Âm vang tiếng vọng cội nguồn
Trong Nam, ngoài Bắc tình dồn về đây
Đền Đô một khoảng trời mây
Khí thiêng hội tụ người ngây ngất hồn.
Đền Đô tọa lạc ở phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh). Nơi đây còn được gọi là đền Cổ Pháp, đền Lý Bát Đế, là nơi thờ của 8 vị vua nhà Lý. Đền Đô được xây dựng vào thế kỷ 11 (năm 1030), trên khu đất phía đông nam Hương Cổ Pháp, Châu Cổ Pháp (làng Đình Bảng).
Triều đại nhà Lý trị vì đất nước 216 năm (1009 - 1225) với 9 đời vua, là một trong những triều đại mở đầu cho việc xây dựng nền độc lập, tự chủ của nước ta sau hơn 1000 năm Bắc thuộc. Trong cuốn "Di tích lịch sử văn hóa đền Đô” do Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Thìn biên soạn có viết: "Lý Công Uẩn có công lập ra triều Lý, định đô Thăng Long, khai sáng nền văn minh Đại Việt. Tương truyền đền Đô được tu dựng ngày 3/3 năm Canh Ngọ (1030) do Lý Thái Tông, con trưởng của Lý Thái Tổ về Thái miếu nhà Lý ở quê làm giỗ cha, có các quan đại thần cùng đi, đã cùng với dân làng xây mở rộng Cổ Pháp Điện ở khu Thái miếu để nhân dân trong nước cùng có điều kiện tới công đức vào việc thờ cúng vua Lý Thái Tổ. Đền Đô là đền trung tâm của cả nước, liên tục được các triều đại phong kiến Việt Nam coi trọng tôn tạo và mở rộng.
Kiến trúc đền Đô là sự kế thừa của phong cách cung đình và phong cách dân gian. Hai phong cách kiến trúc này được kết hợp hài hòa với thiên nhiên tạo nên không gian khoáng đạt, đẹp mắt. Đây là công trình có kiến trúc bề thế vững chắc nhưng không cứng nhắc. Đền Đô từ xưa đã được xây dựng với quy mô lớn. Kiến trúc theo kiểu "Nội công ngoại quốc”, bao quanh có tường gạch. Hiện, quần thể đền có diện tích 31.250 m², gồm 21 hạng mục công trình lớn, nhỏ. Trung tâm là điện thờ, nơi đặt bài vị và tượng của Tám vị vua nhà Lý. Kiến trúc đền Đô được chia làm hai khu vực nội thành và ngoại thành.
Khu vực nội thành: có diện tích 4.320 m², hai bên xây gạch, ở giữa đổ đất, có hai cửa ra vào. Khu vực nội thành được chia thành nội thất và ngoại thất. Nội thất gồm các công trình: Nhà hậu cung, nhà chuyển bồng, nhà tiến tế, nhà bia, nhà để 8 kiệu thờ và nhà để 8 ngựa thờ ở hai bên. Ngoại thất gồm các công trình: nhà vuông, kiến trúc kiểu chồng diêm tám mái, 8 đầu đao cong vút mềm mại. Khu vực này có nhà chủ tế, nhà kho, nhà khách, Ngũ long môn, sân rồng, tượng voi, sấu đá và đền Vua bà (thờ các Hoàng thái hậu triều Lý).
Khu vực ngoại thành gồm: Hồ bán nguyệt, giữa hồ là nhà Thủy đình, nhà Văn chỉ bên phải, nhà Võ chỉ bên trái. Cổ Pháp Điện là công trình chính của đền Đô được xây dựng hoành tráng, trang nghiêm, đặt các pho tượng tám vị vua triều Lý. Nội thất đền được bài trí chi tiết, đồ thờ phong phú. Tượng các đức vua ở hậu đô, hương án, bài vị, hoành phi, câu đối, sập và mâm thờ… đều được sơn son thiếp vàng rực rỡ. Ngựa thờ có đủ áo giáp, may thêu rất công phu, lục lạc đồng sáng loáng. Đỉnh đồng, bình hương, trống, chiêng… đều bề thế.
