Với tầm vóc chiến công của mình, địa đạo Củ Chi đã đi vào lịch sử đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam như một huyền thoại của thế kỷ 20 và trở thành một địa danh nổi tiếng trên thế giới. Đây là một kỳ quan đánh giặc độc đáo có một không hai với khoảng 250 km đường hầm tỏa rộng như mạng nhện trong lòng đất, có các công trình liên hoàn với địa đạo như: Chiến hào, ụ, ổ chiến đấu, hầm ăn, ngủ, hội họp, sinh hoạt, quân y, kho cất dấu lương thực, giếng nước, bếp Hoàng Cầm.
Cấu trúc địa đạo

Mặt cắt thể hiện cấu trúc địa đạo
Hình ảnh tái hiện 1 xưởng quân giới trong lòng địa đạo
Hệ thống địa đạo chạy ngoắt ngoéo trong lòng đất, từ đường “xương sống” (đường chính) tỏa ra vô số nhánh dài ngắn, ăn thông với nhau, hoặc độc lập chấm dứt tùy theo địa hình. Có nhiều nhánh trổ ra sông Sài Gòn, để khi bị tình thế nguy kịch, có thể vượt qua sông sang vùng căn cứ Bến Cát (Bình Dương).
Đường hầm không sâu lắm nhưng chống được đạn pháo và sức nặng của xe tăng, xe bọc thép, những đoạn nằm sâu chống được bom cỡ nhỏ. Có những đoạn được cấu trúc từ hai đến ba tầng (tầng trên gọi là “thượng”, tầng dưới gọi là “trầm”). Chỗ lên xuống giữa các tầng, có nắp hầm bí mật. Trong địa đạo có những nút chặn những điểm cần thiết để ngăn chặn địch hoặc chất độc hóa học do địch phun vào. Có những đoạn hẹp, phải thật gọn nhẹ mới chui qua được. Dọc theo đường hầm có lỗ thông hơi bên trên được ngụy trang kín đáo và trổ lên mặt đất bằng nhiều cửa bí mật.
Vô số cửa được cấu trúc thành ổ chiến đấu, ụ súng bắn tỉa rất linh hoạt. Đây chính là chỗ bất ngờ với quân địch. Dưới những khúc địa đạo ở khu vực hiểm yếu, có đặt hầm chông, hố đinh, cạm bẫy… Chung quanh cửa hầm lên xuống được bố trí nhiều hầm chông, hố đinh, mìn trái (gọi là tử địa), có cả mìn lớn chống tăng và mâm phóng bom bi chống máy bay trực thăng đổ chụp, nhằm tiêu diệt ngăn chặn quân địch tới gần.
.jpg)
Bẫy chông- nỗi ám ảnh kinh hoàng của quân địch
Liên hoàn với địa đạo có các hầm rộng để nghỉ ngơi sau khi chiến đấu, mắc võng được. Có các nơi dự trữ vũ khí, lương thực, thực phẩm, nước uống, có giếng nước, bếp Hoàng Cầm (bếp giấu khói trong đất), hầm làm việc của các vị lãnh đạo, chỉ huy, hầm giải phẫu, nuôi dưỡng thương binh, hầm chữ A vững chắc cho phụ nữ, người già, trẻ em trú ẩn. Có những hầm lớn, mái lợp thoáng mát, bên trên ngụy trang khéo léo để hội họp, chiếu phim, biểu diễn văn nghệ…

Hiện nay, khoảng 121 km trong tổng số 250 km địa đạo đã được chính phủ bảo tồn và quy hoạch trở thành công viên tưởng niệm chiến tranh với 2 điểm địa đạo chính là Bến Dược và Bến Đình. Hệ thống địa đạo Củ Chi là 1 trong những điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch, những người muốn trải nghiệm cảm giác được bò qua hệ thống địa đạo huyền thoại này (chỉ nhũng đoạn địa đạo đã được đảm bảo an toàn). Trong khi địa đạo Bến Dược còn giữ khá nguyên vẹn hệ thống địa đạo ban đầu (nhỏ, hẹp) thì ở địa đạo Bến Đình, gần với Sài Gòn hơn Bến Dược, các hệ thống địa đạo đã được tôn tạo với kích thước lớn hơn nhằm phù hợp hơn với hình thể của khách du lịch Phương Tây.
.jpg)
Những hoạt động giải trí du lịch khác của khu địa đạo gồm có thăm khu vực nuôi và bảo tồn khỉ, mua sắm hàng lưu niệm (nón tai bèo, tranh, ảnh, hay các quà lưu niệm làm từ vỏ bom,đạn của vùng đất thép này) hay trải nghiệm cảm giác được bắn thử các loại súng lừng danh trong cuộc chiến Việt Nam như khẩu AK47 Kalashnikov hay khẩu súng trường tấn công M16, và thậm chí cả súng trung liên nhẹ M60.