Gắn với đời sống tinh thần và tín ngưỡng của người dân ước vọng về một cuộc sống may mắn, no đủ và hạnh phúc, tranh Kim Hoàng đã chắt lọc nhiều ưu điểm của hai dòng tranh dân gian rất nổi tiếng là Đông Hồ và Hàng Trống. Một thời, đây là món ăn tinh thần của người dân xứ Đoài và vùng đồng bằng Bắc bộ.
Giống tranh Đông Hồ, tranh Kim Hoàng là dòng tranh dành cho giới bình dân, thể hiện những chủ đề quen thuộc với người dân nông thôn như tranh gà, tranh lợn, tranh ông Công ông Táo, tranh cuộc sống đồng quê… Trên góc tranh Kim Hoàng còn có thơ đề và bùa trấn tà ma, điều mà tranh Hàng Trống và tranh Đồng Hồ không có, nhờ vậy mà phục vụ đa dạng hơn nhu cầu của người dân, từ trang hoàng nhà cửa đầu năm mới, cầu phúc lộc may mắn đến trấn trạch, xua đuổi tà ma.
Thần kê (Gà thần). Gà thần là biểu hiện của phương Đông, trấn trị tà ma, giúp cho gia chủ sống lâu muôn tuổi. Đôi gà trống trong tư thế đang cúi xuống tìm mồi, bộ lông mượt mà, đuôi dài vút cong, mào hình lá chỏm nhọn, hai chân dạn dày với cặp cựa dài kiêu hãnh.
Cặp Ông Phúc – Ông Thọ in trên giấy xuyến chỉ. Ông Phúc cầm quả lựu (“Lựu khai bách tử”) hàm ý đông con nhiều cháu. Ông Thọ cầm quả đào (“Đào hiến thiên xuân”) tượng trưng cho sự trường thọ.
Bốn bức tranh chủ đề Tử tôn phú quý vinh hoa minh họa cho lời chúc con đàn cháu đống. Ý nghĩa tranh từ trái sang: 1. Các bé vui đùa thể hiện lời chúc an vui; 2. Bé cưỡi tuần lộc, biểu thị ước vọng nhiều phúc lộc; 3. Bé được khiêng thể hiện ước vọng làm quan, bé cầm hoa sen làm lọng chỉ sự thăng quan tiến chức; 4. Em bé mở hộp có con cóc ba chân nhảy ra biểu thị ước vọng học tập đỗ đạt.
Bộ tranh "tứ nghệ" (bốn nghề gồm sĩ, nông, công, thương). Tranh bên trái là tranh "công, thương" với thương nhân buôn bán thóc gạo; thợ xẻ gỗ tượng trưng cho thủ công nghiệp. Tranh bên phải là tranh "sĩ, nông" với thầy đồ đang dạy học, đó là kẻ sĩ, trí thức; phía dưới tranh là nghề nông với người nông dân đang cấy lúa.
Tranh hai bên miêu tả chim phượng, linh vật trong "tứ linh". Tranh ở giữa mang ý nghĩa cá chép hóa rồng biểu thị sự thành đạt.
Nghê vốn là linh vật thuần Việt, có mặt ở cổng đình, đền, lăng... Nghê có ý nghĩa tâm linh nhằm trấn trạch, trừ tà. Trong tranh là đôi nghê chầu.
Hai tranh thể hiện hai môn thần (thần canh cửa) với trang phục võ tướng, thần thái uy nghiêm qua hình ảnh mắt xếch, râu dài. Bộ tranh này được treo hai bên hai cánh cửa nhà mang ý nghĩa trừ tà ma.
Tương truyền, dòng họ làm tranh Kim Hoàng đầu tiên là dòng họ Nguyễn Sĩ người Thanh Hóa ra Thăng Long rồi lập nghiệp ở làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức (Hà Nội). Nếu đặc trưng của tranh Đông Hồ là giấy điệp, tranh Hàng Trống là giấy dó thì tranh Kim Hoàng sử dụng các sắc hồng điều, đỏ cam, đỏ son, vàng yến… hết sức rực rỡ để làm nền, tạo nên một vẻ tươi thắm rất riêng. Cũng vì màu giấy đỏ ấy mà tranh Kim Hoàng còn được dân gian gọi là tranh đỏ.
