[WOWTIMES – Đề cử Top 100 Làng nghề trăm tuổi Việt Nam – 2023] (P.42) Làng gốm Thanh Hà (Hội An) – di sản trăm năm bên dòng “sông mẹ” Thu Bồn

31-12-2022

[VIETKINGS – NIÊN LỊCH &THÀNH TỰU (WOWTIMES)] Làng gốm Thanh Hà nằm cách trung tâm đô thị cổ Hội An khoảng 3km về phía tây. Nghề gốm ở làng Thanh Hà là một trong những nghề truyền thống có lịch sử lâu đời không chỉ đối với vùng Hội An mà cả vùng Quảng Nam. Dưới thời trung đại, sự phát triển của làng gốm Thanh Hà và cảng thị Hội An luôn gắn bó chặt chẽ, tác động qua lại lẫn nhau.

 

Lịch sử làng gốm Thanh Hà

Từ cuối thế kỷ XVI, cảng thị Hội An bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Hội An lúc này không chỉ là trạm trung chuyển trên con đường mậu dịch hàng hải quốc tế mà đồng thời là cảng ngoại thương cũng như nội thương quan trọng của cả Đàng Trong. Sự phồn thịnh của cảng thị Hội An không những là nguyên nhân đưa đến sự phát triển về mặt thương mại của Quảng Nam mà còn là nguyên nhân dẫn đến sự phát triển về mặt tiểu công nghệ, hình thành thêm nhiều ngành nghề mới hoặc cải tiến những ngành nghề sẵn có để phục vụ nhu cầu cảng thị. Nghề gốm Thanh Hà ra đời khoảng giữa thế kỷ XVI như một nghề phụ hỗ trợ nông nghiệp đến lúc này có cơ hội phát triển, trở thành ngành nghề chính của cư dân sống tại làng Thanh Hà.

 

Làng gốm Thanh Hà, Hội An, Quảng Nam. (Ảnh: internet)

 

Sự phát triển của làng gốm Thanh Hà thế kỷ XVII - XVIII đi liền với sự thịnh vượng của đô thị thương cảng Hội An. Làng gốm Thanh Hà phát triển một phần xuất phát từ nhu cầu của cảng thị Hội An, ngược lại chính sự phát triển của làng gốm làm cho thương cảng ngày càng thịnh vượng. Làng gốm Thanh Hà là một phần cấu trúc không gian của đô thị thương cảng Hội An. Sự phân bố của làng nghề đóng vai trò quan trọng trong việc lý giải cấu trúc không gian thời kỳ thương cảng Hội An phát triển thịnh vượng. Với thương cảng Hội An, làng gốm Thanh Hà là nơi chuyên sản xuất các đồ đựng phục vụ cuộc sống của người dân thành thị tại cảng mậu dịch thế kỷ XVII - XVIII, đồng thời còn là làng nghề kiểu thành thị được hình thành nhằm sản xuất các dụng cụ sinh hoạt phục vụ đời sống người dân tại khu vực dân cư nước ngoài, dinh trấn Quảng Nam và cả căn cứ thủy quân của chúa Nguyễn.

 

Sản phẩm gốm Thanh Hà tuy mộc mạc nhưng chứa đựng nét đẹp tinh hoa, khác biệt. (Ảnh: internet)

 

Trải qua nhiều thế hệ, các thợ gốm Thanh Hà đã tạo nên và lưu giữ khối lượng từ chuyên dùng của nghề gốm đối với từng công đoạn làm gốm. Thợ gốm đã phân loại các loại hũ sành bằng số học: hũ 6 (làm từ 6 con đất), hũ 5, hũ 4... hoặc dựa vào đặc điểm sử dụng của sản phẩm mà gọi tên như âu suốt (âu đựng suốt chỉ dệt vải). Để phân biệt trạng thái sản phẩm, thợ gốm dựa vào màu sắc thể hiện trên da sành mà gọi tên, đơn cử là: chàm tố gạch (sản phẩm có màu xanh chàm, giữa trôn có vòng tròn màu đỏ lợt)... Nhìn chung, hệ thống từ chuyên dùng này cung cấp nhiều thông tin phong phú về ngôn ngữ học, dân tộc và cần được nghiên cứu, làm sáng tỏ thêm.   

