[VIETKINGS – TOPPLUS đề cử] TOP 100 loại hình văn hóa – nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam (P.51): Dân ca Sán Chí – Nét đẹp văn hóa kết nối cộng đồng

22-03-2023

(kyluc-top) – Cũng như nhiều dân tộc khác sinh sống trên dải đất hình chữ S từ Hà Giang đến mũi Cà Mau, người Sán Chỉ có một kho tàng văn hóa dân gian phong phú và độc đáo. Dân ca Sán Chỉ có một giá trị riêng biệt, như một mạch nguồn văn hóa, nuôi dưỡng, bồi đắp tinh thần người Sán Chỉ từ lúc lọt lòng đến lúc từ giã cuộc đời. Ngày nay, dù bị tác động và ảnh hưởng của nhiều hình thức văn hóa, văn nghệ hiện đại nhưng dân ca Sán Chỉ vẫn được bảo tồn và và có sức sống lan tỏa trong đời sống dân cư.

Lục Ngạn là một huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, nơi đây là địa bàn cư trú của các dân tộc anh em sinh sống như: Dao, Hoa, Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chí, Cao Lan. Trong đó, người Sán Chí chiếm số lượng khoảng hơn 40%. Cộng đồng người Sán Chí chủ yếu sống trên các dãy núi cao, hoặc gần các khe suối và sống thành từng bản. Trên cơ sở văn hoá riêng của dân tộc, phong tục, tập quán và qua quá trình lao động, người Sán Chí đã sáng tạo những câu hát trữ tình, đằm thắm, phát triển thành lối hát dân ca mang tính đặc trưng. 

 

Dân ca Sán Chí (“Cnắng cọô”) là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian có lịch sử lâu đời của người Sán Chí ở xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Đây là lối hát đối đáp nam nữ gần giống như hát ví, hát trống quân, hát quan họ của người Kinh và các làn điệu sli, lượn của người Tày, Nùng, sịnh ca của người Cao Lan. Hiện chưa có tài liệu nghiên cứu nào cho thấy rõ nguồn gốc của dân ca Sán Chí, chỉ biết rằng, nhiều thế hệ người Sán Chí sinh sống ở xã Kiên Lao đã truyền dạy và duy trì loại hình nghệ thuật này trong cộng đồng đến tận hôm nay.

 

 

Các làn điệu, câu hát cổ của người Sán Chí không có nhạc cụ đệm. Các bài hát, làn điệu câu hát của người Sán Chí đều có nhịp phách, luyến láy, nhả chữ, lên bổng xuống trầm, ngân dài nhấn mạnh từ ngữ trong câu hát đã tạo nên giai điệu, phách nhịp và thể hiện tình cảm của người hát trong từng hoàn cảnh cụ thể. Người hát dân ca Sán Chí giỏi không chỉ thuộc nhiều lời hát, thể loại hát mà còn phải thông minh, sâu sắc, giỏi ứng đối trong giao lưu, hát đối. Về thể loại, hầu hết các bài hát dân ca Sán Chí xuất phát từ thơ Đường, thường viết theo thể “thất ngôn tứ tuyệt” (thể thơ 4 câu, mỗi câu có 7 chữ). Bên cạnh đó, trong một số bài, câu đầu chỉ có 5 từ, do vậy người Sán Chí phải dùng từ láy để ngâm đệm khi hát.

Hiện nay, đồng bào Sán Chí còn lưu giữ được hàng nghìn bài hát dân ca, thuộc các thể loại khác nhau: Hát ban ngày (chục cô ộ) là khi hai bên gặp nhau bên đường, bên suối, bên nương... là thể loại hát ứng khẩu giữa nam và nữ nên lời ca mộc mạc, gần gũi. Hát ban đêm (chắng cô ộ) là hát ở trong nhà, hoặc trải chiếu ngoài sân hát vào buổi tối, thường hát theo lối hát ru, ngân dài hơn; là thể loại hát đối đáp giữa khách và chủ nên ca từ thường nhẹ nhàng, lịch sự, khoan thai, ý nhị, thường mượn cảnh thiên nhiên như núi mây, trăng hoa, sông nước, cây cỏ vào lời hát. Hát đám cưới (Chắu cô ộ), còn gọi là tửu ca, chỉ được hát trong đám cưới, ca từ rộn ràng, vui vẻ, thường là chúc phúc cho cô dâu chú rể, mời mọc, chúc tụng rượu trong đám cưới. Hát đổi danh (Zoóng hồ cô ộ), loại hát này chỉ có con trai được hát trong lễ đổi danh (theo phong tục của đồng bào Sán Chí, con trai đến năm 18 tuổi phải làm lễ đổi danh - đổi tên), cuộc hát được diễn ra ở sân và trong nhà, lời bài ca chủ yếu là chúc tụng cho người được đổi danh… 

Theo thống kê của các nhà nghiên cứu, người Sán chỉ còn lưu giữ được  khoảng từ 300 - 500 bài ca viết bằng chữ Hán thể loại hát ban ngày; 700 – 1000 bài hát đêm và 100 bài hát đám cưới.

 

 

Dân ca Sán Chí không chỉ phổ biến trong thanh niên nam nữ mà cả lớp trung niên và người già cũng rất say mê hát, bởi nó là phương tiện gửi gắm tâm tư, tình cảm, ước vọng của những người Sán Chí. Người Sán Chí mỗi khi có dịp gặp nhau lại hát cho nhau nghe những bài hát ca ngợi cảnh đẹp của quê hương, làng bản, những cảnh sinh hoạt, sản xuất trong bốn mùa, qua đó ngỏ ý giao duyên, kết tình. Bên cạnh đó, nhiều bài hát còn nói về sự kính trọng người già, công lao của cha mẹ, công đức của người có công đối với làng bản và đôi khi là những bài hát trêu đùa gây cười hoặc đả phá những thói hư tật xấu…

 

Có thể coi Dân ca Sán Chí là một nét sinh hoạt văn hoá phong phú, hấp dẫn, được kết tinh trong quá trình lao động, sản xuất và sinh sống của nhiều thế hệ và phản ánh được phần nào lịch sử - văn hóa của tộc người này. Theo đó, Dân ca Sán Chí là một nguồn tư liệu phong phú giúp nghiên cứu về văn hóa, phong tục tập quán, âm nhạc, ngôn ngữ của người Sán Chí trong lịch sử.

 

 

 

Với đồng bào Sán Chí, khi điều kiện sống còn khó khăn, thì lời ca, tiếng hát chính là một món ăn tinh thần không thể thiếu, có tác dụng khích lệ, động viên, giúp con người xích lại gần nhau, yêu quê hương, làng bản của mình hơn. Đây là di sản văn hóa phi vật thể có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng người Sán Chí ở vùng cao Lục Ngạn.


Diệu Phi – VietKings (tổng hợp và biên tập)