[WOWTIMES – Đề cử Top 100 Làng nghề trăm tuổi Việt Nam 2023] (P.47) Làng nghề chằm áo tơi hơn 300 năm tuổi ở Yên Lạc (Hà Tĩnh)

07-01-2023

(nienlich.vn) Thôn Yên Lạc, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc được xem là cái nôi của nghề thủ công chằm áo tơi nổi tiếng nhất ở Hà Tĩnh, nghề đã tồn tại khoảng 300 năm. Dù cuộc sống có nhiều đổi thay, nhưng với người dân nơi đây thì còn mưa, còn nắng, còn đồng ruộng, còn nông dân là còn chằm áo tơi.

Tấm áo lá đi cùng nét đẹp của người nông dân

“Áo tơi mẹ mặc một thời - Che mưa, che nắng, che trời bão dông…”

Áo tơi không chỉ là vật dụng thân thiết với nghề nông ở Hà Tĩnh mà còn là nếp sống được lưu giữ hàng trăm. Áo tơi có ưu điểm làm dịu mát vào mùa hè, làm ấm vào mùa đông, lại còn có thể trải ra nằm rất êm và tiện lợi. Từ bao đời nay, tấm áo đơn sơ mộc mạc ấy đã góp phần giúp đỡ cho bao nhiêu người dân dầm mưa dãi nắng trên đồng. Những tưởng rằng, giữa cuộc sống hiện đại, áo tơi sẽ dần bị lãng quên nhưng với người dân các vùng nông thôn nơi đây, áo tơi vẫn là đồ dùng hữu ích trong mỗi vụ mùa.

 

Áo tơi là vật dụng quen thuộc gắn với người nông dân mỗi khi ra đồng. (Ảnh: internet)

 

Nhắc đến nghề “chằm áo tơi”, không thể không nói tới ngôi làng Yên Lạc, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh – cái nôi của nghề chằm áo tới truyền thống. Nghề làm áo tơi đã xuất hiện ở đây hàng trăm năm trước, được người dân truyền từ đời này sang đời khác.

 

Nghề chằm áo tơi đã gắn bó với người dân Yên Lạc hàng trăm năm nay. (Ảnh: internet)

 

Để chằm được những chiếc tơi đẹp thì người làm cần có sự khéo léo, tỉ mỉ trong các công đoạn. Lá cây dùng để đan tơi là loại lá tơi lấy từ vùng núi ở tận Hương Khê. Trước đây do nguồn lá ngày càng khó kiếm và đường vận chuyển xa xôi nên mỗi lần đi tìm lá, mọi người đều đi từ 3 giờ sáng và hôm sau mới quay về. Tuy công việc có vất vả, khó khăn nhưng người dân chịu khó làm việc nên những chiếc tơi vẫn đều đặn ra đời để phục vụ bà con. Lá tơi sau khi hái về sẽ được sấy khô qua lửa sau đó phơi sương, phơi nắng cho lá thẳng và có độ dẻo dai. Những người thợ sẽ khéo léo đưa lá chằm thành một chiếc áo tơi choàng vào người. Công đoạn chằm tơi khó nhất là gấp cổ làm sao cho vừa khít và bền đẹp. Thời gian trung bình để đan được một chiếc tới là khoảng một tiếng rưỡi.

 

Để chằm được những chiếc tơi đẹp thì người làm cần có sự khéo léo, tỉ mỉ trong các công đoạn. (Ảnh: internet)

 

Vụ tơi chính thường kéo dài khoảng 2 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6, cũng có khi kéo dài đến tận tháng 8. Mỗi vụ như vậy, một hộ làm thường xuyên có thể làm được đến 300 chiếc tơi. Một chiếc áo tơi hiện nay trên thị trường có giá dao động từ 50.000 đồng. Thời gian gần đây, các thương lái cũng tìm đến mua để về bán cho các chợ trong tỉnh Hà Tĩnh. Chằm áo tơi cũng là một cách làm kinh tế. Người dân xóm Yên Lạc từ người già đến em nhỏ đều biết chằm áo tơi. Nghề này đã giúp cho người dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

 

Chiếc áo được chằm cần thận, dày dặn, giúp người nông dân che mưa, che nắng. (Ảnh: internet)

 

“Còn gió lào, còn mưa dông thì còn áo tơi” - Đó là câu nói quen thuộc của người dân Yên Lạc với một niềm tin mãnh liệt về sự tồn tại của nghề chằm tơi truyền thống. Cuộc sống ngày càng hiện đại, nhiều thứ được thay thế bằng những vật dụng tiện lợi và hiện đại nhưng áo tơi vẫn được người dân quê coi như vật bảo hộ mỗi vụ mùa về. Vụ mùa lại về, người dân Yên Lạc lại rộn ràng phơi lá chằm tơi. Tơi làng Yên Lạc lại theo chân nhà nông trên những cánh đồng.

 

Nghề chằm áo tơi không chỉ mang lại thu nhập cho người dân mà còn là nét đẹp văn hóa truyền thống từ hàng trăm năm nay. (Ảnh: internet)

 

Được biết, hiện thôn Yên Lạc có 30/180 hộ dẫn đang làm nghề chằm tơi thường xuyên và là nguồn thu kinh tế không nhỏ đối với các hộ gia đình nơi đây. Vì vậy, để bảo tồn nghề truyền thống cũng như giúp đảm bảo thu nhập cho người dân về lâu dài, xã Quang Lộc cũng đã kịp thời quan tâm và có các chính sách, giải pháp hỗ trợ cho người dân. Hội Liên hiệp phụ nữ xã Quang Lộc thành lập Tổ hợp tác chằm tơi Yên Lạc với 24 thành viên tham gia. Đây là nơi để các thành viên thường xuyên chia sẻ những kinh nghiệm làm nghề và đặc biệt là mở rộng thị trường để phát triển nghề chằm tơi.

 


Quyên Nguyễn - VietKings (Tổng hợp)