chứng minh thời điểm ra đời của dòng tranh dân gian Hàng Trống. Tuy vậy, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng dòng tranh Hàng Trống ra đời vào khoảng thế kỷ XVI, vì chịu ảnh hưởng rõ rệt của các luồng tư tưởng văn hóa tôn giáo vùng miền …là kết quả của sự giao thoa tinh hoa giữa Phật giáo, Nho giáo,giữa loại hình tượng thờ, các điêu khắc ở đình, chùa với những nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa hằng ngày, phát triển trong một thời gian khá dài và rất mạnh vào cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX. Nhưng đến nửa cuối thế kỷ XX, dòng tranh này bắt đầu suy tàn, nhất là từ sau kết thức chiến tranh Việt Nam, hầu như các nhà làm tranh đều bỏ nghề, nhiều nhà đốt bỏ hết các dụng cụ làm tranh như ván, bàn khắc,..., một phần do thú chơi tranh của người Hà Nội đã có sự thay đổi, một bộ phận do việc làm tranh thu nhập thấp (do sức mua giảm), nhiều nghệ nhân đã chuyển nghề.
Một sạp bán tranh dân gian Hàng Trống trên phố cổ ở những năm thế kỷ XX. Trong ảnh là cụ Chu Thị Chỉ – bà nội của Nghệ nhân Ưu tú Lê Đình Nghiên, người được xem là nghệ nhân cuối cùng đang gìn giữ và phát triển dòng tranh Hàng Trống
Tranh Hàng Trống có thể chia thành hai dòng chính là tranh thờ và tranh chơi Tết. Đề tài và nội dung tranh Hàng Trống rất phong phú như “Lý ngư vọng nguyệt”; bộ tranh tứ bình “Tố nữ”; Tứ quý “Tùng, cúc,trúc, mai”; Tứ dân “Ngư, tiều, canh, mục; “Chim công múa”; “Thất đồng”; “Tam đa”; “Chợ quê”...và hàng loạt tranh thờ: “Ngũ hổ”; “Bạch hổ”; “Hắc hổ”; “Đức Thánh Trần”; “Ông Hoàng Ba”; “ÔngHoàng Mười”; “Mẫu Thượng Ngàn”; “Tứ phủ”;“Công Đồng”; “Tam Phủ”... Tranh truyện có “Nhị độ mai”; “Thạch Sanh”; “Truyện Kiều”... Riêng về tranh Tết có tranh “Cá chép vượt vũ môn” là tranh dân gian Hàng Trống được đông đảo mọi người yêu thích, bởi vẻ đẹp vàý nghĩa tượng trưng cho khát vọng vươn lên của con người trong cuộc sống. Do đó, nhiều người thường trang tríở phòng làm việc và phòng khách gia đình mình nhằm mong ước sự an lành, may mắn, thịnh vượng. Và đây cũng là loại tranh được dùng nhiều trang trí ngày Tết ở các văn phòng công ty...Bức “Tứ quý bốn mùa” tranh Hàng Trống là loại tranh thường được chọn trưng bày trong nhà vào những ngày Tết như biểu tượng cho bốn mùa: Xuân-Hạ-Thu-Đông. Hơn nữa những loại cây này còn tượng trưng cho những nét đẹp, tính cách cao quý của con người. Ban đầu tranh dân gian Hàng Trống chỉ được lưu hành trong tầng lớp bình dân nhưng càng về sau càng trở nên phổ biến trở thành thú chơi tao nhã trên đất kinh kỳ.
