[WOWTIMES – Đề cử Top 100 Làng nghề trăm tuổi Việt Nam – 2023] (P.28) Làng cây cảnh Vị Khê (Nam Định) – ngôi làng của những “kỳ hoa, dị thảo”

13-12-2022

[VIETKINGS – NIÊN LỊCH &THÀNH TỰU (WOWTIMES)] Làng cây cảnh Vị Khê nằm ven sông Hồng (Điền Xá, Nam Trực, Nam Định) là một làng nghề truyền thống đã có tuổi đời hơn 800 năm và được mệnh danh là đất tổ của nghề trồng hoa, cây cảnh ở Việt Nam. Nơi đây nổi danh với cây cảnh, cây thế, bonsai... được uốn tỉa chăm sóc công phu thành các dáng, thế, đầy nghệ thuật và đẹp mắt.

 

Lịch sử Làng cây cảnh Vị Khê

Theo ngọc phả ở đình làng Vị Khê, nghề trồng hoa và cây cảnh nơi đây có từ thế kỷ XIII do một vị quan nhà Lý là Tô Trung Tự truyền dạy. Trên hai cột ngoài cổng đình là đôi câu đối: Tài thụ, chủng hoa, Tô tướng thủy - Nguyễn trang, Vỵ xã, hiệu chi tiên (Tạm dịch: Trồng cây, ươm hoa là nghề do tướng công họ Tô khởi đầu - Trang ấp họ Nguyễn ở thôn Vỵ là tên gọi thuở trước). Năm 1211, khi ông đến Nguyễn Gia Trang (nay là thôn Vị Khê) và thấy nơi đây là vùng đất đẹp, ruộng đồng màu mỡ, dân cư thuần phác, ông đã cho lập hành cung làm nơi đi lại. Tại đây, ngoài việc khuyến khích mở rộng nghề nông, ông còn dạy dân địa phương trồng hoa, trồng cây cảnh để làm kế sinh sống lâu dài.

 

Làng cây cảnh Vị Khê có lịch sử hình thành từ hơn 800 năm nay. (Ảnh: laodong.vn)

 

Đến thời nhà Trần lên ngôi vào năm 1225, cung Tức Mặc được xây dựng thành Trung tâm chính trị - văn hóa lớn thứ hai sau Thăng Long. Lúc bấy giờ, làng cây cảnh Vị Khê có điều kiện phát triển mạnh mẽ để phục vụ cho nhu cầu của cung đình, và tiếp tục đà phát triển đến thế kỷ XV. Từ năm 1975, cây thế và cây cảnh nghệ thuật của Vị Khê đã trở nên nổi tiếng, và thực sự trở thành “đặc sản” từ những năm 1990 khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Và đến nay, nghề trồng hoa, uốn tỉa cây cảnh Vị Khê đã phát triển thành thương hiệu thế mạnh của địa phương.

 

Khắp các con đường làng Vị Khê đều rợp bóng sắc xanh tươi mát. (Ảnh: laodong.vn)

 

Ngày nay, dọc con đường vào làng, hai bên là những nhà vườn xanh mướt với đủ các loại cây cảnh, cây bon sai, cây nào cũng mang một hình dáng riêng và theo phong cách riêng của từng nhà vườn. Những vườn cây, các loại cây với đủ các loại dáng thế được các nghệ nhân cắt tỉa công phu. Để tao một tác phẩm cây canh có dáng thế, các nghệ nhân phải mất nhiều năm mới tạo ra được một cây có dáng thế ưng ý.

 

Để thổi hồn vào thế cây, những nghệ nhân ở làng cây cảnh Vị Khê phải dốc tâm huyết với sự tỉ mỉ, kiên trì, uốn tỉa tạo dáng cho từng chồi, từng nhánh, có khi phải mất nhiều năm mới hình thành một thế cây đẹp. (Ảnh: internet)

 