Tranh dân gian Kim Hoàng chủ yếu được in trên chất liệu giấy đỏ màu hồng điều hoặc màu cam.
Các cụ cao tuổi ở làng kể lại rằng, thời kỳ thịnh vượng, những ngày giáp Tết, không khí làm tranh nhộn nhịp khắp làng, người làm tất bật cả ngày rồi tối đến lại chong đèn ba dây mà chấm phẩm. Khoảng Rằm tháng Chạp, người Kim Hoàng lại mang tranh đi bán ở các chợ trong vùng như Sấu Giá, chợ Thầy, chợ Canh, chợ Diễn... Từ sáng sớm, các gia đình đã cử người đến các chợ “bỏ que giữ chỗ”, để đến khi sáng hẳn mới cho người nhà gánh tranh đến bày bán. Có năm phát đạt, đi chợ bán tranh về phải được một gánh tiền Tự Đức. Thời hưng thịnh đó kéo dài chừng hơn 100 năm. Theo nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa, năm 1917, đê Liên Mạc vỡ, lụt lội đã cuốn theo toàn bộ tranh và những bản in tranh. Từ đó, làng nghề cứ thu hẹp dần, cho đến Tết năm 1947 là thời điểm cuối cùng tranh dân gian Kim Hoàng còn xuất hiện trên thị trường.
Ra đời muộn hơn tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống và cũng lụi tàn nhanh chóng, nhưng tranh Kim Hoàng vẫn mang phong cách riêng. Cùng một chủ đề nhưng tranh Kim Hoàng thường dùng màu mạnh với nét vẽ đơn giản nhưng khỏe khoắn, phóng khoáng, thể hiện mang tính cách điệu nhiều hơn hẳn so với dòng tranh dân gian khác.
Giấy in không quét điệp như tranh Đông Hồ (tranh giấy điệp trắng hay còn gọi là tranh trắng), cũng không dùng giấy xuyến, giấy dó như tranh Hàng Trống (tranh trắng mộc) mà in trên giấy màu đỏ, giấy hồng điều, giấy tầu vàng. Tranh lợn bột in hình con lợn mình đen, viền trắng cách điệu rất ngộ nghĩnh giống như những con lợn đất bán ở chợ, trên nền giấy đỏ tạo một vẻ đẹp riêng gây ấn tượng mạnh mẽ của tranh Kim Hoàng.
Tranh Kim Hoàng cũng đủ loại tranh thờ cúng, chúc tụng như một số dòng tranh khác cùng thời (Đông Hồ, Hàng Trống). Nhưng tranh Kim Hoàng lại kết hợp nhiều ưu điểm của hai dòng tranh đó. Tranh Kim Hoàng có nét khắc thanh mảnh, tỉ mỉ hơn tranh Đông Hồ; màu sắc tươi như tranh Hàng Trống. Về màu, tranh Kim Hoàng dùng mực tàu, trắng là thạch cao, phấn; chàm, xanh chàm từ mực tàu hoà với nước chàm và các màu hoá học. Màu của tranh, ngoài màn nền, trước hết là "màu đen" in từ ván gỗ lên giấy. Màu này lấy từ những thỏi mực đen mực tàu. Bảng màu ở Kim Hoàng có trắng, vàng, xanh lơ, xanh lá cây (xanh lục), chàm, tím, hồng, đỏ sẫm. Trừ màu chàm mua nguyên liệu về chế lấy, các màu khác đều có bán ở thị trường. Muốn có màu chàm thì đem cây chàm ngâm riêng cành và lá, sau đó chắt bỏ nước trong, rồi gạn lấy chất cái đánh nhuyễn ra. Màu chàm thường trộn với mực đen để tạo ra thứ màu xanh đen. Màu trắng thì mua phấn thạch cao, ngâm nước cho mềm rồi đánh nhuyễn. Các màu trên, khi dùng phải pha keo da trâu. Khó pha nhất là màu phẩm hồng, pha khéo thì được màu cánh sen tươi, không đúng cách thì chuyển thành màu máu đỉa.
