“Nào tàu nào tượng ra trông/ Xe như nước chảy lọng cùng lá sen/ Nào cờ nào kiệu đôi bên/ Cân đai rực rỡ áo xiêm xa bày/Gió xuân phây phẩy xa bay/ Chim kia học nói hoa này thêm tươi…” những lời ngâm nga của Chèo tàu là thứ chúng ta có thể bắt gặp nếu về Tân Hội. Ở vùng đất này, có thể dễ dàng cảm nhận được Chèo tàu như ngấm vào máu, vào thịt mỗi người dân. Từ những trẻ mới lớn, cho đến người trưởng thành và cả những cụ già vẫn có niềm đam mê, yêu những làn điệu mượt mà, những câu ca sâu lắng. Ở Việt Nam, chèo Tàu duy nhất chỉ có ở xã Tân Hội.
Tục truyền rằng, khi đánh giặc, Hai Bà Trưng cùng đoàn quân đã hành quân qua địa phận Tổng Gối (xã Tân Hội ngày nay). Sau này, để tưởng nhớ công ơn Hai Bà Trưng, người dân Tân Hội mở hội tế lễ, hát múa diễn lại cảnh xưa với mô hình con tàu (thuyền) và con voi (tượng). Cũng theo ông Yến, ở Tổng Gối còn có một lý giải khác, rằng hát chèo tàu xuất phát từ cuộc khởi nghĩa “Hắc y” của tướng Văn Dĩ Thành chống quân Minh xâm lược. Đội quân lấy vùng Tổng Gối làm căn cứ, lợi dụng đêm tối chèo thuyền qua sông để tiêu diệt giặc.
Hội hát chèo tàu phát triển mạnh vào thế kỷ XVII, lời ca, điệu hát, nghệ thuật diễn xướng được hoàn thiện rực rỡ vào thế kỷ XIX. Nét độc đáo ở hội hát chèo tàu Tân Hội đó là thành viên tham gia đều là nữ. "Từ cách đây gần 400 năm, trong chế độ phong kiến, người phụ nữ thường không ra khỏi lũy tre làng. Nhưng trong hội hát chèo tàu, phụ nữ đã làm chủ con thuyền, biểu diễn ở một lễ hội lớn. Điều đó chứng tỏ sự ghi nhận, vinh danh của dân làng đối với phụ nữ”, nghệ nhân Đông Sinh Nhật nhận định.
Các cụ cao niên trong làng kể lại rằng, hội chèo tàu được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1683 và thường niên 25 năm tổ chức một lần, diễn ra liên tục trong vòng một tháng. Hội cuối cùng được tổ chức vào năm 1922 và bị gián đoạn do chiến tranh. Đến năm 1998, hội được khôi phục lại, đến năm 2015 mới được tổ chức lớn.
Lễ hội hát chèo tàu bắt đầu từ ngày rằm và kết thúc vào 21 tháng Giêng. Trong suốt 7 ngày 7 đêm, dân các làng Thượng Hội, Thúy Hội, Vĩnh Kỳ, Phan Long của xã Tân Hội thay nhau hát. Mở đầu, các ca nhi sẽ “hát trình” các bài dâng hương, dâng rượu, nhớ ơn người đã ngã xuống vì đất nước. Sau đó là hát “trạo ca” (hát trên thuyền, hát chèo thuyền); hát “bỏ bộ” (hát đối đáp giữa tàu, tượng và người đến xem hội). Khi biểu diễn, Chúa tàu đánh thanh la, hai Cái tàu lĩnh xướng, 10 Con tàu hát họa theo.
Hội chèo tầu diễn ra từ rằm đến 21 tháng Giêng. Nơi tổ chức hội gọi là khu “đại dinh” được dựng bằng mây, tre, gỗ, lá theo quy mô của một cung điện. Đại dinh gồm: đền chính, nhà đại bái, nhà đại kiệu, nhà hành lang, nhà thể sát nội, nhà tướng cờ, nhà tướng kiệu. Để tổ chức hội, mỗi làng Thượng Hội và Thúy Hội phải làm một cái thuyền rồng bằng gỗ chắc chắn dài từ 4 - 5 m, rộng 2 m, ở giữa có một cái lầu nhỏ, dưới có bánh xe bằng gỗ đẩy đi đẩy lại được. Trên thuyền có lá cờ hội và 13 cái lọng. Mỗi làng phải chọn ra một bà chúa tầu giỏi múa hát khoảng 50 tuổi (đầu đội mũ tròn 5 nếp, khăn 5 màu, mặc áo điều, quần điều, chân đi hài), 2 cái tầu và 10 “con tầu”. “Con tầu”, “Cái tầu” là các thiếu nữ có nhan sắc, nhà nề nếp, tuổi từ 13 - 16, đội khăn nhiễu tam giang, quần áo nhiễu điều, dép cong sơn đen, quai nhung. Phan Long và Vĩnh Kỳ mỗi làng làm 1 con voi đan bằng tre bên ngoài phết giấy dày cao khoảng 2,5 m, dài gần 3 m, cắm cờ, lọng và được đặt trên một cái bệ có bánh xe đẩy đi đẩy lại được. Mỗi voi có 2 quản voi (quản tượng) là nữ cải trang nam khoảng 30 tuổi (1 quản tiền và 1quản hậu). Cả hai đều vấn khăn mỏ rìu, búi tó, hoặc đội mũ đầu nâu thần võ, thắt lưng màu, quần áo màu hồng tay thụng ngắn, chân đi hia, có lọng xanh và cầm búa ngọc. Quản tiền tay cầm hoa, quản hậu đeo còi trước ngực. Ngoài ra, còn có 4 mẹ chiêu quân (4 làng), 50 mỹ nữ và 200 hàng đô.
Nội dung của các bài hát trong diễn xướng Chèo tàu là những bài hát riêng và những bài hát đối đáp của "tàu" và "tượng", đều nhằm ca ngợi công đức của Thành hoàng tổng Gối Văn Dĩ Thành. Hát Chèo tàu Tân Hội gồm 20 làn điệu, được chia thành các hình thức như: Hát trình, hát thuyền và hát bỏ bộ. Quy trình hát được thực hiện chặt chẽ theo thứ tự: Lễ trình, dâng hương, dâng rượu, bài tàu (hoặc bài tượng), hát bỏ bộ, hát các bài lý, hát ví... Điều đặc biệt là, tất cả các bài hát của nghệ thuật Chèo tàu cho đến nay vẫn được người dân Tân Hội giữ gìn nguyên vẹn lời ca cổ mà không hề bị pha tạp như nhiều loại hình diễn xướng dân gian khác hiện nay.
Sau nhiều năm trăn trở, các ông bà trên đã thành lập Câu lạc bộ hát Chèo tàu Tân Hội nhằm khôi phục làn điệu chèo tàu cổ, phục dựng lễ hội hát. Từ 20 người ban đầu, sau một thời gian hoạt động, số hội viên câu lạc bộ tăng dần. Đến với nhau, họ cùng chung niềm đam mê và lòng tự hào với di sản vốn quý của làng xã để quên đi những nhọc nhằn trong cuộc sống. Cứ như vậy, cho đến hiện tại, mỗi buổi tối, sau một ngày vất vả với công việc, học tập, những con người đam mê, tâm huyết lại cùng nhau đến nhà văn hóa xã, họ cùng nhau xướng lên những làn điệu chèo chỉ ở Tổng Gối mới có.