[WOWTIMES – Đề cử Top 100 Làng nghề trăm tuổi Việt Nam – 2023] (P.22) Làng nón Chuông (Hà Nội) – cội nguồn của chiếc nón lá Việt

05-12-2022

[VIETKINGS – NIÊN LỊCH &THÀNH TỰU (WOWTIMES)] Nằm giữa không gian văn hóa cổ kính xã Phương Trung, Thanh Oai, Hà Nội, Làng Chuông mang những nét đẹp truyền thống của một ngôi làng Việt cổ. Nơi đây gắn với nghề nón lá đã có từ hàng trăm năm nay. Những chiếc nón lá Làng Chuông đã góp phần làm đẹp thêm hình ảnh người phụ nữ Việt Nam cũng như kho tàng văn hoá của dân tộc.

 

Làng Chuông thuộc huyện Thanh Oai, Hà Nội, nằm yên bình bên con đê sông Đáy. Hầu hết người dân làng Chuông sống bằng nghề làm nón lá, hoạt động làm nông nghiệp khác không nhiều vì nơi đây đất chật người đông. Theo các bậc cao niên trong làng, nơi đây ban đầu có tên là Trang Thời Trung, từ thời nhà Mạc khoảng thế kỷ XVII đã nổi danh với nhiều loại nón cổ rất đẹp, gắn với câu ca dao xưa: “Nón Chuông, khua lụa, quai thao làng Đơ”. Nhịp sống của làng nghề làm nón Chuông không ồn ào, gấp gáp, sôi động như các làng dệt, làng chế biến thực phẩm, làng mộc điêu khắc… mà ngược lại rất âm thầm, lặng lẽ, bền bỉ nhưng lại tỏa ra sức hấp dẫn riêng của một làng nghề nổi tiếng từ lâu.

 

Làng nón Chuông - Thanh Oai, Hà Nội. (Ảnh: internet)

 

Làng Chuông thường sản xuất các loại nón như: Nón lá ba vòng, nón ba tầm cho các cô gái, nón nhô, nón long, nón dấu, nón chóp cho các chàng trai và những người đàn ông sang trọng. Hay các sản phẩm nón dành co các cụ già đội đi chùa như nón thúng (quai thao) có vành rất rộng, hai bên buộc thao. Nón lá làng Chuông nổi tiếng khắp vùng bởi các đặc điểm nổi bật là chắc, khoẻ và bền, lại vẫn đủ thanh thoát vô cùng đẹp mắt.  

 

Nón Chuông nức tiếng cả nước về độ bền chắc và vẻ đẹp thanh thoát, duyên dáng. Xưa kia nón Chuông đã từng được làm quà cung tiến cho các hoàng hậu, công chúa, cung tần, mỹ nữ. (Ảnh: qdnd.vn)

 

Nguyên liệu làm nón thường có là lá lụi, lá cọ, mo tre, mo nứa, móc, dứa, cước liếc, sợi luồn nhôi, giấy vẽ trang trí và nhiều vật dụng khác. Để có một chiếc nón đẹp, người thợ phải trực tiếp chọn từng xâu lá, đoạn vòng, sợi cước thật vừa ý. Mỗi loại vật liệu lại có những tiêu chuẩn khác nhau. Nón làng Chuông có 16 vòng, vòng ngoài cùng to nhất, rộng nhất, các vòng sau nhỏ dần theo hình khuôn nón. Chiếc nón thành phẩm phải chứa cả ba lớp lá: Lớp lá lót, mo nứa, sau đến lớp lá ngoài, khi cầm lên vẫn phải thấy mỏng mà nhẹ thì mới là nón đẹp.

 

Từ việc chọn nguyên liệu đến hoàn thành chiếc nón, mỗi công đoạn đều được người thợ thực hiện một cách cần thận. (Ảnh: interenet)

 

Nghề làm nón được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, chủ yếu là những người phụ nữ bằng sự khéo léo của đôi bàn tay đã tạo ra những chiếc nón xinh xắn, bền đẹp. Sự phong phú và đa dạng về mẫu mã chủng loại, cùng với chất lượng đã có uy tín từ lâu khiến nón Chuông không chỉ đến được với các nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật Bản, mà còn xuất sang tận phương Tây, có mặt trong những siêu thị lớn với giá cao.

 

Không chỉ nổi tiếng trong nước, nón làng Chuông còn rất được lòng những du khách nước ngoài. (Ảnh: internet)

 

Đến nay, bên cạnh mặt hàng nón lá truyền thống, thế hệ trẻ làng Chuông đã làm ra nhiều sản phẩm mới như đồ trang trí từ lá nón, các mặt hàng mỹ nghệ từ nón với nhiều kích cỡ đa dạng, phục vụ nhu cầu trang trí nội ngoại thất. Người dân làng Chuông vừa sản xuất, vừa cung cấp sản phẩm nón để phục vụ những sản phẩm sáng tạo khác, tiêu biểu như nón lụa nhiều màu, lưu niệm (nón các kích cỡ, màu sắc), trang trí nội thất (đèn lồng dạng nón, treo tường ở nhà hàng, quán giải khát, đồ đạc nội thất như bàn trà…) và trang trí đường phố (trang trí cảnh quan các khu phố đi bộ ở Hà Nội).

 

Ngày nay, nón Chuông còn được sử dụng để trang trí, trưng bày nội thất, đường phố. (Ảnh: internet)

 

Từ nền tảng truyền thống, sự phát triển nghề cổ truyền ở làng Chuông đã góp phần nâng cao đời sống, kinh tế cho các hộ dân làm nón lá, mở ra những hướng đi mới, thích ứng với sự phát triển của đời sống, xã hội trong thời kỳ hội nhập mà vẫn bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của cha ông một cách bền vững. Hiện nay ở làng Chuông đã có những doanh nghiệp hàng tháng đã xuất khẩu trên dưới 30 nghìn chiếc nón sang các nước Nhật Bản, Pháp, Nga, Thái-lan, Hàn Quốc... Mức giá nón ở đây dao động từ 30-50000 đồng/nón, tạo thu nhập ổng định cho người làm.

 

(Ảnh: internet) 

 

Sức hút làng Chuông còn hiện hữu bởi không gian kiến trúc thuần Việt cổ kính với cây đa, giếng nước, sân đình, các cổng làng cổ kính hàng trăm năm tuổi còn được chính quyền và nhân dân làng Chuông trân trọng gìn giữ như một vốn văn hoá quý của cha ông lưu truyền lại. Trong đó chợ Chuông là điểm nhấn độc đáo, mỗi phiên chợ, hàng vạn chiếc nón đã theo chân du khách hay các tiểu thương mang đi tiêu thụ khắp cả nước. Nơi đây cũng thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước ghé thăm. Hoạt động du lịch, trải nghiệm đã góp phần mang những giá trị truyền thống của đất nước ngày càng tiến xa hơn trên trường quốc tế. 

 

 


Quyên Nguyễn - VietKings (Tổng hợp)