Trong các loại hình nghệ thuật cổ của người Việt, Ải Lao là những điệu hát, điệu múa cổ và hiếm còn được lưu giữ đến ngày nay. Không chỉ độc đáo bởi nhịp điệu, lối hát, hát múa Ải Lao còn mang ý nghĩa tâm linh, có giá trị lịch sử, văn hóa khá đặc sắc. Lời ca của Ải Lao không chỉ thể hiện sự tôn kính và cảm tạ Đức Thánh Gióng mà còn tạo nên không khí vui tươi trong một lễ hội trang nghiêm với nhiều nghi lễ. Chính vì vai trò quan trọng của hát múa Ải Lao mà người dân nơi đây có câu “Phi Ải Lao bất thành Hội Gióng”.
Theo truyền thuyết dân gian, Thánh Gióng đi đánh giặc qua dòng sông Thiên Đức (tức sông Đuống), Ngài rủ lũ trẻ chăn trâu, người câu cá bên bờ sông cùng đi, Ông Hoàng Hổ cũng xin theo. Chiến thắng giặc Ân, Thánh Gióng hóa về trời. Mẹ Thánh Gióng buồn vì con không về. Nhà vua hứa trọng thưởng cho người làm bà vui cười trở lại nhưng không ai làm được. Khi trẻ chăn trâu làng Hội Xá sang múa hát, bà thấy đúng tâm trạng nên bật cười. Từ đó, nhà vua lệnh cho tổng Phù Đổng khi tổ chức Hội Gióng, phải mời phường Ải Lao sang biểu diễn.
Truyền thuyết Thánh Gióng tàng ẩn nhiều mã văn hóa, cả chiều rộng lẫn chiều sâu, cả văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của người Việt Nam.
Theo lệ xưa, phường hát múa Ải Lao gồm: 1 ông trùm, 1 người đánh trống khẩu, 1 người đánh chiêng, 1 người cầm cung (tượng trưng người đi săn), 1 người cầm cần câu (ông Câu), 2 người cầm cờ lau (tượng trưng lũ trẻ chăn trâu Hội Xá), 1 người múa hổ (ông Hổ), 12 người cầm sinh và hát cùng với lình cả, lình nhì (những người đứng đầu giáp) và một ông mõ đi phục vụ cơm nước. Những người trong phường Ải Lao phải từ 18 đến 49 tuổi, gia đình phải không có tang, tham gia tự nguyện.
Về trang phục, khi được chọn, mỗi thành viên phải tự chuẩn bị cho mình một chiếc nón dứa, đầu chít khăn và mặc áo dài đen, thắt lưng lụa màu xanh, buộc nút ở sườn bên trái, chân đi đất. Hàng năm, giáp nào được cử đến hội phải có mặt ở đình Hội Xá vào tháng Ba để nhận đầu ông Hổ, rồi mua vải may một tấm da hổ để nối vào đầu hổ. Tấm vải được nhuộm vàng và vẽ lên đó những chấm lốm đốm cho giống da hổ. Tan hội, giáp làm lễ cúng ở đình rồi đốt tấm da Hổ. Đầu Hổ được cất vào trong điện thờ. Xưa, đầu ông Hổ bằng giấy bồi, từ năm 1997, được làm bằng gỗ, còn tấm da Hổ được may bằng vải dầm bâu (vải thô, cứng) và được cất giữ để dùng cho các hội kế tiếp.
Hiện nay, phường Ải Lao đang biểu diễn 14 bài hát là: Lễ trình, Hát thờ đền Thượng, Hát sử, Kéo hội đi đường, Rước hội xuống đồng vào Giá Ngự, Uốn cành, Tre ngà, Hát thờ đền Mẫu, Giải núi, Vào chùa hát thờ, Lập đồn, Lễ tạ, Lên đình Hội Xá, Vào chùa. Các bài hát Ải Lao cổ vẫn được Phường lưu giữ và phát huy. So với những ghi chép của ông Nguyễn Văn Huyên về Ải Lao năm 1938, hầu hết các bài hát Ải Lao cổ vẫn được biểu diễn chỉ thay đổi tên gọi như “Hát khi mới vào hành lễ" được đổi thành "Hát thờ ở đền Thượng", "Hát ở đền Đức Thánh thượng" được đổi thành "Hát sử"… Một số đoạn trong các bài hát cũng được thay đổi trật tự. Không chỉ dừng lại ở đó, phường Ải Lao còn chuyển thể một số bài thơ hay, ý nghĩa, nói lên được vai trò lịch sử của phường Ải Lao và ông Hoàng Hổ thành bài hát mới để phù hợp hơn với các không gian biểu diễn. Năm 2015, Phường đưa vào hai bài hát mới là “Lên đình Hội Xá” và “Vào chùa”, được phổ từ hai bài thơ “Ca ngợi Hội Xá” của ông Đoàn Thế Thuần và “Chắp tay niệm Phật” của ông Quý Luân. Tuy nhiên, hai bài này không được biểu diễn trong Hội Gióng mà chỉ biểu diễn trong hội làng Hội Xá.
Đặc điểm riêng nổi bật của các bài hát Ải Lao là từ các bài thơ chủ yếu theo thể lục bát và thơ tám chữ được chuyển sang hát bằng cách lặp từ, thêm các từ đệm, thay đổi cấu trúc bài thơ. Người ta thêm các hư từ vào câu thơ để tạo nhịp, mà không làm thay đổi ý của câu và duy trì sự hài hòa cho bài hát. Nhạc cụ đóng vai trò rất quan trọng để giữ nhịp và đệm, có ba loại nhạc cụ chính là trống khẩu, chiêng con và sinh (sênh). Khi bắt đầu vào hát, trống và chiêng gõ hai hồi, mỗi hồi tám nhịp, sau hai hồi trống thì mọi người bắt đầu hát. Các câu hát được chia thành ba nhịp, sinh phải đánh theo nhịp trống, đánh vào nhịp thứ 3, 6 và 8.
Múa Ải Lao thuộc loại những điệu múa cổ nhất của người Việt. Ở đây có 2 điệu múa chính là Múa hành lễ và Múa nghi lễ.
Trước đây, hát và múa Ải Lao chỉ biểu diễn ở Hội Gióng. Ngày nay hát múa Ải Lao được tổ chức thường niên, ngoài biểu diễn ở Hội Gióng thì trong Hội làng Hội Xá (mùng 8/2 âm), Hội làng Đổng Xuyên (mùng 8/8 âm lịch) và một số hoạt động văn hóa lớn cũng có sự góp mặt của hát múa Ải Lao như một nét văn hóa làm phong phú thêm kho tàng văn hóa nghệ thuật biểu diễn của dân tộc.