[VIETKINGS – TOPPLUS đề cử] TOP 100 loại hình văn hóa – nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam (P.4): Nau M’pring – Tài sản tinh thần vô giá của ngưởi M'nông

02-02-2023

(kyluc-top) – Dân ca của người M’nông (còn gọi là Nau M’pring), là hình thức diễn xướng dân gian (không có nhạc đệm) được người M’nông sáng tác, sản sinh từ lao động sản xuất, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và được cộng đồng coi là tài sản chung của tộc người

Người M’Nông là dân tộc thiểu số ở Việt Nam với dân số khoảng 103 nghìn người, là một trong những tộc người cư trú lâu đời tại vùng đất Tây Nguyên, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Đây cũng là tộc người có nền văn hoá nghệ thuật đậm đà bản sắc. Di sản văn hóa của người M’nông phong phú về loại hình, hàm chứa nhiều giá trị lịch sử, văn hóa xã hội, trong đó nổi bật nhất là dân ca.

 

Người M’Nông là một trong những tộc người xuất hiện sớm nhất ở vùng đất Tây Nguyên và bảo lưu được nhiều nét văn hoá đặc trưng của dân tộc. Đó là những lễ hội truyền thống và kho tàng văn hóa dân gian độc đáo như: kể chuyện sử thi, đánh cồng chiêng, dân ca, dân vũ...

 

Bắt nguồn từ nền nông nghiệp nương rẫy, lưu truyền qua nhiều thế hệ, dân ca của người M'nông phát triển phong phú về thể loại, đa dạng về thang âm và giữ được những nét đặc trưng. Dân ca của người M'nông có nhiều thể loại như hát ru con, hát khấn thần trong các nghi lễ, hát đố, hát đồng dao, hát kể sử thi, hát giao duyên… phản ánh thiên nhiên, cuộc sống thường ngày, tình yêu con người, quê hương đất nước, ca ngợi những người bảo vệ bon làng…

Dân ca M’nông là một kho tàng phong phú và đa dạng. Trong số những bài dân ca M’nông còn lưu lại đến ngày nay, nhiều bài đã ra đời từ buổi sơ khai của lịch sử hình thành và phát triển tộc người. Những bài ca ấy được lưu truyền qua sàng lọc tự nhiên và có sức sống lâu bền trong nhân dân. Mặc dù trong suốt tiến trình lịch sử, người M’nông chưa có chữ để lưu giữ vào thư tịch, mà phương pháp chủ yếu là truyền miệng trong dân gian và hình thức cha truyền con nối. Trải qua hàng ngàn năm vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt, chiến đấu chống kẻ thù để bảo vệ sự sinh tồn của dân tộc, người M’nông đã sáng tạo một kho tàng dân ca vô cùng phong phú về chủng loại và số lượng. Nhạc cụ của người M’Nông với các bộ cồng chiêng, kèn bầu, kèn sừng trâu, kèn môi, đàn độc huyền mang âm hưởng của núi rừng Tây Nguyên tiềm ẩn nhiều giá trị văn hoá quý báu và vẫn được lưu truyền đến ngày nay.

 

 

Ngôn ngữ của dân ca rất gần với lời nói hàng ngày và mang đậm tính chất của thơ ca. Phương pháp sử dụng tục ngữ và thành ngữ được vận dụng một cách sáng tạo. Các thủ pháp nghệ thuật được sử dụng rất tài tình, như so sánh, tương phản, mô phỏng...Đồng thời, một số phương thức đặc biệt của ngôn ngữ cũng được sử dụng như cách đối chữ, đối nghĩa, các hình thức tạo vần, các hình thức ví von, các hình ảnh ẩn dụ... tạo nên các lối hát mang tính nghệ thuật của dân tộc. Khi xét về thang âm thì dân ca M’nông có đủ các thể từ thang 3 bậc âm, 5 bậc âm, 6 bậc âm và 7 bậc âm. Tuy nhiên, người M’nông vẫn dùng chủ yếu là thang 5 âm (có hoặc không có bán âm). Trong dân ca, âm nhạc giữ vai trò quyết định. Bởi vì nói đến “ca” là nói đến âm nhạc – nếu không có yếu tố âm nhạc thì là tục ngữ, văn vần. Đó chính là tính chất của nghệ thuật thuộc thể loại dân ca và chính yếu tố nghệ thuật ấy (âm nhạc và lời ca) đã đáp ứng được yêu cầu hưởng thụ của cộng đồng.

