[WOWTIMES – Đề cử Top 100 Làng nghề trăm tuổi Việt Nam – 2023] (P.32) Làng gốm Chu Đậu (Hải Dương) - nét văn hóa truyền thống độc đáo của người Việt

17-12-2022

[VIETKINGS – NIÊN LỊCH &THÀNH TỰU (WOWTIMES)] Thôn Chu Đậu thuộc xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương là một trong những cái nôi nghề gốm Việt Nam. Gốm Chu Đậu được giới chuyên môn đánh giá cao, đó là một loại gốm "mỏng như giấy, trong như ngọc, trắng như ngà, kêu như chuông.

 

Chu Đậu là một làng quê nhỏ, nằm nép mình bên tả ngạn sông Thái Bình, một nhánh của sông Lục Đầu, nơi thông thương với Thăng Long và ra biển rất thuận lợi. Nơi đây là một trong những cái nôi của nghề làm gốm Việt Nam. Gốm Chu Ðậu thuộc dòng gốm cổ cao cấp của Việt Nam từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 17. Nét đặc trưng của sản phẩm gốm Chu Ðậu thể hiện ở kiểu dáng, mầu men và các hoa văn họa tiết tinh xảo mang bản sắc văn hóa dân tộc. Sản phẩm gốm cổ Chu Ðậu đang được lưu giữ tại 46 bảo tàng danh tiếng của 32 quốc gia.

 

Chu Đậu là một trong những cái nôi của nghề gốm Việt Nam. (Ảnh: internet)

 

LỊCH SỬ LÀNG GỐM CHU ĐẬU

Năm 1980, ông Makato Anabuki, nguyên là Bí thư đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, trong một chuyến đi công tác tại Thổ Nhĩ Kỳ đã trông thấy một chiếc bình gốm hoa lam cao 54cm được trưng bày tại Viện Bảo tàng Takapisaray (Istanbul). Trên bình có ghi dòng chữ Hán: "Thái Hòa bát niên Nam Sách châu, tương nhân Bùi thị Hý bút", tạm dịch là "Năm Thái Hòa thứ tám (1450) thợ gốm họ Bùi, người châu Nam Sách vẽ chơi". Và ông Makatô Anabuki đã viết thư nhờ đồng chí Ngô Duy Đông, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương thời bấy giờ xác minh giúp ông xem chiếc bình gốm quý giá đó có xuất xứ từ làng gốm nào.

 

Đĩa gốm Chu Đậu thế kỷ XV, hiện vật Bảo tàng Dresden, Đức. (Ảnh: laodong.vn)

 

Tháng 4/1986, Sở Văn hóa-Thông tin Hải Dương tiến hành khai quật di tích Chu Đậu. Kết quả thật bất ngờ, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều di vật của một trung tâm gốm mỹ nghệ cao cấp mà từ trước đến nay chưa từng được phát hiện. Từ đó đến nay, qua tám lần khai quật ở tầng sâu 2m trên diện tích 70 nghìn m2 tại xã Thái Tân và xã Minh Tân, các nhà khảo cổ phát hiện được rất nhiều hiện vật gốm cổ cùng hơn 100 đáy lò gốm dưới lòng đất. Kết quả những cuộc khai quật không chỉ làm giới chuyên môn kinh ngạc, mà còn giúp người dân địa phương khám phá quá khứ lẫy lừng của tổ tiên mình. Trước đây, khi đào ao, xây nhà, họ thường hay bắt gặp những chiếc mâm bồng, con kê vành khăn (những công cụ chống dính của lò gốm), nhưng không ai biết những thứ đó dùng để làm gì, nên thường cho trẻ nhỏ chơi.

Sau những kết quả của các cuộc khai quật, sản phẩm gốm Chu Đậu còn được tìm thấy ở những hai con tàu bị đắm ở vùng biển Pandanan (Philippines) và Cù Lao Chàm (Việt Nam) vào năm 1993 và 1997. Hơn 340 nghìn hiện vật gốm Chu Đậu, trong đó có khoảng 240 nghìn hiện vật còn lành đã được trục vớt, chứng tỏ gốm Chu Đậu đã được xuất cảng rộng rãi thời bấy giờ.

