[WOWTIMES – Đề cử Top 100 Làng nghề trăm tuổi Việt Nam – 2023] (P.29) Làng nồi đất Trù Sơn (Nghệ An) – nơi hội tụ nét đẹp tinh hoa mà mộc mạc

14-12-2022

[VIETKINGS – NIÊN LỊCH &THÀNH TỰU (WOWTIMES)] Làng Trù Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) là vùng duy nhất làm ra các loại nồi bằng đất ở xứ Nghệ và cũng là nơi hiếm hoi trong cả nước đến nay còn duy trì nghề làm nồi đất. Không tinh xảo, cầu kỳ, rực rỡ như các làng gốm khác, làng nồi đất Trù Sơn mộc mạc như chính tên gọi.

 

Nghề làm nồi đất ở xã Trù Sơn đã có từ hàng trăm năm nay. Theo các cụ già trong làng kể lại thì thuở khai hoang lập làng cuộc sống người dân vô cùng khổ cực, quanh năm chỉ bám vào mấy sào ruộng cằn cỗi. Thấy vậy một nàng công chúa con vua Trần đã đến dạy dân làm nồi đất để cải thiện cuộc sống. Kể từ đó người dân xã Trù Sơn đã lưu giữ và phát triển nghề truyền thống của quê hương cho đến tận ngày nay. Hầu như mỗi người dân Trù Sơn khi sinh ra đều biết làm nồi đất. Khi đi dạo khắp làng người ta đều thấy một màu gốm đỏ au với những chiếc nồi đất đầy đủ kích cỡ. Thời kỳ hưng thịnh nồi đất Trù Sơn không những được người tiêu dùng trong nước biết đến mà còn xuất sang cả Trung Quốc.

 

Làng nồi đất Trù Sơn yên bình, mộc mạc. (Ảnh: internet)

 

Nếu gốm sứ Bát Tràng hay gốm sứ Hội An được dùng làm vật trang trí trong cung vua phủ chúa bởi vẻ cầu kỳ, tinh xảo đến từng chi tiết thì gốm Trù Sơn lại được dùng phổ biến trong đời sống hằng ngày như nồi, siêu dùng để đun nấu thức ăn, sắc thuốc. Bởi vậy, trong mỗi gia đình ở các làng quê miền Trung đều không thể thiếu một vài chiếc nồi đất. Nồi đất để kho cá, kho thịt, để luộc khoai, nấu cơm thì ngon thơm dẻo không gì sánh nổi. Món ăn nấu bằng nồi đất vừa mang lại hương vị đậm đà lại dùng được dài ngày.

 

Hàng trăm năm trôi qua, làng Trù Sơn vẫn luôn giữ được nguyên vẹn những nét cơ bản nhất của gốm cổ: Được làm thủ công, không men tráng và hoàn toàn không có dấu hiệu của nghệ thuật trang trí. (Ảnh: baonghean)

 

Hiện có rất nhiều làng nghề làm nồi đất trên khắp cả nước nhưng làng nghề nồi đất Trù Sơn vẫn được đánh giá là nơi lưu giữ nét cơ bản nhất của gốm cổ. Các sản phẩm không hề cầu kỳ, phức tạp mà rất đơn giản, dễ sử dụng. Những chiếc nồi đất của làng Trù Sơn tuy rất nhẹ và mỏng nhưng lại có độ cứng và bền cao. Để tạo ra được những sản phẩm tốt như vậy, người dân trong làng đã phải xuống tận huyện Nghi Lộc và Yên Thành để lấy được loại đất sét có màu đỏ, dẻo, thích hợp cho việc làm gốm.

 

Đất sét làm nồi Trù Sơn được chọn lọc kỹ lưỡng ở Nghi Văn (huyện Nghi Lộc) hoặc Sơn Thành (huyện Yên Thành) cách làng 8 - 10km và sẽ được người thợ dùng đôi tay, bàn chân nhào, giẫm đất cho nhuyễn, loại bỏ từng viên sạn nhỏ trước khi tạo hình. (Ảnh: internet)

 

Đất đã nhồi kỹ sẽ được cho lên bàn xoay để tạo ra những hình dáng thô sơ ban đầu của những chiếc nồi, chiếc siêu. Khi đã làm xong phần thô, những chiếc nồi sẽ được bàn tay khéo léo của người thợ gọt lại cho thật nhẵn và đem đi phơi nắng, sau đó sẽ được đưa vào lò nung. Là một công việc mang tính “nghệ thuật”, đòi hỏi người thợ phải tỉ mẩn, cẩn thận, khéo léo, kiên trì và chịu khó. Cuối cùng đến công đoạn nung gốm, người ta thường đắp những lò nung ngoài trời, không hề có mái che đậy và được đắp rất đơn sơ.

