[WOWTIMES – Đề cử Top 100 Làng nghề trăm tuổi Việt Nam – 2023] (P.39) Làng nghề Tây Hồ (Huế) - quê hương của những chiếc nón bài thơ

28-12-2022

[VIETKINGS – NIÊN LỊCH &THÀNH TỰU (WOWTIMES)] Nón bài thơ xứ Huế là một trong những hình ảnh biểu tượng và cũng là món quà lưu niệm quen thuộc với du khách khi đến với cố đô. Với lịch sử hơn một trăm năm phát triển, Làng Tây Hồ - quê hương của những chiếc nón bài thơ vẫn ngày ngày lưu giữ và tái hiện nét đẹp văn hóa truyền thống qua từng sản phẩm.

 

Làng Tây Hồ nằm lặng lẽ bên dòng sông Như Ý, thuộc xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Từ rất lâu, Tây Hồ đã vô cùng nổi tiếng với nghề làm nón, nghề này đã được hình thành và phát triển cách đây hàng trăm năm, làng cũng là một trong những nhân chứng chứng kiến vẻ đẹp văn hóa của những chiếc nón bài thơ xuất hiện trong những năm cuối thập kỷ 50 – đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX, mà đến ngày nay, nón lá cùng với áo dài trở thành những nét đẹp đặc trưng, gây ấn tượng với bạn bè khắp thế giới.

 

Làng nghề Tây Hồ xứ Huế nằm bên dòng sông Như Ý huyện Phú Vang. (Ảnh: internet)

 

Ở làng Tây Hồ ngày nay, hầu hết mọi nhà đều có nghề làm nón. Không khí sinh hoạt của làng nghề lúc nào cũng sôi động bởi người dân nơi đây làm nón quanh năm dù là hè hay là đông thì cũng luôn tấp nập người mua kẻ bán và những người thợ lành nghề chăm chỉ khâu nón. Khắp các ngõ ngách trong làng đều trải dài những vạt lá non của cây bồ quy diệp hay lá dừa, lá gối được phơi khô trước hiên nhà, trên những bãi đất trống tạo nên sắc vàng thơ mộng.

 

Hình ảnh những chiếc nón lá Tây Hồ gắn liền với người phụ nữ Huế. (Ảnh: internet)

 

Nguyên liệu chính để làm một chiếc nón ở Tây Hồ là những lá non của cây bồ quy diệp (hoặc một số nơi sẽ là lá dừa, lá gồi). Lá cây sau khi hái thì được đem phơi khô đến khi chúng dần chuyển sang màu vàng ươm, mỏng dánh nhưng vẫn có cảm giác đàn hồi, chắc chắn. Để có thể làm nên một chiếc nón hoàn hảo thì không phải dễ dàng. Các công đoạn để tạo nên những chiếc nón Huế rất công phụ từ khâu chọn lá, chẻ tre, ủi lá đến khâu chằm nón. Những nghệ nhân lâu năm cho biết công đoạn khó nhất chính là chằm nón và thường sẽ do những người phụ nữ hay các cô gái khéo léo và tỉ mẩn thực hiện.

 

Lá để đan nón được phơi khô dưới những vạt nắng vàng. (Ảnh: internet)

 

Từng Chiếc nón bài thơ thủ công được ra đời từ làng Tây Hồ không chỉ nổi tiếng bởi ý nghĩ cũng như độ tinh xảo, mỏng thanh của nó, mà còn gây ấn tượng bởi sự chỉnh chu đến từng đường kim mũi chỉ. Màu sắc hài hòa, các họa tiết được thiết kế khéo kéo, tái hiện lại hình ảnh hoàn chỉnh của một câu thơ và những điểm tham quan nổi tiếng tại huế. Trong đó, hình ảnh sông Hương núi Ngự là những họa tiết phổ biến thường được chọn đặt cạnh những bài thơ trên chiếc nón. Làng Tây Hồ là một ngôi làng truyền thống, vẫn giữ nguyên vẻ đẹp và sự đơn sơ mộc mạc của làng quê Việt Nam.

 

Mỗi chiếc nón bài thơ đều thể hiện bàn tay khéo léo của những người thợ. (Ảnh: internet)

 

Nón Huế bao giờ cũng được làm hai lớp. Người làm nón phải khéo lắm, thì khi những lớp lá chồng lên nhau mới không bị dày, nón mỏng và thanh thoát. (Ảnh: internet)

 

Ngày nay, nón bài thơ của xứ Huế không chỉ trở thành một sản phẩm thương mại hút khách mà còn là một nét văn hoá riêng rất đặc trưng và mang ý nghĩa biểu tượng cho mảnh đất cố đô huế.  Những chiếc nón được ra đời từ bàn tay chăm chỉ và khéo léo của các nghệ nhân làng nghề với độ mỏng thanh và đường kim mũi chỉ trau chuốt, màu sắc hài hoà duyên dáng bởi những câu thơ hay hình ảnh đẹp. Làng Tây Hồ với sự phát triển không ngừng về chuyên môn cũng như tay nghề nên ngày càng phát triển và cho ra đời vô số những sản phẩm chất lượng, tinh xảo, tỉ mĩ, vô cùng ấn tượng.

 

Nón Tây Hồ ngày càng phát triển đa dạng, trở thành sản phẩm lưu niệm ý nghĩa của xứ Huế. (Ảnh: internet)

 

Những chiếc nón lá bài thơ xứ Huế là một trong những món quà lưu niệm độc đáo không thể thiếu của hầu hết du khách mỗi khi du lịch xứ Huế. Du kháh đến du lịch tại đây có thể dễ dàng tìm mua những chiếc nón tại khắp mọi nơi trong làng, có thể là những cửa hàng bán đồ lưu niệm hoặc một số ngôi nhà dân tự làm tự bán. Đặc biệt, du khách cũng có thể tìm đến một số địa điểm có hỗ trợ bạn trang trí theo ý thích để tận tay hoàn thành một chiếc nón bài thơ theo phong cách của mình. Việc kết hợp phát triển du lịch gắn với làng nghề không chỉ mang lại lời ích kinh tế lớn cho dân tộc mà còn góp phần mang những nét đẹp văn hóa truyền thống của nước ta có cơ hội phát triển xa hơn. 

 


Quyên Nguyễn - VietKings (Tổng hợp)