Tranh Tết Hàng Trống
Tranh thờ Hàng Trống
Khác với Tranh Đông Hồ và tranh Kim Hoàng, Tranh Hàng Trống thường sử dụng giấy dó có chiều dài và rộng, nền trơn để có thể dễ dàng vẽ tranh. Sau khi in tranh bằng giấy dó mỏng manh để lúc in ván gỗ, các nét mực hiện đều và đậm, nghệ nhân còn phải tiến hành thêm một bước bồi giấy để tiện treo tranh. Công đoạn này cũng đòi hỏi không ít sự khéo léo, bởi tùy vào yêu cầu cụ thể mà tranh phải bồi một lớp, có khi đến hai, ba lớp giấy cho cứng cáp, cũng có những lúc phải bồi cả phần bo tranh bao bọc lấy bức tranh. Sau đó, đợi tới khi hồ đã khô, nghệ nhân mới có thể vẽ màu lại, toàn bộ quá trình khiến cho một tác phẩm có thể cần đến ba, bốn ngày để hoàn thành. Khi đã xong xuôi, nghệ nhân sẽ lồng trục vào hai phần trên dưới của tranh để tiện cho việc treo, phù hợp với không gian kiến trúc nhà cao, cửa rộng, sập gụ tủ chè nơi thành thị. Tranh Hàng Trống chịu ảnh hưởng của lối tranh trục cuốn cổ điển treo tường của giới nho sĩ, khác với loại tranh “lá mít” khổ nhỏ có thể dán thẳng lên vách nhà của Đông Hồ và Kim Hoàng.
Các ván khắc in tranh đều phải theo mẫu tranh, các mẫu tranh do các nghệ nhân đảm nhiệm, gọi là “ra mẫu.” Người “ra mẫu” tranh thường là người giỏi nhất của từng nhóm thợ, rất tinh tế, giàu kinh nghiệm, nên khi đặt bút vẽ trên tờ giấy bản là lập tức hiện ra hình ảnh như bay như múa. Về nét khắc ván in, tranh Hàng Trống sử dụng loại ván in to nặng phù hợp với kỹ thuật in ngửa, được khắc bằng những mũi chàng, mũi đục, để có thể tạo ra được những đường nét mảnh mai, tinh vi, mềm mại. Cứ xem những bức tranh dân gian đa dạng của phường tranh Hàng Trống, ta liền có thể cảm nhận được sự tinh xảo đậm chất kinh kỳ trong nét khắc. Đó là sự thanh thoát đầy thần thái của mày cong lá liễu, đuôi mắt vuốt cong theo dáng lá trầu không, tay búp măng cong cong, mang vẻ đẹp duyên dáng sống động như người con gái Hà thành của các nàng Tố nữ; đó là áo mão cân đai, xiêm hài cờ quạt, chi tiết tới từng nếp gấp của tay áo tà áo, từng đường cong của thước lụa bay bổng, dáng uy nghi mà không thiếu mỹ cảm của những bức tranh ông hoàng bà chúa; đó là vẻ bệ vệ với tạo hình ấn tượng của tranh “Ngũ hổ”, đó là hình chữ S mềm mại của thân cá với hai mặt trăng, trăng trên trời và bóng trăng dưới nước, huyền ảo như hình tròn âm dương Đạo giáo của tranh “Lý ngư vọng nguyệt” (“Cá chép trông trăng”).
Ván khắc tranh Hàng Trống
Công đoạn bồi giấy cho tranh Hàng Trống
Màu sắc trong tranh Hàng Trống được các nghệ nhân xưa sử dụng rất điêu luyện, nhuần nhị. Chỉ với 6 màu: xanh lá cây, xanh da trời, hồng, cam, vàng, đỏ điều, đen và trắng, họ đã tạo nên một thế giới vừa rực rỡ, vừa tương phản, gần gũi mà cũng rất uy nghiêm. Tất cả những màu sắc này đều được chưng cất, chế tạo từ những vật liệu tự nhiên. Tỉ lệ được tạo không đúng với công th��c chuẩn, mà chỉ để cho thật thuận mắt vàưa nhìn. Màu đen của tranh được làm bằng tro rơm nếp hay tro lá tre, được đốt và ủ kỹ, màu vàng lấy từ hoa hòe hay hoa giành giành, màu chàm là các loại nguyên liệu từ núi rừng, màu son của sỏi đồi tán nhuyễn. Những màu sắc đã được pha với hồ nếp loãng cổ truyền tạo cho tranh một vẻ óng ả và trong trẻo, mà các loại tranh màu hiện đại không thể nào có được .
