Nhiều người ở hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long còn mãi nhớ câu hát mà nay đã trở thành quá vãng “Ai qua Tiền Giang xuống phà Mỹ Thuận…”. Từ những năm 1935, nếu những ai ở Vĩnh Long muốn qua Tiền Giang hoặc ngược lại thì đều phải đi bằng phà. Việc lưu thông qua phà vừa mất thời gian, vừa không đảm bảo an toàn và đặc biệt vào những lúc cao điểm dễ xảy ra ùn ứ nên việc cần có một cây cầu là vô cùng thiết yếu.
Cảnh kẹt xe ở bến phà Mỹ Thuận đầu thập niên 1960
Những chuyến phà cuối cùng trước khi khánh thành cầu Mỹ Thuận
Xoay quanh việc cung cấp vốn đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận gặp nhiều khó khăn. Ý tưởng xây dựng cầu Mỹ Thuận có cách đây gần một trăm năm. Đó là vào đầu thập niên thế kỷ 20 khi Việt Nam còn là thuộc địa Pháp, các thống đốc Nam Kỳ Pháp từng tính toán xây dựng cầu nối liền sông Tiền nhằm khai thác nguồn lợi của vựa lúa miền Nam. Mỹ đã từng có ý định cung cấp vốn cho chính quyền Sài Gòn xây dựng cây cầu nhưng thất bại. Giữa thập niên 1960, công ty Nhật Bản Nippon Koei đã hoàn thành thiết kế đồ án và được lựa chọn nhưng dự án bị hủy do khó khăn về tài chính. Sau nhiều lần đình trệ, cầu Mỹ Thuận cũng đã được hoàn thành với tổng số vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng. Trong đó, chương trình Ausaid của chính phủ Úc góp khoảng 66% và chính phủ Việt Nam là 34%.
Sơ đồ nơi tính xây cầu Mỹ Thuận năm 1965
Một bản vẽ cầu Mỹ Thuận năm 1965
Hãng Nippon Koei đã khoan thử móng cầu Mỹ Thuận năm 1965
Một bản tham gia thiết kế cầu Mỹ Thuận trước năm 1975
Cầu Mỹ Thuận là cầu dây văng đầu tiên bắc qua sông Tiền và cũng là cầu dây văng đầu tiên của Việt Nam (khánh thành 21/5/2000) nối hai tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang. Từ phía xa, cầu Mỹ Thuận hiện lên sừng sững, tựa như muốn chạm đến tận trời xanh với những thông số ấn tượng như, tổng chiều dài của cầu là 1.535 m, hai cầu dẫn mỗi bên 11 nhịp, mỗi nhịp 40 m. Chiều dài phần cầu chính là 650 m, chia thành 3 nhịp, hai nhịp bên mỗi nhịp dài 150 m, nhịp giữa dài 350 m. Độ cao thông thuyền là 37,5 m. Mặt cầu rộng 23,6 m chia thành 4 làn xe cơ giới và hai làn cho người đi bộ và xe thô sơ hai bên. Những dây văng từ đỉnh trụ cầu tỏa xuống sông Tiền như hình ảnh của ngư dân đang thả lưới đánh trên vùng sông nước bắt cá, tôm.
Cầu Mỹ Thuận được chính thức thi công vào ngày 6/7/1997 và hoàn thiện vào ngày 21/5/2000.
Cầu Mỹ Thuận nằm trên quốc lộ 1A, cách thành phố Hồ Chí Minh 125 km về hướng Tây Nam. Cầu Mỹ Thuận nối liền giữa hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Đầu cầu phía Bắc thuộc xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang; đầu cầu phía Nam thuộc phường Tân Hòa, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.
Có cầu Mỹ Thuận, cuộc sống của người dân miền Tây thay đổi hẳn vì thời gian đi lại được rút ngắn. Từ đó, người dân dễ dàng đi lại làm ăn buôn bán, học hành, chữa bệnh tại TP.HCM - trung tâm kinh tế lớn của cả khu vực phía Nam. Cầu Mỹ Thuận cũng chính là tiền đề cho những năm sau xây dựng cầu Cần Thơ, Cao Lãnh... bắc qua sông Tiền, sông Hậu giúp cho 13 tỉnh miền Tây nhanh chóng phát triển...
Sự ra đời của cầu Mỹ Thuận đáp ứng mong mỏi cũng như là niềm tự hào của người dân 2 tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung
Không chỉ đem lại những giá trị thiết yếu về mặt giao thông và kinh tế, cầu Mỹ Thuận còn đáp ứng lòng mong mỏi và hy vọng từ bao đời của người dân vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Bên cạnh đó, cầu Mỹ Thuận còn là công trình xây dựng có giá trị kiến trúc nổi bật, mang một nét tuyệt vời về giá trị thẩm mỹ, thu hút rất nhiều khách du lịch từ mọi miền đất nước.