Lịch sử làng quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ
Nghề quỳ vàng bạc xuất hiện ở làng Kiêu Kỵ cách đây trên 300 năm, dưới thời Hậu Lê. Thuở ấy, ông Nguyễn Quý Trị, người làng Hội Xuyên, xã Liễu Trai (Hải Dương), đỗ tiến sĩ vào năm Quý Mùi, thời Lê Cảnh Hưng (1740-1786) làm quan đến chức Binh bộ Tả Thị lang – Hàn lâm Viện trực học sĩ. Trong một lần ông đi sứ bên Trung Quốc, học được nghề dát dập vàng bạc để sơn son thếp vàng các đồ thờ cúng, hoành phi, câu đối… và trở về truyền dạy cho dân làng Kiêu Kỵ. Từ đó, để tưởng nhớ tới công ơn của ông, dân làng Kiêu Kỵ đã suy tôn Nguyễn Quý Trị là Tổ nghề quỳ vàng bạc. Ngày 11 - 12 tháng Giêng, các gia đình làm nghề làm lễ khai Tràng, dâng lễ vật, cầu mong Tổ nghề phù hộ cho gia đình trước khi bắt tay vào sản xuất của một năm mới.
Bức tượng tổ nghề Nguyễn Quý Trị dát vàng trong nhà thờ tổ ở làng Kiêu Kỵ. (Ảnh: vietnamnet.vn)
Từ đó, người dân nơi đây với bản tính cần cù, tay nghề khéo léo đã đi khắp nơi mang nghề của làng để nhận tô son, thếp vàng các đồ mỹ nghệ, tranh, tượng, ngai thờ, đồ gốm các loại. Đặc biệt, người làng Kiêu Kỵ còn sơn son, thếp vàng, thếp bạc các công trình kiến trúc của vua chúa và đền, chùa, miếu, điện ở kinh đô. Tiếng lành đồn xa, dần dần khắp nơi trong cả nước đều mời thợ Kiêu Kỵ đến làm. Hiện nay, ở làng Kiêu Kỵ có trên 50 hộ gia đình theo nghề truyền thống lâu đời này. Ngày nay, nhiều công trình kiến trúc lớn, nhiều di sản quý đều có bàn tay người Kiêu Kỵ trang trí, thếp vàng, thếp bạc nội thất. Có thể kể tới công trình Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh, một số công trình kiến trúc ở Huế, Hội An, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, chùa chiền ở thành phố Hồ Chí Minh, Miếu Bà Chúa xứ tỉnh An Giang, nhiều khách sạn lớn trong cả nước… đều có bàn tay của người thợ Kiêu Kỵ.
Một số tác phẩm của nghệ nhân là quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ. (Ảnh: internet)
Nghề quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ đòi hỏi sự công phu, kiên trì và khéo léo của người thợ. Để có quỳ thành phẩm cần trải qua nhiều công đoạn, đều cần sự tỉ mỉ, yêu cầu cao về kỹ thuật, đòi hỏi sự cảm nhận chính xác của con người mà không máy móc nào thay thế được. Từ việc xây lò kín và thấp, dùng mùn cưa trộn với nhựa thông, viên nhỏ đốt dưới chiếc nồi ang để tạo bồ hóng, làm mực “lướt” quỳ, vàng phải đập mỏng đều, không rách, người thợ phải tập trung cao độ. Người thợ dát vàng quỳ ở Kiêu Kỵ, chỉ cần 1 chỉ vàng có thể đập mỏng thành 980 lá có diện tích lớn hơn 1m2, hiện chưa có máy móc nào làm được.
Quy trình quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì và khéo léo của người thợ. (Ảnh: internet)
Quy trình sản xuất dát vàng bạc trải qua 3 khâu chính: làm quỳ mới, đập diệp và làm quỳ cũ sau đó mới thếp lên sản phẩm. Để có một vàng quỳ, người thợ phải đập khoảng 1 giờ đồng hồ liên tục, phải đập trên 400 nhát búa cho một quỳ vàng. Ở giai đoạn cuối, khi gỡ vàng, người thợ phải làm việc trong phòng kín, đeo khẩu trang và ngồi ở trong màn, vì chỉ cần vô ý thở mạnh vàng sẽ bị bay. Dát vàng bạc quỳ lên sản phẩm người thợ dùng chiếc bay rất mỏng bằng xương hoặc bằng mảng tre vát mỏng để dát vàng lên các sản phẩm; họa sỹ dùng bút vẽ với dầu sơn chấm vào vàng quỳ để vẽ lên tranh sơn mài.
Nguyên liệu sử dụng phải là vàng, bạc nguyên chất. Nếu vàng, bạc xấu phải chuyên lại để lọc bỏ tạp chất và làm cho vàng sáng thì mới có thể sử dụng được. (Ảnh: internet)
Bí quyết được truyền từ đời này qua đời khác của nghề quỳ vàng, bạc Kiêu Kỵ là công đoạn làm lá để đặt vào các miếng quỳ đủ độ dai, đàn hồi, không bị dính. Chính vì vậy, nghề làm vàng, bạc quỳ rất tinh xảo, tỉ mỉ, đòi hỏi người thợ kiên trì, cần mẫn, cẩn thận, tinh tế. Năm 2021, Nghề quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nghệ nhân làng quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ. (Ảnh: internet)
Nghề quỳ vàng bạc là kết tinh sự sáng tạo của người dân Kiêu Kỵ qua nhiều thế hệ. Mỗi sản phẩm dát vàng quỳ thể hiện tri thức, kỹ năng, độ tinh xảo và dấu ấn của người làm nghề bởi nó hoàn toàn được làm thủ công. Kỹ thuật dát vàng, bạc quỳ thỏa mãn những đòi hỏi khắt khe trong việc trang hoàng, tô điểm cho các công trình văn hoá tâm linh. Quá trình làm nghề với nhiều công đoạn chuyên sâu đã tạo nên tính cố kết cộng đồng. Nghề quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ đã giải quyết hiệu quả vấn đề việc làm, mang lại thu nhập chủ yếu cho phần lớn hộ dân trong làng, tạo ra sự ổn định kinh tế - xã hội ở địa phương.
Lễ ngày giỗ tổ nghề của nghệ nhân làng nghề quỳ vạng bạc Kiêu Kỵ. (Ảnh: internet)
Trân trọng nghề truyền thống của cha ông để lại, người làng Kiêu Kỵ luôn ý thức bảo tồn, phát triển nghề. Nhà thờ tổ nghề được mọi người đóng góp tu bổ, tôn tạo để tri ân bậc khai sinh ra nghề dát vàng, bạc quỳ. Bên cạnh đó, người dân Kiêu Kỵ còn tự đóng góp và thực hiện xã hội hóa để xây nhà trưng bày sản phẩm truyền thống và khu thực hành nghề. Để giữ nghề truyền thống lâu bền, các nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề luôn tích cực trao truyền nghề cho thế hệ trẻ thông qua các buổi học và các lớp dạy nghề.