Cầu ngói Chợ Lương với hơn 500 năm tuổi, vượt theo dòng thời gian nơi đây vẫn giữ trọn vẹn được nét đẹp xưa cũ, với kiến trúc độc nhất vô nhị theo chiều dài lịch sử. Đây là 1 trong những cụm di tích văn hóa, lịch sử gồm: “Chùa Lương – Cầu Ngói – Đình Phong Lạc” rất nổi tiếng trên mảnh đất Quần Anh xưa và đã từng được Vua Lê tặng 4 chữ “Mỹ tục khả phong”.
Theo lời kể của các cụ cao niên, xã Hải Anh xưa thuộc Quần Phương xã, chia làm 10 giáp, từ giáp nhất đến giáp 9 chỉ xây dựng cầu đá với kiến trúc đơn giản. Nhưng đến giáp thứ 10 ở gần chợ, gần chùa và là chốn đô hội của tổng quần Anh nên dựng cây cầu bằng gỗ, lợp ngói bắc qua sông Hoàng để hài hòa, phù hợp với không gian chung.
Nhìn từ xa, du khách dễ dàng nhìn thấy các viên ngói được lợp đều đặn, kín kẽ tạo thành một đường vòng cung tuyệt mỹ bắc ngang giữa hai bờ, trông tựa như một con rồng vươn mình bay lên trời. Cầu ngói chợ Lương được thiết kế theo kiểu “Thượng gia hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu), với 18 cột đá vuông xếp thành 6 hàng để gánh 6 vì (những đoạn tre gỗ được ghép để chống, đỡ mái nhà), và nâng đỡ toàn bộ 9 gian nhà cầu. Hệ thống xà dầm bố cục chặt chẽ nâng chọn 40 cột cái, cột quân, cấu kiện chủ lực của nhà cầu. Các vì kèo, 36 xà dọc, thượng lương, xà ngang. Xà máng trên, máng dưới, hệ thống hoành rui…đều được gia công tỉ mỉ, đạt yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật, khiến bộ khung vừa cong, vừa uốn lượn, khít xà ăn mộng. Mái ngói được lợp rất khéo không bi xô, không bi dột. Người thợ tài hoa xưa đã đạt yêu cầu này nhờ sáng tạo ra kỹ thuật nửa lợp, nửa xây làm cho dáng mái rất đẹp tựa con rồng đang bay.
Trải qua hơn 500 năm, cầu Ngói chùa Lương vẫn vẹn nguyên vẻ đẹp cổ kính, mộc mạc mà cuốn hút mọi du khách mỗi khi ghé qua vùng đất ven biển này. Cầu được xây trên 18 cột đá vuông, xếp thành 6 hàng đỡ 9 gian cầu. Những khối đá xếp với tảng gỗ nhìn chênh vênh nhưng thật ra rất chắc chắn nhờ vào sự tính toán chi tiết của người xưa.
Lòng cầu rộng 2m gồm nhiều thanh gỗ lim trên hàng dầm uốn cong.
Hai bên lòng cầu là hai dãy hành lang và cũng uốn cong theo thành cầu.
Phía ngoài hành lang là lan can với các đố thượng, đố hạ và 162 con song dáng lá đề.
Điểm đặc sắc của cấu trúc cây cầu phải nói đến hình tượng cuốn thư trên hàng trụ, dưới là cửa cuốn. Nếu quan sát kĩ, du khách dễ dàng nhận thấy hai bên đầu cầu đều có 4 con nghê đang đứng chầu với dáng vẻ vừa thân thuộc, vừa uy nghiêm. Tuy các mảng chạm khắc không nhiều và có phần đơn giản chỉ bằng các hàng soi, đường chỉ nhưng cũng thể hiện sự tài hoa của người thợ mộc đất Quần Anh xưa. Đáng chú ý là hình tượng cuốn thư trên hàng trụ, dưới là cửa cuốn. Cuốn thư tạo dáng khá đẹp lại đề 4 chữ “ Quần Phương xã kiều” ( cầu xã Quần Phương). Mỗi đầu cầu đều có 4 con nghê chầu, dáng vẻ vừa thân thuộc vừa lộ vẻ uy nghiêm, ý nghĩa đặt 4 con nghê ở đây được câu ca dân gian hé mở: “Bốn con nghê đực chầu về tổ tông”.
Cuốn thư trước cầu đề 4 chữ “Quần Phương xã kiều”
Nghê ở cầu ngói chợ Lương
Buổi đầu khi mới thiết kế cầu, toàn bộ mái được lợp bằng lá bổi. Qua một thời gian dài, những tệp lá bổi mục nát dần. Với sự phát triển của hiện tại, chính quyền và người dân nơi đây đã tu sửa cây cầu và chuyển sang lợp ngói nam. Những đợt trùng tu lớn là vào các năm 1922 và 2011. Song, cây cầu vẫn giữ được phong cách kiến trúc của thế kỷ 16-17.
Cụ Trần Phúc Khiêm, nho sĩ thế kỷ trước, người ở xã Quần Anh thì tự hào vịnh về cầu Ngói:
Ba ngả dòng sông Ngói lợp cầu.
Công lao từ trước một mai đâu.
Quần Anh non nước xem như vẽ.
Đề cột nhà thơ cảm hứng sâu.
Đây nơi Quần ấp
Dấu tổ tiên xưa
Chùa Lương, cầu Ngói
Đẹp như bài thơ
Cây cầu là niềm tự hào của người dân xã Hải Anh
Không chỉ mang trong mình những giá trị văn hóa tinh thần truyền thống, cầu Ngói chùa Lương còn được biết tới như một cái nôi của cách mạng trong thời kỳ kháng chiến của quân dân Nam Định. Cầu ngói chợ Lương đã được Nhà nước công nhận là di tích kiến trúc lịch sử từ năm 1990 và đã trở thành biểu tượng văn hóa riêng của xã Hải Anh mỗi khi nhắc tới địa phương này.
Năm 2012, Cầu ngói chợ Lương là một trong ba cây cầu xuất hiện trên bộ tem chuyên đề "Cầu mái ngói"