Làng Tân An Quảng Bình tọa lạc ở xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình. Trước đây, làng Tân An còn được mọi người biết đến là Lộc Điền hay Ba Phường. Đến nay, làng nghề bánh tráng vẫn gìn giữ được nét độc đáo của làng quê truyền thống Việt Nam. Trước đây trong làng vừa làm bánh tráng, bánh ướt, bún và cả bánh chưng. Nhưng sau thời gian dài đã chuyển hẳn sang làm bánh tráng và sản phẩm đặc biệt nhất của làng là bánh tráng mè xát. Không ai biết nghề làm bánh ở Tân An có từ bao giờ, ngay cả những người làm bánh cao tuổi ở trong làng, chỉ biết rằng nghề đã gắn chặt với tên làng từ hàng trăm năm nay.
Làng Tân An bên dòng sông Gianh thơ mộng.
Hơn 100 năm qua, nghề làm bánh đa đã nuôi sống biết bao người dân ở làng quê ven dòng sông Gianh. Một ngôi làng vốn rất ít đất để sản xuất nông nghiệp nên nghề bánh được xem là nghề tạo thu nhập chính cho người dân nơi đây. Không vì miếng cơm manh áo và còn vì cả thương hiệu của làng bánh Tân An của các thế hệ cha ông truyền lại, những người con nơi đây vẫn ngày đêm giữ lửa làm nghề truyền thống. Qua bao thăng trầm của thời gian, để tạo nên vị mặn mà đặc trưng của chiếc bánh đa mè xát.
Bánh tráng Tân An giòn tan, thơm nồng đặc trưng cái nắng cái gió của vùng đất Quảng Bình.
Để làm ra những chiếc bánh đậm đà hương vị quê hương, thoạt nhìn rất giản đơn nhưng các nghệ nhân làm bánh đã phải trải qua khá nhiều công đoạn phức tạp và đòi hỏi có sự khéo léo, công phu, tỉ mỉ. Nguyên liệu chính để làm bánh là loại gạo ngon, được ngâm trong nước và sàng lọc, vo kỹ trước khi đem xay nhuyễn thành bột. Chất lượng và vẻ ngoài hấp dẫn của mỗi chiếc bánh mè xát phụ thuộc rất nhiều vào lớp mè đã xát vỏ. Nếu trộn mè vào bột nước đậm quá thì chiếc bánh làm ra sẽ không kết hợp hài hòa được giữa mùi thơm ngào ngạt của lúa gạo và vị bùi ngậy của hạt mè. Còn tỉ lệ mè trong bánh quá nhạt thì cho ra vẻ ngoài không bắt mắt và còn ảnh hưởng đến mức độ hài hòa của bánh. Tỉ lệ tương đối mà những người làm bánh Tân An lấy làm quy chuẩn là 10 lon gạo đi cùng khoảng 1,5 đến 2 lon mè.
Công đoạn sản xuất bánh tráng.
Trong quy trình làm bánh, mỗi chiếc bánh được tráng lên nguyên vẹn chỉ mới thành công được phân nửa. Công đoạn phơi bánh mới thực sự công phu. Bánh đủ nắng là loại bánh vừa khô vừa dai, dậy mùi thơm của gạo, của vừng. Bánh quá nắng sẽ bị khô giòn, dễ vỡ. Ngược lại, bánh thiếu nắng sẽ không có mùi thơm, ỉu và dễ bị hỏng khi bảo quản. Vào những ngày nắng, khắp đường làng, ngõ xóm, sân nhà tràn ngập những phên bánh tráng cong tròn khoe dưới nắng. Dù công đoạn chế biến hơi lâu, nhưng bánh tráng Tân An dù được phơi khô vẫn giữ được độ dai, dòn vừa phải chứ không dẻo dù để hàng tháng.
Hình ảnh quen thuộc tại làng bánh tráng Tân An.
Cùng có tên gọi là bánh mè xát nhưng người Tân An đã sáng tạo ra tới 3 thứ bánh có mùi vị và hình thức khác nhau. Đầu tiên là bánh mè xát mỏng có đường kính khoảng 20cm. Người ta giã mịn hạt mè trộn với bột gạo rồi đem tráng ra thật mỏng dùng để làm ram cuốn hay bánh cuốn với rau, thịt, cá, ăn cũng hết sức hấp dẫn. Tiếp đến là bánh mè xát dày là loại bánh tráng theo kiểu truyền thống. Bánh này khi nướng lên có một lớp mè có màu nâu nhạt, trông rất bắt mắt. Cuối cùng là bánh mè xát đường, có vị ngọt thanh đặc trưng, thích hợp nhất cho việc ăn vặt, nhấm nháp lúc thảnh thơi…
Những người dân nơi đây vẫn ngày đêm giữ lửa làm nghề truyền thống.
Làng Tân An có hơn 200 hộ làm bánh, trước đây cả làng đều làm bánh thủ công và đều trông chờ vào thời tiết. Sản lượng bánh làm ra nhỏ lẻ và thường bị thương lái ép giá, người làm bánh phải chạy đôn chạy đáo để tìm mối giao bánh, giá thành không ổn định, thị trường chỉ bó hẹp trong vùng. Tháng 10/2010, hợp tác xã bánh mè xát được thành lập, thương hiệu bánh mè xát Tân An từ đó được mở rộng không chỉ ở trong tỉnh mà hiện tại bánh tráng Tân An đã có mặt khắp thị trường các tỉnh miền Trung và cả nước bạn Lào, Thái Lan.