Trong số các trò chơi dân gian của Việt Nam, có lẽ tò he là số ít vẫn giữ được đến nay. Không ai biết chính xác tò he có từ bao giờ, chỉ biết rằng đó là món đồ chơi dân gian độc đáo của trẻ em, là một nét đẹp văn hóa truyền thống cần được bảo tồn.
Tò he hay còn được gọi là chim cò vốn xuất phát từ việc làm đồ thờ cúng trong những dịp lễ tết, đặc biệt là tết Trung Thu, do các nghệ nhân xưa dùng bột nếp nặn những mâm ngũ quả, ông tiến sĩ và 12 con giáp hay những con vật gần gũi với nông thôn Việt Nam để phục vụ việc cúng lễ. Chim cò khi cúng xong, chia cho trẻ nhỏ chơi (là một hình thức của việc chia lộc – thụ lộc, mang ý nghĩa tâm linh cao) khi chơi chán đem hấp với cơm có thể ăn được. Trẻ em rất thích chơi chim cò nên các nghệ nhân xưa đã phát triển thành nghề làm đồ chơi.
Đầu tiên đó chỉ là hình những con chim, con cò giản dị. Tới thời kì kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ, các nghệ nhân chuyển sang nặn bộ đội. Ngày nay, trẻ em nhỏ ưa chuộng những nhân vật hoạt hình, hoa lá cỏ cây, người nghệ nhân sáng tạo thêm một cây kèn lá nhỏ gắn vào dưới thân con giống, khiến nó phát ra tiếng tò te tí te, mà chuyển sang tên “tò he” như người ta vẫn quen gọi và biết đến. Như vậy, từ một hình thức đồ lễ mang ý nghĩa tâm linh và văn hóa cao, qua thời gian, tò he ( hay chim cò) đã trở thành một thú vui chơi trong sáng, giản dị và đậm màu sắc dân gian.
Cái nghề làm tò he cũng lắm công phu. Đó là lí do vì sao, nó không chỉ đơn giản là một thức chơi quê mùa mà còn được tôn vinh như một nét đẹp văn hóa Việt. Cái hay của tò he là đã sử dụng những nguyên liệu quen thuộc của đồng quê mà đi bất cứ vùng miền nào của dải đất hình chữ S này, ta cũng có thể dễ dàng tìm thấy. Tò he được làm từ bột gạo nếp, ngâm nước rồi đem xay nhuyễn, luộc chín và nhào nhanh tay. Lắm lúc nhào xong, khi gạo nếp đã đóng thành một khối trắng tinh khôi, khói vẫn bốc lên nghi ngút. Trong việc nặn tò he, làm bột và luộc bột là một trong những công đoạn quan trọng nhất, quyết định đến chất lượng của con giống. Nghệ nhân tò he Đặng Văn Hậu ở thôn Xuân La cho biết, quan trọng là kỹ thuật luộc bột và làm bột phải theo thời tiết. Mùa đông thì làm bột dẻo hơn mùa hè.
Sau đó khối bột được chia thành 7 phần để nhuộm màu, thuật ngữ nghề nghiệp còn gọi là thấu màu. Tò he có 7 màu cơ bản như: xanh, đỏ, vàng, hồng, tím, đen và trắng. Các loại màu được lấy từ thực vật tự nhiên, có trong đời sống hàng ngày như: màu xanh lấy từ lá tràm, trầu không; màu đỏ lấy từ quả gấc; màu vàng lấy từ củ nghệ; màu hồng lấy từ cánh hoa sen; màu tím từ trái mùng tơi; màu đen lấy từ lá nhọ nhồi; chỉ có màu trắng là không cần phải nhuộm. Khi cần thiết các nghệ nhân có thể pha thêm các màu có sẵn như: màu trắng trộn với màu hồng thành màu hồng nhạt, màu vàng trộn với màu đỏ để thành màu da cam,… và tạo ra những cục bột chín dẻo thơm hương vị của đồng quê. Chính vì vậy mà tò he được các nghệ nhân làm nên có dáng vẻ hồn nhiên, trong sáng, và đậm chất dân dã, ẩn chứa vẻ đẹp bình dị của chốn thôn quê..
Dụng cụ sản xuất tò he rất đơn giản, chỉ cần một cái vòng bằng nứa, một cái lược nhỏ (một đầu có răng, một đầu vót nhọn), một con dao nhỏ, một miếng sáp ong và một nắm que tre. Dưới bàn tay “phù thủy” của các nghệ nhân, những cục bột màu vô tri vô giác đã được tạo thành những hình tượng sống động, độc đáo và ngộ nghĩnh, không chỉ quyến rũ trẻ thơ mà còn hấp dẫn cả người lớn.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách, trước những năm 1960, mỗi dịp Rằm tháng Tám là các con giống nặn bằng bột lại được bày bán khắp nơi ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc Việt Nam, như một thành phần không thể thiếu cho mâm cỗ Trung Thu. Những con giống bằng bột này không chỉ hấp dẫn trẻ con, mà nhiều khi còn hấp dẫn cả người lớn. Sau này, một số người Bắc di cư cũng đem theo truyền thống này vào miền Nam và nó tồn tại ở đây cho đến khoảng cuối thập niên 1980.
Nghệ nhân Đặng Văn Hậu (Hà Nội) cho biết những con giống bột anh phục hồi thời gian qua chủ yếu thuộc ba loại gồm con giống bột Trung Thu Đồng Xuân, thường là những con vật nuôi gần gũi với con người thời xưa như trâu, ngựa, dê, chó, gà, lợn (gọi chung là bộ lục súc). Bên cạnh đó, cũng còn có một số con vật, đồ vật thân quen với đời sống thường ngày như con cua, con cá vàng, đôi hài, mâm ngũ quả…
Một loại nữa là con giống của Phố Khách (các phố của người Tàu quanh khu phố cổ ngày xưa) thường cầu kỳ, tinh xảo hơn, chủ yếu là các con vật trong thần thoại như nghê hý châu, sư tử hý cầu, cá hóa long, con thiềm thừ… Loại thứ ba là con giống bột của Phú Xuyên, thường được gọi là bánh chim cò, kiểu dáng không bị bó buộc mà thay đổi tuỳ theo bàn tay sáng tạo của từng thợ, được làm hoàn toàn bằng nguyên liệu từ thiên nhiên, sau khi chơi xong có thể hấp lên ăn được. Trong ba loại con giống bằng bột đó, hai loại là con giống bột Trung thu Đồng Xuân và con giống Phố Khách gần như đã thất truyền vào đầu năm 90 và không còn ai làm.
Những con giống của Phố Khách như bộ tứ linh, tam sư được làm rất cầu kì, tỉ mỉ, với kĩ thuật làm cốt, tạo vẩy rất tinh vi (Ảnh: Nam Trần)
Còn con giống bột của Phú Xuyên được nặn trên vòng tre mang dáng vẻ hồn nhiên, thô mộc và được nặn theo phong cách tự do, ít "niêm luật" hơn hai loại nói trên (Ảnh: Nam Trần)
Đối với người dân Việt Nam, tò he không chỉ là một món đồ chơi dân gian độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc mà đó còn là món ăn tinh thần gần gũi, tích lũy trí tuệ nhân dân qua nhiều đời. Tháng 7/2017, tò he đã được chọn là một trong những mặt hàng nghệ thuật truyền thống tiêu biểu của Việt Nam tham gia trong Chương trình giao lưu văn hóa Việt – Mỹ.