 

 

Nội dung cơ bản của dân ca M’nông thường đề cập đến sự hình thành của vũ trụ, con người và xã hội; ngôn ngữ rất gần với lời nói hàng ngày và mang đậm tính thơ ca; phương pháp sử dụng tục ngữ và thành ngữ được vận dụng một cách sáng tạo; các thủ pháp nghệ thuật được sử dụng rất tài tình, như so sánh, tương phản, mô phỏng, ngoa dụ… thường được kết hợp với nhau trong quá trình khắc họa tính cách của nhân vật và sự việc. Ngoài ra, Dân ca M’nông là thể loại giàu chất trữ tình, những câu hát có hình ảnh, nhịp điệu, có vần điệu… thường dẫn ra trong cuộc sống hàng ngày. Chủ đề của lời hát còn được dùng trong các nghi lễ và những điệu hát khấn thần. Chính nhờ hình thức này mà dân tộc M’nông đã dựng nên những pho sử thi rất hoành tráng, có dung lượng dài đến hàng ngàn câu.

Hình thức hát dân ca M’nông tương đối tự do, thoải mái, không bị câu thức bởi lễ nghi, phép tắc diễn xướng. Người nghệ nhân bằng giọng hát của mình, đặt chỗ lấy hơi, chọn nơi thêm luyến láy, từ phụ, hư từ làm cho lời hát sinh động. Giọng, điệu, lời hát, cách sử dụng ngữ điệu, ngữ khí, sắc thái là những phương tiện cơ bản của diễn xướng mà nghệ nhân hát dân ca cần có để có thể diễn xướng được những bài dân ca M’nông. Dân ca M’nông có 2 hình thức gồm độc diễn (hát một người) và hát đối đáp, gồm nhiều thể loại như hát ru con, hát khấn thần trong các nghi lễ, hát đố, hát đồng dao, hát kể sử thi, hát giao duyên…

 

 

Dân ca M’nông chính là hình thức giao tiếp giữa con người với thế giới siêu nhiên, hát về tình yêu đôi lứa, ca ngợi những chàng trai anh dũng chống lại cái ác để bảo vệ buôn làng, thiên nhiên tươi đẹp. Dân ca M’nông bảo vệ và trao truyền các tri thức về tự nhiên, xã hội và con người như: các hiện tượng nắng, mưa, gió, bão, sấm sét, đêm ngày, núi rừng, sông suối, ao hồ, đầm lầy, trời đất...; ứng xử với tự nhiên trong lao động sản xuất, săn bắt, hái lượm...; ứng xử giữa con người với nhau; về văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Bên cạnh đó, dân ca M’nông góp phần cố kết cộng đồng, giáo dục các thế hệ về ý thức cội nguồn dân tộc, bản sắc tộc người, đạo đức trong gia đình và trong cộng đồng, tình yêu đôi lứa, trao truyền kinh nghiệm lao động sản xuất… để truyền dạy cho thế hệ sau.

 

Không gian diễn xướng của dân ca M’nông rất rộng, bao trùm toàn bộ môi trường sinh sống của người M’nông. Sau các nghi lễ trang trọng, bà con quây quần bên ché rượu cần, thưởng thức những đồ ăn, thức uống mang linh khí của các thần bảo mệnh, rồi thả hồn vào những bài hát dân ca, ca ngợi quê hương, bon làng...

 

 

Dân ca M’nông từ thuở xa xưa đã ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào nơi đây và là món tài sản tinh thần vô giá của người M’nông. Ngày nay, dân ca của người M’nông có sức sống mạnh mẽ trong đời sống đương đại, trở nên phổ biến trong các cuộc vui, lễ hội, liên hoan, giao lưu giữa các nhóm cộng đồng, và còn được khai thác trình diễn nghệ thuật trên sân khấu, vì thế nên luôn được trao truyền, bảo tồn và phát huy một cách mạnh mẽ. Tháng 11/2020, dân ca Nau M'Pring của người M'nông trên địa bàn tỉnh Đắk Nông được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian.


Diệu Phi – VietKings (tổng hợp và biên tập)