 

Các sản phẩm gốm Chu Đậu từ xa xưa đã nổi tiếng với nước men trắng như ngọc ngà. (Ảnh: internet)

 

Gốm của làng Chu Đậu là từ đất sét trắng của vùng Trúc Thôn thuộc thị xã Chí Linh. Sau khi lấy đất về, người ta sẽ mang hòa trong nước để lọc rồi thêm phụ gia để phối luyện thành hồ làm gốm. Khi đất sét đã mềm, dẻo và đạt được độ mịn cần thiết thì sẽ mang đi chuốt và nặn trên bàn xoay. Từ xưa đến nay, các sản phẩm gốm của làng Chu Đậu đều được làm thủ công, từ khâu nặn, đúc gốm cho đến khâu vẽ và trang trí hoa căn đều được những người thợ gốm tài hoa của làng nghề thực hiện, chính vì vậy, gốm khi ra lò luôn chất lượng và có những đặc điểm riêng phân biệt với gốm sứ ở những nơi khác.

 

Gốm của làng Chu Đậu là từ đất sét trắng, các công đoạn đều được làm thủ công, từ khâu nặn, đúc gốm cho đến khâu vẽ và trang trí hoa. (Ảnh: internet)

 

Gốm làng Chu Đậu có đặc điểm nổi bật là men trắng rất trong với hoa văn màu xanh nhờ sử dụng men trắng chàm và hoa văn đỏ nâu, xanh lục vàng nhờ sử dụng men tam thái. Kiểu dáng và họa tiết của hoa văn trên gốm rất tinh xảo và mang đậm bản sắc văn hóa Việt. Bí quyết để có những sản phẩm gốm đạt đến sự tinh xảo của người dân nơi đây chính là kỹ thuật vẽ dưới men rồi mang nung trong lò sau đó mới phủ men tam thái và mang nung lại một lần nữa. Chính bởi vậy mà những sản phẩm gốm của làng Chu Đậu từ xa xưa dù đã bị chôn vùi dưới lòng đất hay chìm dưới đáy biển qua hàng thế kỷ vẫn giữ được nguyên vẹn cả màu sắc và kiểu dáng.

 

Sản phẩm gốm Chu Đậu nổi tiếng đẹp và tinh xảo/ (Ảnh: internet)

 

Giới chuyên môn đánh giá cao gốm Chu Đậu từ dáng vẻ, chất men, họa tiết, hoa văn trang trí… tất cả đều đẹp hoàn hảo. Gốm Chu Đậu được thể hiện dưới nhiều hình thức như vẽ, khắc, họa, đắp nổi đều phóng khoáng, trữ tình, hài hòa, tinh xảo. Những họa tiết, hoa văn trên gốm thể hiện đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Đó là khung cảnh thiên nhiên và cuộc sống của cư dân đồng bằng châu thổ sông Hồng như cảnh mục đồng chăn trâu, chim đậu trên cành hoa, đàn cá bơi dưới nước, mái nhà tranh ven sông… Phương pháp chế tạo đạt trình độ cao, đó là chuốt, tạo dáng trên bàn xoay, ngắt sản phẩm thành nhiều công đoạn rồi lắp ghép lại và gia công. Các sản phẩm được thể hiện trên chất liệu men trắng hoa lam, men ngọc, hay men màu tam thái.

 

(Ảnh: internet)

 

Hiện nay các sản phẩm gốm Chu Đậu ngày càng phát triển cả về số lượng mẫu mã cũng như chất lượng, giá trị nghệ thuật và đã vượt ra ngoài lãnh thổ quốc gia, trở thành sản phẩm xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh đó, làng gốm Chu Đậu cũng trở thành điểm tham qua, du lịch, trải nghiệm thu hút được nhiều sự quan tâm của khách du lịch trong và ngoài nước.

 


Quyên Nguyễn - VietKings (Tổng hợp)