[VIETKINGS-TOPPLUS đề cử] TOP 50 cây cầu nổi tiếng tại Việt Nam 2023 (P.10): Cầu Hoàng Văn Thụ (Hải Phòng) – "Cánh chim biển" giữa thành phố Cảng

14-05-2023

(kyluc.vn-topplus.vn) – Cầu Hoàng Văn Thụ nối trung tâm thành phố Hải Phòng với huyện Thủy Nguyên là công trình khởi đầu cho việc xây dựng để di chuyển Trung tâm Hành chính - Chính trị thành phố sang vị trí mới, có quy mô lớn hơn, hi���n đại hơn tạo nền tảng cho sự phát triển trong tương lai.

 

 

Hải Phòng là thành phố cảng lâu đời, nằm ở vị trí trung tâm vùng duyên hải Bắc Bộ, lá chắn cho Thủ đô Hà Nội, là đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc; là nơi hội tụ đầy đủ các lợi thế về đường biển, đường sắt, đường bộ và đường hàng không, giao lưu thuận lợi với các tỉnh trong cả nước và các quốc gia trên thế giới.

 

 

Cầu Hoàng Văn Thụ được xây dựng bắc qua sông Cấm, nối phường Minh Khai (Hồng Bàng) với xã Tân Dương (Thủy Nguyên), có tổng chiều dài hơn 1,5km. Đây là công trình giao thông cấp đặc biệt, thuộc Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Bắc sông Cấm là một trong các dự án được triển khai nhằm cụ thể hóa mục tiêu:” Xây dựng và phát triển đô thị Hải Phòng là đô thị cảng cửa ngõ quốc tế, văn minh, hiện đại, là đô thị trung tâm cấp quốc gia, thành phố sinh thái - thành phố kinh tế, bảo đảm phát triển bền vững, có bản sắc là thành phố cảng nằm bên bờ biển, có núi, nhiều sông, kiến trúc hài hòa với cảnh quan thiên nhiên

 

Cầu Hoàng Văn Thụ được xây dựng bắc qua sông Cấm, nối phường Minh Khai (quận Hồng Bàng) với xã Tân Dương (huyện Thủy Nguyên), chiều dài hơn 1,5km.
 

Điểm nổi bật nhất của cầu Hoàng Văn Thụ là cầu chính có kiến trúc độc đáo được lấy ý tưởng từ “cánh chim biển”, trở thành biểu tượng mới, tạo sự khác biệt, trở thành điểm nhấn trên dòng sông Cấm.

 

Theo thiết kế kiến trúc, cầu Hoàng Văn Thụ có hình dáng “Cánh chim biển”, là cầu vòm ống thép nhồi bêtông chạy giữa sơ đồ nhịp 45m+200m+45m, rộng 33,5m gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp và 2 lề đi bộ.
 

Về quy mô là công trình cầu cấp đặc biệt, là dạng cầu vòm ống thép nhồi bê tông chạy giữa nhịp lớn (200m) lần đầu áp dụng tại Việt Nam; là công trình được triển khai áp dụng nhiều đề xuất kỹ thuật nhằm tăng năng suất, giải quyết các vấn đề kỹ thuật phức tạp với khẩu độ 45+200+45m, bề rộng cầu chính 33,5m, gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe tải trọng nhỏ và thô sơ, hệ thống vỉa hè, lan can hoàn chỉnh, hai vòm biên nhịp 45m kết cấu bê tông cốt thép, với tổng khối lượng vòm thép nặng 2.000 tấn. Cầu vòm được thiết kế xe chạy giữa, cầu dẫn phía Nam thiết kế vòng xoay hai tầng tạo ra một điểm nhấn kiến trúc cho đô thị Hải Phòng.

 

Cầu được thiết kế theo tiêu chuẩn đường trục chính đô thị (QCVN 07-4:2016), tốc độ thiết kế 80km/h. Cầu nhánh phía Nam có tốc độ thiết kế 40 km/h; cầu nhánh phía Bắc có tốc độ thiết kế 50 km/h; các nhánh nút giao với đường đê bắc sông Cấm (nhánh 3, nhánh 4) tốc độ thiết kế 30 km/h. Đường song hành hai bên cầu tốc độ thiết kế 50 km/h; khổ thông thuyền: BxH= 125x25m.

 

Để thuận tiện cho người đi bộ, ngoài cầu thang bộ, cầu được thiết kế lắp đặt 2 thang máy tại vị trí 2 bên đầu cầu phía nội thành. Toàn bộ công trình cầu Hoàng Văn Thụ có kết cấu phức tạp, lần đầu tiên áp dụng công nghệ thiết kế tiên tiến, hiện đại.

 

 

Cầu Hoàng Văn Thụ chính thức được thông xe từ 15/10/2019, mở ra một không gian mới, phát triển khu đô thị mới Bắc sông Cấm. Cầu có kiến trúc đẹp, hợp lý, có độ thông thuyền cao đảm bảo lưu thông thủy, có tính toán cho sự phát triển trong tương lai của thành phố, thể hiện sự lớn mạnh của ngành giao thông vận tải Việt Nam, của thành phố Hải Phòng.

 

Cầu Hoàng Văn Thụ với hình dáng cầu uốn lượn, tạo sự hài hòa trong cảnh quan của khu vực.
 


Diệu Phi (tổng hợp và biên tập, ảnh Internet)