Về kỹ thuật tô màu, kỹ thuật “cản màu” (hay “vờn màu”) là tinh hoa của tranh Hàng Trống. Nghệ nhân sử dụng bút lông mềm rộng bản, một nửa ngọn bút chấm màu, còn nửa ngọn bút kia chấm nước, viền dọc theo đường in sẵn, khiến cho nét bút ngay từ lúc đặt xuống tới lúc lướt trên mặt giấy đều có hai sắc độ đậm nhạt khác nhau, tạo thêm chiều sâu cho bức tranh. Cùng là một màu sắc, nhưng sắc độ chuyển dần từ nồng sang đạm, sau đó nhẹ nhàng tan vào trong nền giấy, khiến những khối hình trong tranh Hàng Trống mang thêm tính ba chiều, có sáng có tối, chuyển đổi ý nhị, khác biệt hẳn so với tranh Đông Hồ hay tranh Kim Hoàng – hai dòng tranh vốn nổi bật với đặc điểm màu sắc đơn giản thành từng khối màu, mảng màu có sắc độ đồng nhất. Có lẽ tranh Hàng Trống chịu nhiều ảnh hưởng của thẩm mỹ quan Nho giáo, không chỉ trong những chủ đề tranh tứ bình (bộ bốn tranh) với những hình ảnh như mai – lan – cúc – trúc hay tùng – cúc – trúc – mai (những hình ảnh khá phổ biến trong tâm trí kẻ sĩ thời xưa), mà còn trong cả kỹ thuật tô màu sử dụng bút lông. Trong những nét vờn đậm nhạt gợi sự uyển chuyển mềm mại, ta dường như trông thấy cả vẻ tinh tế của tranh sơn thủy, với sông núi miên man và mây xa bảng lảng, nét mực chầm chậm lặn vào giấy dó tựa như khói mỏng sương chiều…
Tranh tứ bình Hàng Trống vẽ tích Truyện Kiều
Tranh Hàng Trống là dòng tranh được làm ra bởi bàn tay những người thợ kinh kỳ, phục vụ cho tầng lớp thị dân và quý tộc chốn kinh kỳ ngàn năm suy thịnh, thấm đẫm vẻ tinh tế của thẩm mỹ Tràng An trong từng chi tiết. Ấy là vẻ tinh tế trong chủ đề gắn liền với cuộc sống của người đô thành, vẻ tinh tế trong giấy dó mỏng manh mà bền chắc, vẻ tinh tế trong đường khắc ván in tỉ mỉ cầu kỳ, vẻ tinh tế trong nét bút lông uyển chuyển loang màu đậm nhạt, và vẻ tinh tế trong lựa chọn màu sắc, phối hợp sáng tối và tranh – chữ.
Một sạp bán tranh dân gian Hàng Trống tại lễ hội Phủ dầy năm 1920
Bằng những tác phẩm ấy, tranh dân gian Hàng Trống còn lưu lại mãi mãi trong tâm trí mỗi người Việt Nam chúng ta. Những tác phẩm của dòng tranh dân gian Hàng Trống quả là những kiệt tác, toát lên cái sinh động, tinh tế, ý nhị và sâu sắc lạ thường cả về nội dung lẫn hình thức. Mặc dù có những hạn chế nhất định - do hoàn cảnh lịch sử, môi trường địa lý và đặc điểm tâm lý thị dân, nhưng dòng tranh Hàng Trống vẫn có những đóng góp đáng kể vào kho tàng nghệ thuật dân gian Việt Nam, đã để lại những kiệt tác sống mãi với thời gian.