 

   Gốm Thanh Hà được tạo ra từ bàn tay điêu luyện của những người thợ. (Ảnh: internet)

 

Nguyên liệu chính để làm gốm là đất sét vàng, dẻo có độ kết dính cao. Loại đất này thường nằm ở các ruộng ven sông, ở độ sâu cách mặt ruộng khoảng 50 - 100cm, cách đây 60 năm trở về trước, đất được khai thác tại ấp An Bang, Thanh Chiếm (Thanh Hà) và vùng đất giáp với Thanh Hà thuộc Điện Phương ngày nay. Hiện nay, thợ gốm mua đất ở Thanh Quýt (Điện Bàn), Thi Lai (Duy Xuyên)… người bán đất vận chuyển bằng ghe đến Thanh Hà bán.  

 

Sản phẩm làng gốm Thanh Hà. (Ảnh: internet)

 

Sản phẩm gốm truyền thống được làm theo các qui trình sản xuất cổ truyền gồm các bước: Làm đất, Chuốt gốm, Sửa nguội, Tráng men, Nung gốm. Gốm, sành truyền thống Thanh Hà đa dạng về loại hình với hơn 40 loại sản phẩm, gồm các đồ gia dụng (hũ, bình vôi, vại, nồi, thạp, diệm, trả, om, bùng/lùng binh... các loại) dùng để đựng nước, muối, mắm, gạo, các loại ngũ cốc, thổ sản…; đồ gốm dùng trong hoạt động tín ngưỡng (lư hương, tượng ông táo, quách…). Đặc trưng kiểu dáng sản phẩm là hũ thì có dáng miệng loe, cổ eo, vai, đáy thuôn, trôn bằng; nồi, niêu, chảo, siêu gốm... cùng chung kiểu miệng loe, vành miệng được vê tròn, cổ eo, ngắn, bụng phình to, đáy tròn. Đồ gốm, sành không men, da lán hoặc thô, xương mịn, đa số không có hoa văn, riêng một vài loại hũ sành được trang trí viền răng cưa nổi, văn lượn sóng ở cổ, vai.

 

Làng gốm Thanh Hà gắn liền với sự phát triển của Hội An. (Ảnh: internet)

 

So với sản phẩm gốm, sành truyền thống thì gốm mỹ nghệ được chế tác công phu hơn, để có da gốm mịn, thợ gốm đánh, lắng, lọc đất thành dung dịch mịn rồi đổ vào khuôn trong 12 giờ cho đất kết tủa thì phơi phôi. Đồ án trang trí của gốm mỹ nghệ thường là Hán tự có ý nghĩa cát tường, hoa văn hình học, tên đơn vị kinh doanh... Cũng có sản phẩm được tạo áo gốm bằng vỏ trứng. Phôi gốm mỹ nghệ có thể được nung trong lò bầu hoặc nung riêng ở lò ngửa. Gốm mỹ nghệ có ít nhất 33 loại sản phẩm gồm tượng đức Phật, Chúa..., đèn gốm áp tường, con tiện, chậu, lọ hoa, mô hình các di tích kiến trúc, hộp, gạt tàn thuốc, mặt nạ gốm... Những sản phẩm này được nhiều cơ sở du lịch, dịch vụ (nhà hàng, khách sạn, cafe) ở Hội An, Đà Nẵng, Huế, Đà Lạt, thành phố Hồ Chí Minh đặt hàng để trang trí nội ngoại thất. Trong những năm gần đây có một số hàng hóa đã được xuất khẩu sang Nhật, Úc, Đức, Anh, Pháp, Mỹ.

 

Hoạt động du lịch, trải nghiệm tại làng gốm Thanh Hà. (Ảnh: internet)

 

Năm 2019, Nghề gốm Thanh Hà được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngày nay, làng nghề gốm Thanh Hà đã trở thành điểm đến thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Hoạt động du lịch làng nghề đã góp phần mang vẻ đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc đến gần hơn với mọi người. 

 


Quyên Nguyễn - VietKings (Tổng hợp)