[WOWTIMES – Đề cử Top 100 Làng nghề trăm tuổi Việt Nam – 2023] (P.16) Làng hương Thủy Xuân xứ Huế - đậm bản sắc truyền thống, 700 năm các Mệ tảo tần

26-11-2022

[VIETKINGS – NIÊN LỊCH &THÀNH TỰU (WOWTIMES)] Cách đây khoảng hơn 700 năm, làng Thủy Xuân là nơi cung cấp hương đốt cho triều đình và quan lại nhà Nguyễn cũng như cả vùng Thuận Hóa, Phú Xuân. Ngày nay, làng Thủy Xuân vẫn tiếp tục lưu giữ và truyền lại nghề làm hương qua bao đời, không chỉ sản xuất, kinh doanh hương đốt mà còn trở thành điểm du lịch Huế nổi tiếng.

 

Huế được biết đến là vùng đất tâm linh, trung tâm Phật Giáo của Việt Nam. Xưa kia nơi đây là chốn thiêng liêng, là kinh đô của các vị vua triều Nguyễn với hàng trăm miếu vũ, đền đài. Và nét đẹp văn hóa truyền thống - tục thắp nén tâm nhang lên bàn thờ gia tiên đã ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân xứ Kinh kỳ từ bao đời. Cách đây khoảng 700 năm, làng Thủy Xuân là nơi cung cấp hương cho triều đình và quan lại nhà Nguyễn. Trải qua quá trình lưu truyền và phát triển, những bó hương thơm xứ Huế vẫn được sản xuất bằng phương pháp thủ công, mang đậm bản sắc truyền thống như xưa.

 

Làng hương Thủy Xuân bình yên dưới chân đồi Vọng Cảnh. (Ảnh: internet)

 

Làng nghề làm hương Thủy Xuân nằm trên trục đường Huyền Trân Công Chúa, cách thành phố Huế khoảng 7km về hướng Tây Nam. Ngôi làng bình yên được phủ đầy cây xanh ẩn mình dưới chân đồi Vọng Cảnh bên dòng sông Hương thơ mộng nằm giữa phố này sở hữu “con đường hương” độc đáo thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước ghé thăm. Làng Thủy Xuân là làng hương lớn nhất xứ Huế nổi tiếng với nghề làm hương trầm đã hàng trăm năm nay.

 

Những "con đường hương" rực rỡ sắc màu nơi đây. (Ảnh: internet)

 

Hương ở Thủy Xuân có mùi thơm đặc trưng và chất lượng tốt. Nghề truyền thống của ông cha đã ăn sâu vào máu thịt của người dân làng Thủy Xuân. Đối với người dân nơi đây, những cây hương không chỉ đơn thuần là một sản phẩm thờ cúng tâm linh mà nó còn là nơi để bạn gửi gắm những hy vọng, những mong ước cũng như câu chuyện. Nên từng chiếc hương tại Làng hương Xuân Thủy đều được làm hết sức khéo léo, tận tâm từ khâu chọn nguyên liệu đến đóng gói. Hương ở đây được làm thủ công, không dùng máy đánh nên năng suất không được nhiều như làm máy nhưng giá thành lại rất bình dân.

 

Những gian hàng bán hương bình dị, mộc mạc nhưng vẫn đậm nét thơ. (Ảnh: internet)

 

Công đoạn đầu tiên để làm ra một que hương là lựa chọn nguyên liệu. Hương ở đây thường được làm bằng ngũ vị thuốc bắc với quế chi, thảo quả, nụ tùng, đinh hương, hoa hồi, bạch đàn, quế…hòa với nước, trộn lại với nhau làm bột hương. Tiếp đến là công đoạn làm lõi hương, lõi hương được làm từ ruột tre chẻ nhỏ đều tăm tắp, phơi nắng nhiều ngày để khô và giòn, Tre làm lõi hương là tre già lấy từ rừng Nam Đông, Bình Điền, Phong Sơn. Bột hương trộn dẻo rồi được se quanh lõi hương, se sao cho vừa đủ mỏng, tròn thì lại đem đi phơi nắng. Người làng Thủy Xuân vẫn lưu giữ cách làm hương truyền thống thay vì máy se hương, tuy khá vất vả hơn nhưng lại dân gian, giữ gìn nét truyền thống, “hồn cốt” của nghề.

 

Hương làng Thủy Xuân người dân nơi đây làm theo phương pháp thủ công để giữ lại cái "hồn" của nghề truyền thống. (Ảnh: internet)

 

Vào những ngày nắng, người dân nơi đây lại trải hương ra sân nhà, ở 2 bên đồng cỏ để phơi khô hương. Khác với các làng hương ở những nơi khác, làng hương Thủy Xuân vẫn còn rất chú trọng bước nhuộm chân hương. Tại đây có đến 7 loại màu dùng để nhuộm chân hương. Bên cạnh 2 màu chân hương cơ bản là đỏ và nâu, làng hương Thủy Xuân đã pha trộn để tạo nên màu tím, vàng, xanh lá, xanh dương… để nhuộm. Sau khi nhuộm, các cây hương được cột lại thành bó với một đầu được trải xòe ra như đóa hoa đang nở. Các bó hương được sắp xếp thành nhiều hình thù đa dạng tạo nên khung cảnh rực rỡ đầy màu sắc.

 

Chân hương được nhuộm thành nhiều màu sắc rực rỡ, đẹp mắt. (Ảnh: internet)

 

Làng hương Thủy Xuân cung cấp ra thị trường đủ các loại hương như: Hương quế, hương dầu sả, hương thơm tẩy mùi, nhang vòng, nụ trầm, nổi bật nhất là hương Trầm, hương của làng không sử dụng hóa chất, chỉ dùng các loại hương liệu, nguyên liệu tự nhiên thân thiện với môi trường, sức khỏe nên có màu vàng sáng hơn các loại hương những nơi khác và mùi hương đặc trưng dễ chịu.

 

Khách du lịch tới thăm quan, chụp hình và trải nghiệm tại làng hương Thủy Xuân. (Ảnh: internet)

 

Năm 2021, Nghề hương trầm Thủy Xuân được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là nghề truyền thống. Hiện nay, bên cạnh hoạt động sản xuất truyền thống, người dân làng Thủy Xuân còn kết hợp phát triển thêm các loại hình du lịch trải nghiệm, phục vụ nhu cầu của du khách trong và ngoài nước. Hoạt động này vừa đem lại nguồn thu nhập cao hơn cho người dân đây, vừa góp phần quảng bá văn hóa truyền thống, mang vẻ đẹp, giá trị của các làng nghề đến gần hơn với mọi người.

 


Quyên Nguyễn- VietKings (Tổng hợp)