Kiến trúc đền Đô bố cục cân xứng, hài hòa. Cột, khung nhà, các cánh cửa được làm bằng gỗ lim và vàng tâm cổ thụ. Các hạng mục công trình đều được xây dựng công phu, kiến trúc độc đáo, chạm khắc tinh xảo. Chẳng vậy mà vẻ đẹp của đền đã đi vào thơ ca với vần thơ nổi tiếng: Cổ Pháp Điện linh - Bát Đế du/Long vân hội tụ sáng trời thu/Hương lan tỏa ngát chào người tới/ "Uống nước nhớ nguồn” vang khúc du.
Ngoài ra, nơi đây còn quy tụ nghệ thuật kiến trúc đặc sắc của nước Việt như: nghệ thuật điêu khắc đá: voi, rồng, lân, ngựa; nghệ thuật điêu khắc gỗ: lân, hoạt tiết trang trí, chạm lộng hình rồng; nghệ thuật tạc tượng thờ và xây dựng hệ thống mái đao, cột trụ đều đạt đến mức độ tinh xảo, tuyệt mỹ.
[WOWTIMES] Lịch sử hình thành và xây dựng Đền Đô.
Theo sử sách ghi chép lại, tháng 2/1010, sau khi đăng quang lên ngôi vua, Lý Công Uẩn đã trở lại thăm quê hương Đình Bảng, tại đây ông đã dừng thuyền rồng để đi thăm các bậc kỳ lão, yết lăng Thái Hậu. Dân làng đã xây dựng một ngôi đình lớn để làm nơi nghênh tiếp nhà vua. Sau khi ông băng hà, con trai ông Lý Thái Tông lên ngôi vua.
Trong một dịp về quê Đình Bảng làm giỗ cha, ông đã lệnh cho người xây dựng đền Đô làm nơi thờ phụng cha trên nền ngôi đình cũ xưa kia làm nơi nghênh tiếp vua cha khi cha về thăm quê. Và đây cũng là nơi thờ phụng các vị vua nhà Lý sau này. Ngày 3/3/1030, đền được khởi công xây dựng.
Sau này, đền được trùng tu lại rất nhiều lần qua các thời đại Lý, Trần, Lê. Lần trùng tu và mở rộng lớn nhất vào năm thứ 3 niên hiệu Hoằng Định của vua Lê Kính Tông, năm 1602, với quy mô 21 hạng mục công trình và khắc bia ghi lại công đức của các vị vua nhà Lý.
Năm 1952, thực dân Pháp sau khi xâm lược nước ta đã cho dội bom, phá hủy hoàn toàn ngôi đền.
Năm 1989, đền được khởi công xây dựng lại theo kiến trúc ban đầu. Đây là thành quả nghiên cứu của các nhà nghiên cứu lịch sử đã nghiên cứu các dấu tích và tài liệu lưu trữ còn sót lại về ngôi đền. Về cơ bản, quần thể di tích đền Đô hiện nay giống với kiến trúc cũ.
Để tưởng nhớ công lao to lớn của triều đại nhà Lý và củng cố sức mạnh đoàn kết của cộng đồng làng xã, hàng năm, vào ngày 14, 15, 16/3 âm lịch, người dân Đình Bảng lại mở hội đền Đô. Tương truyền đó là lễ hội kỷ niệm ngày vua Lý Thái Tổ đăng quang (ngày 15/3 năm Canh Tuất - 1010). Chính ngọ đắc tâm linh, Lý Thái Tổ làm lễ tế trời, đặt niên hiệu Thuận Thiên, tức là mong thiên hạ thái bình. Lễ hội đền Đô đã và đang là lễ hội của làng cũng là của nước, trở thành điểm hẹn của du khách thập phương với tấm lòng "Uống nước nhớ nguồn”.