Làng nghề đan ngư cụ Hưng Học tại phường Nam Hòa có từ lâu đời với những sản phẩm là các loại ngư cụ như lờ, đó, dậm và nhất là thuyền nan. Vào những năm cuối thế kỷ XVII, những sản phẩm do người dân Nam Hòa làm ra không chỉ để dùng trong sinh hoạt gia đình, mà còn phục vụ nhu cầu sản xuất của nhân dân vùng ven biển cửa sông Bạch Đằng. Lâu dần, đan ngư cụ và thuyền nan đã trở thành nghề thủ công truyền thống và được gìn giữ, lưu truyền đến ngày nay.
Nghề đan ngư cụ đã găn bó với người dân làng Hưng Học hơn 400 năm nay. (Ảnh: VOV)
Trước kia, người dân địa phương chủ yếu đan các thuyền nhỏ để làm phương tiện đi lại trên sông, chở thóc, lúa phục vụ cho nông nghiệp. Ngày nay xã hội phát triển hơn, người dân làng còn đan thêm loại thuyền to phục vụ đưa đón chở khách, chở hàng hóa. Sản phẩm ở đây nổi tiếng bền, đẹp được làm từ tre, nứa lấy từ rừng già khu vực Vàng Danh (Uông Bí) và Hoành Bồ (nay thuộc Hạ Long). Nguyên liệu lấy về sẽ được pha thành những sợi dài, sau đó tùy thuộc dùng đan sản phẩm gì thì sẽ được xử lý thích hợp.
Trong số những sản phẩm ngư cụ thì làm thuyền nan truyền thống là vất vả nhất do cần nhiều công đoạn và phải phụ thuộc vào thời tiết. (Ảnh: internet)
Người dân làng Hưng học chia sẻ, nghề đan thuyền khó nhất là ở khâu chọn được nguyên liệu, còn thuyền đẹp lại phụ thuộc kỹ thuật của con người. Để làm được chiếc thuyền nan đạt chất lượng có nhiều tiêu chí, như: chọn lựa được cây tre già, óng; khi đan tre phải đều khít; phơi nan khô; cạp chuẩn, tròn trĩnh; sơn và phơi đủ nắng… Mỗi sản phẩm sau khi hoàn thiện bình quân bán được hơn 4 triệu đồng. Khách hàng đến từ các nơi như Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An,… hoặc những địa phương ngoại thành Hà Nội. Thương khách thường đặt những thuyền nhỏ để đánh bắt cá nhỏ, hoặc làm du lịch.
Ngoài thuyền nan, người dân làng Hưng Học còn sản xuất nhiều loại ngư cụ khác như lờ, đó, dậm, ... (Ảnh: internet)
Gắn bó với đời sống lao động của người dân vùng sông nước Bạch Đằng và ven biển Quảng Ninh đã hàng trăm năm nhưng đến nay, làng nghề ngư cụ Hưng Học đang đứng trước nguy cơ mai một. Số hộ gia đình và số lao động tham gia hoạt động làng nghề giảm đi rõ rệt. Để tự tháo gỡ khó khăn, mở ra hướng phát triển mới cho làng nghề, một số nghệ nhân đã sáng tạo các sản phẩm lưu niệm có mẫu mã đẹp, mang đặc trưng của làng nghề nhằm phục vụ khách du lịch. Nhằm bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống, sản phẩm của làng ngư cụ Hưng học đã được gắn thương hiệu sản phẩm OCOP địa phương. Cùng với đó là đẩy mạnh hoạt động của làng nghề song song với các sản phẩm phục vụ khách du lịch, mô hình tham quan làng nghề truyền thống. Từ đó, thu hút, mời gọi các doanh nghiệp vào để phát triển những sản phẩm hàng hóa mới dựa trên những tay nghề tinh hoa sẵn có của làng nghề.
Người dân làng Hưng Học vẫn miệt mài từng ngày tìm hướng đi mới để giữ vững nghề truyền thống của làng. (Ảnh: internet)
Gìn giữ những giá trị của làng nghề đan ngư lưới cụ Hưng Học là trách nhiệm không chỉ của những người con làng nghề mà còn là trách nhiệm của các cấp chính quyền, địa phương. Cùng với những giải pháp, định hướng của địa phương, những lớp nghệ nhân của làng nghề đang nỗ lực từng ngày, truyền dạy kinh nghiệm, kỹ năng và đổi mới phương thức sản xuất để những giá trị tinh hoa mà cha ông để lại còn mãi với thời gian.