[WOWTIMES – Đề cử Top 100 Làng nghề trăm tuổi Việt Nam 2023] (P.45) Làng rèn An Tiêm (Thái Bình) – hơn 700 năm đỏ lửa giữ nghề truyền thống

05-01-2023

(nienlich.vn) Hơn 700 năm đã trôi qua nghề rèn truyền thống An Tiêm, xã Thụy Dân huyện Thái Thụy, Thái Bình vẫn còn được lưu giữ và truyền qua các thế hệ. Nét đẹp truyền thống ấy được in đậm dấu ấn qua những đôi tay cần cù, khéo léo của người thợ nơi đây.

 

Thôn An Tiêm, xã Thuỵ Dân, huyện Thái Thụy từ lâu đã nổi tiếng với nghề rèn truyền thống. Từ xa xưa người dân nơi đây đã lưu truyền câu ca: “Chẳng tham ao gỗ cá bè, Chỉ tham cái búa cái đe thợ rèn.” Theo tư liệu để lại, nghề rèn có từ năm 1288, khi Hưng Đạo Đại Vương lập doanh trại ở nơi đây (ngày nay là xã Thụy Hồng) để chuẩn bị vũ khí cho quân đội. Trong 5 người phụ trách đứng đầu xưởng rèn đó thì có đến bốn người quê ở An Tiêm. Vì nghề rèn góp phần công lao lớn trong thời kỳ đó nên được vua Trần Nhân Tông sắc phong cho năm người đứng đầu là Ngũ vị tổ sư nghề rèn. Nghề rèn An Tiêm cũng bắt đầu từ đó và phát triển cho đến ngày nay.

 

Đình An Tiêm - nơi thờ tự 5 vị tổ nghề rèn của làng. (Ảnh: internet)

 

Ban đầu, nghề rèn ở An Tiêm phát triển trong một số hộ gia đình, chủ yếu phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của nhân dân trong vùng. Sau phát triển thành nghề chính, tồn tại song song với việc sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi đây đã cung cấp một khối lượng lớn vũ khí thô sơ phục vụ cho chiến đấu như: giáo mác, dao găm, búa, liềm.

 

Các sản phẩm của làng rèn An Tiêm từ lâu đã nổi tiếp bền, sắc, đẹp. (Anh: internet)

 

Để làm ra một sản phẩm, người thợ rèn phải trải qua rất nhiều công đoạn. Nhưng dường như đối với mỗi người thợ nơi đây, những công đoạn ấy đã "ngấm vào máu", nên công việc nhịp nhàng, nhanh thoăn thoắt. Với thợ rèn, để sản phẩm làm ra đạt chất lượng, đòi hỏi người thợ phải lựa chọn sắt thép, biết nhìn lửa để tạo ra độ sắc, bền cho từng sản phẩm. Mỗi lò rèn đều có bí kíp gia truyền riêng của mình; chẳng hạn như dùng loại than đốt lò như thế nào cho lửa tốt; rồi cắt sắt tạo hình, nung qua lửa ra sao. Việc này đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm mới cảm nhận tinh tường được.

 

Nghề rèn đòi hỏi người thợ phải bỏ rất nhiều công sức. (Ảnh: internet)

 

Một khâu nữa không kém phần quan trọng đó là tôi sản phẩm. Để có được nước tôi vừa đủ, phụ thuộc rất nhiều vào trình độ và kinh nghiệm của thợ. Chỉ cần tôi thép già hay non một chút là sản phẩm sẽ không đạt chất lượng. Do vậy, để đạt được trình độ nhất định ngay từ khi mới vào nghề, thợ học việc đã được các lớp đàn anh đi trước hướng dẫn tỷ mỷ. Người nào nhanh cũng phải mất tới vài ba năm. Nghề rèn vô cùng vất vả, suốt ngày người ướt mồ hôi vì lửa nóng, đen thui thủi vì bụi than, nhưng là nghề truyền thống, truyền từ đời ông, đời cha. Thế nên, những người thợ ở làng rèn nơi đây luôn lấy làm tự hào cho cái nghiệp của mình.

 

Làng rèn ngày nay đã đầu tư sử dụng nhiều máy móc hơn để giảm bớt khó khăn cho người thợ. (Ảnh: internet)

 

Với trình độ tay nghề cao cùng với việc giữ gìn và phát huy thương hiệu được xây dựng từ trước đó, các sản phẩm của những lò rèn An Tiêm ngày càng chiếm ưu thế trên thị trường, sản phẩm được tiêu thụ trong cả nước. Bên cạnh đó, người thợ rèn An Tiêm đã nhanh chóng áp dụng khoa học vào sản xuất, từng bước cơ khí hóa làng nghề để tăng năng suất và giảm nhọc nhằn cho người lao động. Là một nghề không khó để học nhưng lại đòi hỏi nhiều sức lực, chịu nhiều thiệt thòi và rủi ro. Thế nên, lớp thanh niên ít ai chọn nghề rèn để gắn bó, lập nghiệp lâu dài. Tuy vậy những người thợ rèn truyền thống An Tiêm vẫn rất tự hào và ý thức cao về việc gìn giữ làng nghề truyền thống của ông cha để lại.

 

Lễ hội rèn truyền thống hàng năm. (Ảnh: internet)

 

Để giữ lửa nghề rèn, hàng năm vào ngày 14/3 âm lịch, ngày mở hội Đình làng người dân làng An Tiêm lại tổ chức Hội thi nghề rèn truyền thống. Hội thi không chỉ là dịp để các thợ rèn trong làng tri ân tưởng nhớ “Ngũ vị tổ sư nghề rèn” - những người đã có công tạo dựng nghề rèn ở An Tiêm, mà còn là dịp để người thợ rèn giao lưu, học hỏi kinh nghiệm cổ động phát triển nghề rèn truyền thống của người dân làng An Tiêm.

 


Quyên Nguyễn - VietKings (Tổng hợp)