Ngày trước, Tân Châu nổi danh khắp miền Nam với nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa, và được gọi là “xứ tằm tang”. Từ thế kỷ XIX, vùng đất Tân Châu gắn liền với cây dâu, con tằm và nghề dệt lụa. Vào những năm 1920, làng Long Hưng (nay là phường Long Châu, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) lúc đó dân cư còn thưa thớt nhưng hầu hết đều sống bằng nghề tơ lụa; nhà nhà, người người trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa…; thu nhập chính của người dân lúc bấy giờ là từ tơ lụa. Cho đến năm 1940, Tân Châu đã trở thành trung tâm tơ lụa lớn nhất Nam Kỳ Lục Tỉnh và đã hình thành “con đường tơ lụa” đầy huyền thoại.
Những năm 1950 - 1960, Lãnh Mỹ A không chỉ nổi tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh mà còn được xuất cả sang Campuchia, Lào... Lãnh Mỹ A “nịnh mắt” người mặc, người nhìn, khi khoác tấm lãnh Mỹ A lên người sẽ cảm nhận được rõ hơn sự mịn màng của thớ lụa, say mê của hương thơm dịu dàng, quyến rũ. Đặc biệt thứ tơ lụa hảo hạng này giúp người mặc mát rượi vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông, chất liệu lụa dai bền không hút nước, mặc càng lâu càng đen bóng, quý phái… Lãnh Mỹ A mang hiệu ứng của da, của giấy và của lụa trên từng mét vải nên nó còn được gọi với cái tên lụa sơn mài. Với những ưu điểm này, thời xưa, bộ quần áo may bằng lãnh Mỹ A là niềm mơ ước của bao thiếu nữ, quý bà, đó cũng là một món quà xa xỉ.
Phụ nữ xưa cùng chiếc quần đen lãnh Mỹ A
Ở vùng đất An Giang, người ta trồng dâu từ những bãi đất cát pha ven sông vào sâu trong đồng ruộng. Cả một triền đất trải dài là một màu xanh bất tận, nối tiếp từ làng này qua làng khác. Có những năm, ruộng dâu trồng đến hơn 10.000 hecta, trải dài từ Tân Châu, Chợ Mới đến tận biên giới Campuchia mới đủ cung cấp cho tằm ăn. Điều đặc biệt là khi hái dâu để nuôi tằm, người dân không hái từng lá mà chặt sát gốc, sau đó gom thành từng bó lớn rồi chở về. Từ khi bắt đầu nuôi tới lúc “tằm ăn lên” là cả một giai đoạn chăm sóc tỉ mỉ, kỳ công của người dân bởi gần như lúc nào họ cũng phải túc trực bên nong và bộ ván xắt dâu. Cho tới khi tằm chín mọng, kết lại thành những kén vàng ươm, người ta mới đưa lên “bủa” giăng tơ. Có thể nói, làng dệt lúc này bỗng trở nên đẹp và lung linh hơn cả. Dưới ánh nắng mặt trời, nhà nhà vàng óng những bủa tơ…
Sau khi ươm tơ, người ta tháo tơ thô từ các bó để se lại thành sợi to rồi dệt lại thành những tấm lụa. Thời kỳ đầu của nghề ươm tơ, dệt lụa ở Tân Châu, người ta dệt lụa theo khung dệt cổ. Khổ vải dệt ra chỉ rộng khoảng bốn tấc, khi may quần áo phải nối vải nên không đẹp. Dần dần, làng nghề tạo ra khung dệt khổ 8 tấc, rồi 9 tấc, đồng thời nghiên cứu làm cho lụa đẹp hơn, bền hơn với nhiều hoa văn tinh xảo như: cẩm tự, hoa dâu, hoa cúc, mặt võng, mặt đệm…
Xưa nay, phàm thứ gì quý hiếm thì đều khó khăn đỏng đảnh, Lãnh Mỹ A cũng vậy. Lãnh Mỹ A được dệt từ thứ tơ hảo hạng của những Ông Tằm khỏe nhất, nhuộm đi nhuộm lại nhựa trái mặc nưa trong hàng tháng trời...
Một Ông Tằm tốt sẽ nhả được thước tơ chừng 700m, lãnh đẹp nương vào tơ, vì thế dệt lãnh phải chọn tơ loại Một được lấy từ ông tằm khỏe, kén chín vào mùa xuân, sợi tơ dài nuột nà mềm mượt không mối nối, mang màu trắng ngà nhìn vào cảm giác trong veo như sợi cước. Tơ về đến xưởng sẽ có thợ chuyên quay tơ se sợi (mỗi sợi dệt ngang được chập lại từ 8 con kén, sợi dọc là chập tơ từ 10 con kén). Thợ dệt sẽ mắc cửi coi khung, đứng canh mặt vải không rời mắt mỗi giây để tránh lỗi, thấy tơ hơi gợn lên là phải gỡ, phải dấu được mối nối giữa các đoạn để cả cây lụa như được dệt ra từ một sợi tơ duy nhất. Tấm lãnh được dệt bằng phương pháp Sateen 8 trên khung gỗ (đây là kĩ thuật vân đoạn khó nhất trong các phương pháp dệt tơ tằm). Nhờ cách dệt này mà tấm lãnh có đặc tính thoáng mát và rút mồ hôi, cùng với sợi 100% tơ tằm nên mặc vào mùa đông thì ấm, mùa hạ thì mát. Thế mà vải dệt xong, vẫn cần một người thật cẩn thận, mang kính cầm nhíp săm soi tỉ mẩn từng milimet để “cứu” những vết tơ hơi lằn trên mặt lụa. Rồi lụa được cho vào luộc để ra hết chất keo ông tằm, sau đó mới mang vào nhuộm.
