[WOWTIMES – Đề cử Top 100 Làng nghề trăm tuổi Việt Nam – 2023] (P.41) Làng tranh dân gian Làng Sình (Thừa Thiên Huế) – nơi lưu giữu nét độc đáo của dòng tranh Mộc Bản

30-12-2022

[VIETKINGS – NIÊN LỊCH &THÀNH TỰU (WOWTIMES)] Làng Sình nằm ven sông Hương được thành lập vào khoảng thế kỷ 15, nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 9 km về phía Đông. Được nhiều người biết đến với nghề làm tranh dân gian nổi tiếng. Tranh dân gian làng Sình từ lâu đã trở thành một nét văn hóa độc đáo của vùng đất cố đô. Tranh làng Sình không chỉ được đánh giá cao về nghệ thuật tạo hình tranh dân gian mà nó còn gắn liền với văn hóa tâm linh của xứ Huế.

 

Tranh làng Sình khác với tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh Hàng Trống (Hà Nội) bởi chức năng duy nhất là phục vụ thờ cúng, cúng xong ẽ mang đi đốt. Vì vậy, đến nay chỉ còn những bản khắc gỗ là hiện vật quý giá còn lưu giữ lại. Theo lời kể lại, thời Trịnh - Nguyễn, trong đoàn người tìm vào đất Thuận Hóa định cư, ông Kỳ Hữu Hòa, mang theo nghề làm tranh giấy mộc bản của làng quê mình để mưu sinh, tranh làng Sình ra đời từ đó. Huế, mảnh đất của rất nhiều những tín ngưỡng văn hóa dân gian như lễ thờ, cúng … Chính vì đặc điểm này mà tranh làng Sình có cơ sở để phát triển lâu dài. Tranh làng Sình hay làng Lại Ân là một loại tranh in rời từng tờ một bằng khuôn khổ gỗ thị, mít, kền để tạo đường nét. Sau khi in xong người ta tô lại bằng những gam màu được chế từ vỏ sò điệp, màu lá, tro, gạch.

 

Làng nghề tranh dân gian Làng Sình, Phú Mậu, TP.Huế. (Ảnh: internet)

 

Tranh làng Sình hoàn toàn làm thủ công. Để có một bức tranh phải trải qua đủ 7 công đoạn, từ xén giấy, quét điệp, in tranh trên mộc bản, phơi tranh, pha màu, tô màu, cuối cùng là điểm nhãn. Để tạo ra giấy in những bức tranh truyền thống, người dân làng Sình xuôi thuyền dọc phá Tam Giang về vùng cầu Hai, thị trấn Lăng Cô để cào điệp. Đây là loại sò có vỏ mỏng nhiều màu sắc. Sò sau khi cào về giã thành bột, rồi trộn với hồ, sau đó phết hỗn hợp này hai lần lên giấy dó. Đây cũng là nét độc đáo, riêng biệt của dòng tranh dân gian ở làng Sình. Những màu sắc của tranh cũng chủ yếu được làm ra từ yếu tố thiên nhiên. Màu vàng làm từ lá đung giã với búp hoa hòe non, màu xanh dương từ hạt mồng tơi, hạt hòe làm nên màu vàng đỏ, nước lá bàng sẽ cho màu đỏ sẫm, tro rơm nếp hòa tan trong nước rồi lọc sạch, cô lại thành màu mực đen bóng.

 

Tranh Làng Sình là dòng tranh chủ yếu được dùng trong hoạt động tâm linh, thờ cúng. (Ảnh: internet)

 

Tranh làng Sình gồm hơn 50 đề tài, chia thành 3 nhóm chủ đề chính là tranh nhân vật, tranh đồ vật và tranh súc vật. Tranh này đặc biệt ở chỗ là không dùng bút hay màu để vẽ mà dùng khuôn vẽ, một bức tranh hoàn thiện sẽ cần rất nhiều khuôn màu in lên giấy. Tranh làng Sình là dòng tranh chính phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng của người dân Huế từ bao đời nay, xuất hiện trong các dịp cúng bái, lễ tết. Sau khi cúng xong thì được đốt đi, hoá cho ông bà, tổ tiên.

 

Các nguyên liệu, vật dụng để làm ra một bức tranh đều được chuẩn bị chu đáo, kỹ càng. (Ảnh: internet)

 

Không chỉ cầu kỳ trong khâu chuẩn bị nguyên liệu, các công đoạn để hoàn thành bức tranh cũng luôn cần sự chỉnh chu, khéo léo của người thợ. (Ảnh: internet)

 

Tranh làng Sình từng có một thời gian bị mai một, đến năm 2007, tranh được tôn vinh như một di sản văn hóa của dân tộc cần được gìn giữ, bảo tồn. Cùng với sự quan tâm của Nhà nước là sự phát triển của loại hình Du lịch văn hóa làng nghề đã tạo điều kiện hồi sinh cho tranh cổ Làng Sình. Tranh Làng Sình đã dần lấy lại được hình ảnh và vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, xã hội của một làng tranh truyền thống. Nhiều đề tài nghiên cứu, nhiều nghệ nhân cũng đã khẳng định giá trị nghệ thuật và giá trị văn hóa của tranh làng Sình trong đời sống, đặc biệt là những giá trị trong đời sống tâm linh.

 

Người dân nơi đây đã kết hợp làng nghề truyền thống với hoạt động du lịch, góp phần phát triển, quảng bá nét đẹp văn hóa của cha ông truyền lại. (Ảnh: internet)

 

Trong những năm gần đây, dịch vụ du lịch làng nghề càng ngày càng phát triển tạo điều kiện cho dòng tranh dân gian này lấy lại được vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa dân tộc. Đặc biệt, ngôi làng Sình trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Huế thu hút đông đảo du khách đến tham quan và tìm hiểu về một nền văn hóa dân gian của dân tộc. Đây cũng là một hoạt động quảng bá du lịch, quảng bá sản phẩm làng nghề. Và cũng là mong ước của những người dân làng Sình để có cơ hội gìn giữ, quảng bá và phát triển nghề cũ cha ông.

 


Quyên Nguyễn - VietKings (Tổng hợp)