[VIETKINGS-TOPPLUS đề cử] TOP 50 dòng sông nổi tiếng tại Việt Nam 2023 (P.10): Sông Sêrêpôk – Kỳ vĩ dòng sông chảy ngược

03-06-2023

(kyluc-top) – Ngược dòng chảy qua đất bạn Campuchia, sông Sêrêpôk hòa dòng nước đất đỏ của cao nguyên cuồn cuộn, mang trong mình phù sa của trầm tích văn hóa và ý chí của con người Tây Nguyên...

Sông Sêrêpôk là dòng sông lớn thứ 2 của Tây Nguyên và là dòng sông lớn nhất trong h��� thống sông ngoài ở Đắk Lắk. Sông có chiều dài 315km ( phần chảy trên lãnh thổ Việt Nam là 125km), là phụ lưu quan trọng của sông Mê Kông. Nằm ở phía Tây Trường Sơn, sông Sêrêpôk không đổ thẳng ra biển như các dòng sông khác mà chảy sang vùng đất của Capuchia sau đó xuôi về miền Tây Nam Bộ sau đó mới hoà mình ra biển lớn. Dòng sông này được hợp thành từ 2 dòng sông nhỏ là sông Krông Ana và sông Krông Nô.

 

Serepok là mạch nguồn của trái tim Tây Nguyên. Dòng sông này không theo qui luật từ cội nguồn xuôi dòng đổ ra biển lớn như các dòng sông khác của Việt Nam, mà chảy ngược từ Đông sang Tây. 

 

Hơn một trăm năm trước, năm 1905, nhà khoa học thực địa Henri Maitre khi du khảo dòng sông Krông Nô đã viết: “Sông phát nguyên từ các hoành sơn dãy Tieu Yang Long, được người bản địa gọi là sông Dak Krong Thin và hầu như chỉ là một đường trũng rối rắm chen giữa các vách núi cao”.  Ngày nay, con sông Krông Nô là đường phân giới tự nhiên của tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng. Sông Krông Nô từng được người M’nông gọi là Krông Kéa. Trên dòng chảy của mình, Krông Nô còn nhu nhận thêm hàng loạt các nguồn nước của các dòng Rsai, Rieô, Teung, Ya Preuk v.v… để chuyển mình thành một con nước đích thực của đại ngàn cao nguyên Đắk Lắk. Với tầm vóc xứng đáng ấy, con nước Krông Nô cuồn cuộn tìm đến người bạn đời tự muôn kiếp huyền thoại của mình với tất cả tấm tình thuỷ chung và son sắt nhất, đó chính là dòng sông Krông Ana.  Dòng Krông Ana cũng chảy từ Đông sang Tây, dài trên 215 km với diện tích lưu vực lên gần bốn ngàn cây số vuông. Krông Nô nghĩa là sông Đực, sông Cha hay sông Chàng trai, còn Krông Ana là sông Cái, sông Mẹ hay sông Cô gái. Khi hai dòng sông này hợp lưu tại Buôn Trấp, dòng Serepok lại được tái sinh. 

 

Con sông chảy ngược độc đáo của núi rừng với những thác ghềnh nối tiếp nhau tung bọt trắng xóa.

 

Miên man theo dòng nước để đọc lại những trang huyền thoại Tây Nguyên, chuyện kể rằng xưa kia Krông Knô và Krông Ana chỉ là một dòng sông Sêrêpôk. Ngày ấy, có một chàng trai của buôn Kuôp đem lòng yêu một người con gái ở bên kia sông. Tuy nhiên, vì hiềm khích và thù hằn của hai dòng họ từ hàng trăm năm trước nên họ không được yêu nhau. Cả hai dòng họ đều tìm mọi cách ngăn cản và chia cắt tình yêu đôi trai gái. Nhưng vì quá yêu nhau nên cả hai tìm cách phản kháng. Trong một đêm trăng thanh gió mát bên dòng Sêrêpôk, đôi uyên ương đã cùng nhau ôm nhau khóc thảm thiết rồi nhảy xuống sông tự vẫn. Tình yêu của họ hóa thành dòng nước cuồn cuộn với nước mắt mặn mòi của tình yêu đôi lứa hóa thành huyền thoại. Sau khi họ chết, mây đen bỗng nhiên từ đâu kéo đến nhiều vô kể, trời đất đen ngòm, dòng sông cuồn cuộn nước. Đến sáng hôm sau, khi mọi người thức dậy, dòng sông đã rẽ thành hai dòng từ lúc nào. Và như truyền thuyết, dòng sông cũng hai màu nước, bên ngầu lên màu đỏ bên trong vắt hiền hòa. Để rồi khi gặp nhau hợp thành dòng cuồn cuộn với hàng loạt thác ghềnh liên tiếp như: Gia Long, Dray Sap, Dray Nur, Trinh Nữ... với dòng nước chảy xiết khá hiểm trở. 