Đến làng cây cảnh Vị Khê, nhiều người thưởng lãm không khỏi trầm trồ trước sự khéo léo của các nghệ nhân khi uốn tỉa ra những khuôn hình chim thú, Chùa Một Cột, Khuê Văn Các, Tháp Phổ Minh... một cách tài tình. Vị Khê còn có đa dạng các loài cây cảnh như: đa, sung, lộc vừng, sanh, si, cau Vua, vạn tuế, tùng La Hán... với nhiều thế cây phong phú như: long thăng, long giáng, hạc lập, trực siêu, thế huyền, thế song phục, huynh đệ, mẫu tử tương thân, phụ tử tương tùy... Cây cảnh Vị Khê không những phát triển trong địa phương mà còn đi khắp đất nước, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài. Và Vị Khê cũng được nhiều vinh dự khi đôi cây Nguyệt Quế và hàng Vạn Tuế của làng được chọn để trồng bên Lăng Bác. Nhiều nơi quan trọng như Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Quảng trường Ba Đình… đều có sự hiện diện của hoa cảnh Vị Khê.

 

Một cây cảnh “độc” phải bảo đảm các yếu tố “Cổ - Kỳ - Mỹ”. Cổ được hiểu là lâu năm (có thể là nhân tạo hay tự nhiên). Kỳ là kỳ lạ nhưng phải độc đáo, hay còn được hiểu là sự kỳ công của nghệ nhân tạo nên dáng thế kỳ thú cho người thưởng ngoạn. Mỹ là vẻ đẹp, sự hoàn hảo. (Ảnh: internet)

 

Nghề trồng hoa cây cảnh từ lâu đã trở thành nghề chính đem lại nguồn thu nhập chủ yếu cho dân làng. Gần như 100% hộ dân trong làng đều làm nghề trồng hoa, cây cảnh. Ngoài trồng hoa cây cảnh dân làng còn cấy lúa. Nhưng cuộc sống chính của làng là nghề trồng hoa cây cảnh. Hiện nay hầu như các gia đình theo truyền thống của cha ông cứ cha truyền con nối tiếp tục làm nghề.

 

Ngoài các loại cây cảnh với dáng dấp độc lạ, những đôi bàn tay của người Vị Khê còn cho ra đời những tác phẩm tạo hình từ cây cảnh vô cùng ấn tượng. (Ảnh: internet)

 

Ngoài vấn đề am hiểu sâu sắc về nghệ thuật tạo hình cho cây, nghệ nhân phải là người thổi hồn vào cây để người xem quên đi đây là một cây cảnh, chỉ thấy hiện lên một thiên nhiên kỳ vĩ, hài hòa. Đôi khi để đạt được điều này, công đoạn tạo tác có thể kéo dài hàng chục năm. Để thổi hồn vào thế cây, những nghệ nhân ở làng cây cảnh Vị Khê phải dốc tâm huyết với sự tỉ mỉ, kiên trì, uốn tỉa tạo dáng cho từng chồi, từng nhánh, có khi phải mất nhiều năm mới hình thành một thế cây đẹp. Giống như những làng nghề trồng hoa cây cảnh trên khắp cả nước, người làm nghề ở Vị Khê luôn quan niệm, cây cảnh không chỉ để trang trí không gian, mà sâu xa hơn nó còn là nghệ thuật sống, nghệ thuật thu nhỏ sự bao la vĩ đại, sức sống mãnh liệt của thiên nhiên vào trong một cái chậu.

 

Hoạt động tham quan, du lịch làng cây cảnh Vị Khê. (Ảnh: internet)

 

Trước nhu cầu văn hóa sinh vật cảnh ngày càng tăng lên. Người dân làng Vị Khê đã không ngừng mở rộng, đầu tư phát triển nghề trồng hoa và cây cảnh để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng lên trên thị trường, mang về thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, người dân làng Vị Khê còn nhập nhiều loại hoa, cây cảnh từ nước ngoài về để thuần thục, nhân giống và phát triển. Màu xanh của hoa của cây cảnh không chỉ làm đẹp cho khung cảnh làng quê, mà còn tạo ra những sản phẩm, cây cảnh đem lại giá trị kinh tế cao và những tác phẩm nghệ thuật cây cảnh mang đậm nét văn hóa của làng nghề truyền thống ở vùng châu thổ sông Hồng.

 

 


Quyên Nguyễn - VietKings (Tổng hợp)