[WOWTIMES- Top 100 Công trình trên 100 tuổi] (P.28) Dinh thự “vua Mèo”- 115 năm huyền thoại vùng cao nguyên đá Đồng Văn (1907- 2022)

08-09-2022

[VIETKINGS – NIÊN LỊCH &THÀNH TỰU (WOWTIMES] Nằm ở phía sau con đường bên hàng cây sa mộc cao vút, chiếc cổng đá bề thế của Dinh Thự Họ Vương hay còn gọi là dinh thự vua Mèo Vương Chính Đức - vị vua duy nhất được người Mông nơi đây suy tôn, và cai quản 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn ở Sà Phìn.

Dinh thự họ Vương (Dinh Nhà Vương) nằm ở thung lũng Sà Phìn, xã Lũng Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 125km, cách thị trấn Đồng Văn 15km. Công trình được “Vua Mèo” Vương Chính Đức khởi dựng từ đầu thế kỷ 20 và xây trong 8 năm bởi những người thợ Vân Nam (Trung Quốc) và những người Mông (Việt Nam). Diện tích xây dựng công trình khoảng 1.200m2.

                

 

Dinh Nhà Vương gắn liền với cuộc đời của “Vua Mèo” Vương Chính Đức (1865-1947) và con trai ông là Vương Chí Sình (tức Vương Chí Thành) (1886-1962). Vương Chính Đức, người dân tộc Mông, từng là người đứng đầu chế độ thổ ty phong kiến miền núi của dân tộc Mông ở khu vực Đồng Văn, Hà Giang đầu thế kỷ 20; được gọi là Vua Mèo. Còn Vương Chí Thành là người đi theo cách mạng và trở thành đại biểu Quốc hội khóa 1, 2 của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

 

 

Dinh thự Vua Mèo nằm dưới chân một thung lũng được bao bọc phía trên bằng một vùng đất cao. Với kiểu địa thế này, toàn bộ công trình được bảo vệ bởi những cánh cung núi gọi là thế mai rùa, hỗ trợ phòng thủ rất tốt trong thời kỳ chiến tranh ác liệt. Trải qua hơn trăm năm tồn tại, mọi thứ trong dinh thự vẫn vẹn nguyên như ngày đầu, tạo sự kích thích với mọi người đến đây để khám giá ít nhất một lần trong đời.

 

 

Kiến trúc bên trong dinh thự vô cùng độc đáo, là sự kết tinh của 3 nền văn hóa khác nhau gồm người Mông, người Pháp và người Trung Quốc. Công trình gồm 4 căn nhà ngang, 6 căn nhà dọc chia thành 3 khu vực tiền dinh (dành cho lính canh và nô tì), trung dinh và hậu dinh (là nơi ở và làm việc) với 64 buồng nhỏ chia thành 2 tầng. Để đáp ứng được tiêu chí kiên cố, những người thợ xây đã sử dụng đá xanh để xây dựng giúp dinh thự đứng vững trước kẻ thù và thời gian. Mái vách và cột trụ được làm bằng gỗ để tôn thêm sự uy nghiêm và uyển chuyển cho những căn phòng. Một vật liệu nữa được sử dụng là đất nung dùng cho việc xây các mái ngói để tạo hình dễ hơn nhưng không kém phần chắc chắn. Cho đến tận ngày nay, Dinh thự Vua Mèo là một trong số ít những công trình đáp ứng tất cả các yêu cầu về nơi ở, làm việc và trở thành một căn cứ phòng thủ mỗi khi có chiến sự xảy ra.

 

 

Dù có sự kết hợp của 3 nền văn hóa trong kiến trúc nhưng nhiều người nhận xét rằng dinh thự họ Vương vô cùng hài hòa, uyển chuyển nhịp nhàng như thành một khối thống nhất mà không hề gò bó, khiên cưỡng. Thêm vào đó, tuy là công trình được xây dựng trên một khu đất lên tới 3000m2 nhưng Dinh thự không hề to lớn hay đồ sộ như nhiều người vẫn hình dung vì nó được cấu tạo từ những phân khu nhỏ, mang nét giản dị, mộc mạc của văn hóa kiến trúc dân gian. Kiểu thiết kế với nguyên tắc trong thấp ngoài cao khiến cho tổng thể Dinh thự càng gần gần gũi với cảnh vật xung quanh hơn nữa.

 

 

[WOWTIMES] Lịch sử hình thành và xây dựng Dinh thự Họ Vương.

Năm 1898, công trình được khởi công xây dựng. Dinh thự được thiết kế và xây dựng bởi những người thợ Vân Nam Trung Quốc kết hợp với đồng bào người Mông, tạo ra một công trình rộng hơn 1200m2 trên diện tích khoảng 3000m2.

Năm 1907, Dinh thự được hoàn thành, tiêu tốn một khoảng tiền khổng lồ là 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương, tương đương với 150 tỷ VNĐ ngày nay.

Năm 1993, Dinh thự Vua Mèo đã được Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia.

 

 

Nhìn chung, đa số nội thất và vật dụng gắn liền với Vua Mèo khi còn sống đều được lưu giữ và bảo quản tốt đến tận ngày nay. Duy chỉ có một số ghế và đồ gỗ được làm bằng thông đá, về sau đã được nhà nước ta thay đổi bằng gỗ lim và gỗ nghiến để không bị mai một dần theo thời gian. Các cấu kiện gỗ mang bản sắc văn hóa địa phương đậm đà bằng cách khắc những hoa văn hình bông hoa bản địa như đào, anh túc… Những trụ nhà thì được chế tác sao cho giống quả của cây thuốc phiện, là loại cây mà Vua Mèo kinh doanh để làm ra tiền xây dinh thự. Một số vật dụng bị ảnh hưởng bởi phương tây có trong công trình này có thể kể đến như bồn tắm sữa dê bằng đá, cửa sổ chớp kính bên cạnh lò sưởi, lối ra vào thì được làm bằng đá hoa cương kết nối bằng khung hoa sắt đậm chất kiến trúc Pháp.

 

 

Hiện nay, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lich tỉnh Hà Giang và dòng họ Vương vẫn không ngừng quan tâm trùng tu, tôn tạo, quản lý và quảng bá di tích này trở thành một trong những điểm thăm quan, nghiên cứu hấp dẫn, nổi tiếng trong và ngoài nước. Di tích này hiện không chỉ là niềm tự hào của gia tộc họ Vương mà còn là một biểu tượng văn hóa, lịch sử và tinh thần đại đoàn kết trên mảnh đất địa đầu cực Bắc Việt Nam, bởi là một trong nhưng nơi lưu giữ được những giá trị cả về lịch sử và văn hóa một giai đoạn phát triển của người Mông trên Cao nguyên đá.

 

 

 


Quyên Nguyễn- Wowtimes (Tổng hợp)