 

Các công đoạn đều được làm hoàn toàn bẳng thủ công nên đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì và tỉ mỉ cao. (Ảnh: internet)

 

Nung gốm là khâu quan trọng nhất quyết định đến thành công và chất lượng của những chiếc nồi đất. Một mẻ nung gốm như vậy được khoảng 250 - 300 chiếc nồi, siêu. Nguyên liệu dùng để nung nồi đất thường là: lá cây dành dành, lá thông, lá bạch đàn... Đây là những loại lá chứa dầu nên khi đốt sẽ tạo cho màu gốm bóng và đẹp hơn. Để sản phẩm "chín đều" không bị sống, người thợ phải thường xuyên túc trực bên lò điều tiết lửa. Bình thường cứ 10 ngày người ta nung một mẻ, còn dịp từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch hàng năm, nhu cầu sử dụng nồi đất lớn thì mỗi tuần người ta sẽ nấu 2 mẻ.

 

Gốm sau khi phơi nắng sẽ được đem đi nung, đây là công đoạn quan trọng quyết định chất lượng của nồi đất Trù Sơn. (Ảnh: internet)

 

Mỗi một sản phẩm được hình thành gửi gắm biết bao tấm huyết, niềm đam mê và cũng đầy hy vọng của bà con làng nồi đất nơi đây. Sản phẩm làng nồi đất Trù Sơn hội tụ vẻ đẹp và chất lượng hiếm có. Người ta thường ví nồi đất Trù Sơn như một cô gái quê chưa hề được trang điểm, không biết làm dáng nhưng lại có những nét duyên ngầm. Qua hàng trăm năm nay, gốm vẫn còn giữ được những nét cơ bản nhất của gốm cổ: Được làm thủ công, không men tráng và hoàn toàn không có dấu hiệu của nghệ thuật trang trí.

 

Chính nét mộc mạc, giản đơn đã làm nên nét đẹp truyền thống riêng biệt của nồi đất Trù Sơn. (Ảnh: internet)

 

Những năm gần đây, nhiều nhà hàng, khách sạn và làng nghề nấu, kho cá truyền thống phát triển nên sản phẩm nồi đất Trù Sơn được nhiều nơi sử dụng. Vì vậy, làng nghề nồi đất cổ và “độc nhất vô nhị” ở xứ Nghệ có cơ hội hồi sinh. Hiện nay, toàn xã Trù Sơn có khoảng 60 hộ làm nghề gốm, tập trung chủ yếu ở các xóm 10, 11, 12, 13. Bình quân mỗi tháng, làng nghề Trù Sơn làm ra hàng chục ngàn sản phẩm và đã đem lại một nguồn thu nhập ổn định cho các hộ dân nơi đây. Theo ông Nguyễn Thụy Chính, Chủ tịch UBND xã Trù Sơn, đây là một xã xa trung tâm huyện, đời sống dân sinh còn nhiều khó khăn nhưng bằng sự vươn mình trong nông thôn mới, hiện nay chính quyền địa phương và các cấp, các ngành đang vào cuộc tiến tới xây dựng và khôi phục lại “làng nghề nồi đất” truyền thống.

 

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng suốt hàng trăm năm qua, người dân nơi đây vẫn kiên định giữ lấy nghề truyền thống của làng. (Ảnh: internet)

 

Qua thăng trầm, người dân Trù Sơn vẫn gắn bó và giữ nghề truyền thống. Cái nghề thủ công nhọc nhằn không thể sản xuất bởi một người, mà là công sức của cả gia đình, làng xã tương hỗ. Chính vì vậy, mà trăm năm trước hay về sau này, nơi đây không có nghệ nhân được nhắc đến riêng biệt, mà tất cả nằm chung trong tên gọi đơn giản - làng nồi đất Trù Sơn.

 


Quyên Nguyễn - VietKings (Tổng hợp)