Ngày trước, để có được bức tranh nền đỏ rực rỡ, tươi tắn, người làm tranh Kim Hoàng thường dùng những bản khắc bằng gỗ thị, gỗ mít hay vàng tâm với những nét khắc tinh xảo và kỹ thuật in ngửa ván tài tình. Người dân trong làng kể lại rằng những năm đầu thế kỷ 20, sau vụ gặt tháng 10 hàng năm, tiết trời se lạnh, là thời điểm người Kim Hoàng rộn rã, náo nức làm tranh. Giấy hồng điều để vẽ tranh thì được mua ở phố Hàng Mã. Sau khi dùng những bản khắc gỗ sẵn, quét nước vào, đặt giấy lên cho thật phẳng phiu, dùng xơ mướp khô xoa nhẹ, đều để làm nổi rõ các hình, các nét rồi sẽ đem phơi nắng. Đã có hình in đen rồi, dựa vào những phần mảng của nét để từ các màu khác mà nhân dân địa phương gọi là "chấm phẩm". Chờ cho tranh khô, người làm tranh mới mang vào chấm màu, vẽ thêm nét cho bức tranh thật sinh động, nổi bật. Chổi để tô màu cho loại tranh này luôn làm bằng rơm nếp, tạo độ mềm mại vừa phải và dễ điều chỉnh cho mỗi nét tô. Vì thế, tranh Kim Hoàng tuy nhìn nét vẽ ngây ngô nhưng lại hết sức sống động. Theo truyền thống, khi còn tổ chức phường tranh thì toàn bộ ván là tài sản của phường, do chủ phường giữ, hàng năm đến ngày rằm tháng mười một âm lịch, sau khi làm lễ giỗ ông Tổ phường, ván được chia cho các gia đình mang về in. Trong quá trình sản xuất tranh Tết, các gia đình có thể đổi ván cho nhau để in nhiều mẫu. Hết mùa ván in lại tập trung giao cho chủ phường giữ.
Tranh Kim Hoàng ở một làng nông thôn ngoại ô thành phố nó chỉ phục vụ tầng lớp nhân dân lao động nên nó cũng ảnh hưởng đến màu sắc trong tranh, nét vẽ thì ngây ngô. Với người dân lao động thì đến Tết người ta thường mua những câu đối, tranh màu sắc đỏ để mang về treo nhằm hy vọng sự may mắn đến với mọi người. Tranh Kim hoàng màu sắc cũng tự nhiên. Những màu sắc tự nhiên bao giờ cũng làm từ khoáng nên sau một thời gian nhất định nó sẽ trong màu chứ không bị đục.
Trên những bức tranh Kim Hoàng không chỉ có hình ảnh, mà có những câu thơ chữ Hán được viết theo lối chữ thảo phía trên góc trái bức tranh. Cả thơ và hình vẽ được thể hiện trong một bức tranh tạo nên một chỉnh thể hài hòa, chặt chẽ. Có được điều này là do các nghệ nhân không chỉ biết thông thạo chữ Hán, mà phải có tầm hiểu biết nhất định để thể hiện được cái tài hoa lên tranh và đây là đặc điểm tạo sự khác biệt cho dòng tranh Kim Hoàng.
Trải qua thời gian, tranh Kim Hoàng từng bị mai một nhưng sau này, dòng tranh dân gian ở đất Kinh Kỳ dần hồi sinh. Tết đến xuân về, tranh Kim Hoàng vẫn được nhiều người nhắc nhớ bởi những giá trị nghệ thuật gắn liền với đời sống tinh thần của cộng đồng.