 

 

 

Dòng sông lớn Sêrêpôk với nguồn nước đầy đặn thường xuyên, quanh năm còn đem lại nguồn điện hữu dụng lâu dài cho nhu cầu lao động vui sống của con người... từ những nhà máy thủy điện hoạt động bên sông, đêm ngày góp phần cung cấp dòng điện đến nơi nơi, từ đô thị rộn ràng đến vùng nông thôn gần xa yên lành...

 

Thủy điện trên dòng Sêrêpôk

 

Đến bây giờ, dòng Sêrêpôk vẫn thế, hoang dã, bí ẩn và tràn đầy sức sống như một sinh thể sống động của miền đất phía Nam Tây Nguyên. Cư dân bản địa bao đời quần tụ sinh sống dọc theo hai bên bờ dòng sông này nói rằng, họ đã gắn bó với dòng sông thân thiết đến nỗi nghe ra “hơi thở” của nó phả vào đời sống của mình trong mỗi thăng trầm lịch sử. Quả thật, đó là dòng sông mang vóc dáng sử thi, bởi từ đầu mỗi giọt nước được chắt ra trong từng thớ đất đá của đại ngàn Cư Yang Sin, đến khi hòa mình vào dòng Mê Kông rồi lại xuôi trở về với chín nhánh của dòng Cửu Long trên đất Việt để đổ ra biển Đông. Bất cứ ai có dịp đi dọc theo dòng Sêrêpôk sẽ gặp rất nhiều buôn làng của các tộc người M’nông, Êđê, Lào… sinh sống bình yên và thân thiết với dòng sông.

 

 

Từ góc nhìn khác về ngọn nguồn Sêrêpôk, vùng đất Buôn Đôn, nơi dòng sông chảy qua với chiều dài hơn 120 km về phía tây, sau đó đổ vào sông Mê Kông trên vùng đất Stungtreng đất bạn Campuchia là dấu nhấn độc đáo trong cái “phổ văn hóa rừng và sông” tiêu biểu. Trong những cuộc chinh phục, viễn du cùng dòng Sêrêpôk của các bộ tộc Lào, Cao Miên tìm nơi sinh sống luôn đi kèm với sự phát hiện các giá trị mới, sau đó họ sắp xếp (bổ sung, hoặc làm rạn nứt) các giá trị cũ mang theo để hình thành nên diện mạo đời sống xã hội tương thích với “phổ văn hóa” trên. Y Đông Kné (trước là cán bộ văn hóa huyện Buôn Đôn) gọi vua săn voi Y Thu bằng ông ngoại nói rằng, nhắc đến lịch sử vùng đất này thì không thể không nhắc đến dòng sông Sêrêpôk. Dòng sông này là gạch nối gần nhất, sau đó cứ rút ngắn dần theo thời gian để đưa văn hóa của các tộc người hòa trộn với nhau trong không gian đa chiều nhưng thống nhất và đầy màu sắc. Người Lào đã bắt tay với người M’nông bản xứ làm nên “huyền thoại Bản Đôn” với nghề săn bắt, thuần dưỡng voi nức tiếng. Đáp lại, các nghi lễ truyền thống liên quan đến vòng đời và nền sản xuất nông nghiệp của người M’nông, Êđê tại chỗ đã dần thấm sâu và lan tỏa trong đời sống tinh thần của cư dân viễn du tìm về bên dòng sông này tụ họp. Sự hòa hợp này, theo Y Đông Kné là dễ thấy nhất từ những bến nước của các buôn làng dọc bờ sông Sêrêpôk. Ở đây, nếu bếp lửa đỏ quanh năm trong mỗi ngôi nhà làm nên sự sống truyền đời, thì bến nước là không gian gắn kết sâu đậm văn hóa của các cộng đồng dân tộc. Những bến nước trên dòng Sêrêpôk cùng thăm thẳm đại ngàn Yok Đôn với đầy đủ sản vật phong phú vào loại bậc nhất trên vùng biên này là cuộc “hôn phối” đặc biệt, đầy tiềm tàng hàm lượng văn hóa, đủ cho con người mà dòng sông và rừng già cưu mang bao đời nay tồn tại và phát triển. Giờ đây, Sêrêpôk vẫn chảy như đã từng chảy qua hàng triệu năm và trên từng chặng hành trình với “dòng sử thi” này, tiếng thầm thì của nó với đời sống con người từ ngàn xưa cho đến ngày nay chưa bao giờ ngừng nghỉ…

 

 


Diệu Phi (tổng hợp và biên tập, ảnh Internet)