Để làm được lụa lãnh Mỹ A phải dùng những sợi tơ hảo hạng để dệt. Lúc dệt, thợ phải đứng canh (mỗi người thợ chỉ canh một khung dệt, nếu dệt công nghiệp có thể đứng 5 - 6 khung) để giữ cho tơ không bị gợn.
Nhắc đến lụa Lãnh Mỹ A, phải nói đến kỷ thuật nhuộm màu rất đặc biệt bằng trái mặc nưa. Lụa Lãnh Mỹ A khi dệt ra có màu trắng của tơ, được nhúng vào dung dịch pha từ trái mặc nưa giã nát với nước sạch. Cây mặc nưa là loại cây gỗ có màu đen, lá mỏng, chùm quả tròn trĩnh gần giống như quả nhãn. Quả mặc nưa sau khi thu hái được phân loại lớn nhỏ khác nhau. Thông thường người ta sẽ chọn quả to và xanh, loại bỏ những quả chín vì không còn nhựa nữa. Sau đó đem giã nát bằng cối đá hoặc nghiền bằng máy và hoà vào nước tạo thành dung dịch có màu vàng sánh rất đẹp, khi tiếp xúc với không khí và nhiệt độ, màu này sẽ chuyển sang màu đen. Vì thế, có thể nói, nguyên liệu dùng để nhuộm lụa Tân Châu hoàn toàn là nguyên liệu tự nhiên, không hề có phẩm màu hay hóa chất. Trái mặc nưa có mùi thơm của thiên nhiên, 100kg trái sẽ cho đủ nhựa để nhuộm một cây lụa 20m.
Nếu coi sợi tơ tằm là da thịt thì nhựa trái mặc nưa là nhan sắc của loại lụa cầu kỳ duy mỹ số một trên dải đất Việt - Lãnh Mỹ A.
Từ những tấm lụa trắng ngần, sau hơn 100 lần nhuộm rồi phơi mới có được sản phẩm Lãnh Mỹ A.
Dung dịch mủ trái mặc nưa màu trắng đục nhưng khi nhúng lụa vào lại cho ra màu đen huyền. Để có một tấm lụa Lãnh Mỹ A, các thợ nhuộm phải mất hơn một tháng trời chỉ với công việc: nhúng lụa vào nước trái mặc nưa, vắt rồi đem phơi khô, sau đó lại tiếp tục… Lụa phải nhuộm đủ 6 da, riêng da thứ nhất mất 9 ngày với 27 lần phơi nhuộm như thế. Lụa không chịu được nắng gắt, cũng không chịu được sấy, chỉ có phơi trên đồng cỏ với nắng nhẹ và gió trời. Giữa các lần nhuộm và phơi, lãnh được giặt bằng nước sông Mê Kông để loại hết phần nhựa thừa trên mặt vải. Từ da tứ 4 trở đi, vải được mang đi đập cho vỡ thớ, để mặc nưa ngấm sâu vào tận trong lõi tơ, cho màu vải bền, bóng, đẹp. Toàn bộ chu trình nhuộm mất tới 45 ngày nếu có nắn liên tục, với gần 100 lần nhuộm, 20 lần giặt và 10 lần đập, còn tính cả lúc dệt thì mất thời gian tổng cộng là 4 tháng để cuối cùng cho ra thước lãnh Mỹ A trơn óng, mềm mượt, càng dùng càng bóng, có cái ấm áp của nắng, cái mơn man của gió trời và cảm giác tuôn chảy của nước sông trên từng vuông lụa, vì thế mỗi thước lụa như mang cả thời gian, không gian trong đó.
Mỗi sợi tơ lãnh Mỹ A đều nhuộm bao nhiêu khó nhọc vất vả của người thợ
Lụa được phơi trên cỏ có độ cứng đủ để nâng vải hứng nắng, đồng thời phải đủ mềm để không xước vải
Giá trị của đồ xa xỉ không nằm ở khía cạnh vật chất mà luôn nằm trong tinh thần. Độ tinh xảo và hiếm có, tính thẩm mỹ xuất sắc của sản phẩm, sự đầu tư đến mức hoang đường về thời gian và không gian, thái độ và kỹ năng của người thợ trong quá trình sản xuất – mới làm nên giá trị xa xỉ. Những thứ thượng phẩm vì thế luôn hiếm hoi và cực nhọc, đằng sau câu chuyện xa xỉ phẩm thường là triết lý cực kỳ chính xác và xúc động về cái Đẹp, do đó những thước lụa Mỹ A đẹp mà đỏng đảm mãi xứng đáng với danh hiệu "Nữ hoàng tơ lụa" mà người đời phong tặng.