[WOWTIMES- Top 100 Công trình trên 100 tuổi] (P.34) Chùa Bổ Đà- nơi lưu giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ (Tk: XI- 2022)

12-09-2022

[VIETKINGS – NIÊN LỊCH &THÀNH TỰU (WOWTIMES] Chùa Bổ Đà là ngôi chùa lâu đời và cổ kính ở Bắc Giang. Ngôi chùa từ ngàn năm nay vẫn luôn được ca ngợi là một trong ba ngôi chùa nổi tiếng bậc nhất qua câu ca dao “Thứ nhất là chùa Đức La, thứ nhì chùa Bổ, thứ ba chùa Tràng”. Ngày nay, ngôi chùa này vẫn luôn được gìn giữ và là một trong những trung tâm Phật Giáo lớn nhất của dòng Thiền phái Trúc Lâm.

Chùa có tên gọi chính xác là chùa Quán Âm núi Bổ Đà hay Bổ Đà Sơn Quán Âm Sơn Tự, gọi tắt là chùa Bổ hay Tứ Ân Tự, toạ lạc ở vị trí đắc địa phong thuỷ, nằm về phía Bắc của chân núi Phượng Hoàng thuộc dãy núi Bổ Đà, xa xa là dòng sông Cầu thơ mộng. Tương truyền, chùa Bổ Đà có từ thời Lý (thế kỷ XI), được tu bổ, tôn tạo lớn vào thời vua Lê Dụ Tông (1720-1729) và các giai đoạn sau này. Chùa Bổ là một trong những nơi còn giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ. Qua nhiều thế kỷ, chùa Bổ Đà đã được trùng tu nhiều lần, song cơ bản vẫn giữ được nét kiến trúc cổ từ tường đất, vườn tháp đến kiến trúc gỗ truyền thống mang phong cách nghệ thuật đan xen của các thời đại nối tiếp nhau trải dài từ thế kỷ XVIII đến nay.

                         

 

Khu di tích chùa Bổ Đà là một danh lam cổ tự nổi tiếng của vùng Kinh Bắc xưa nay thuộc địa phận hành chính của xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. (Hình: baobacgiang.com.vn)

 

Khu di tích chùa Bổ Đà có kiến trúc độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam, đó là lối kiến trúc ‘‘nội thông ngoại bế”, được bao bọc bởi hệ thống rặng tre xanh tốt, hệ thống tường trình đất như một chiến lũy bảo vệ vững chắc, tạo vẻ u tịch, linh thiêng… Các mảng chạm khắc tinh xảo tại các hạng mục kiến trúc của di tích với nhiều đề tài phong phú như: hoa văn vân mây, vân xoắn, hoa cúc, hình lá lật, linh thú, đề tài tứ linh, tứ quý… như một bảo tàng kiến trúc mang phong cách nghệ thuật đan xen giữa thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII) và thời Nguyễn (thế kỷ XIX).

 

 

Chùa được xây dựng bằng các vật liệu gạch nung, ngói, tiểu sành, tường bao được làm bằng đất rất độc đáo. Các bức tường, cổng và một số công trình khác được xây dựng hoàn toàn bằng đất nện theo lối chình tường. (Hình: internet)

 

Đây là một vùng sơn thủy hữu tình, có tổng diện tích 275.009.6m2, khu vực bảo vệ I là: 53.808.5m2, khu vực bảo vệ II: 221.201.1m2, được chia thành 5 đơn nguyên kiến trúc chính, bao gồm: chùa Tứ Ân, am Tam Đức, chùa Cao, vườn Tháp và Ao Miếu.

 

 

Kiến trúc của chùa gồm gần một trăm gian liên hoàn được xây dựng bằng các vật liệu truyền thống. (Hình: VOV)

 

Chùa Tứ Ân

 

 

Tứ Ân là một trong những hạng mục chính của khu di tích chùa Bổ Đà. Chùa được xây dựng vào thời vua Lê Dụ Tông (thế kỷ 18) và được trùng tu tôn tạo vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX-XX) và những năm gần đây. (Hình: internet)

 

Chùa cũng được gọi là chùa Bổ, Bổ Đà, gồm 16 kiến trúc, 92 gian liên hoàn với các tòa ngang dãy dọc, bao gồm: Tam bảo, 2 dãy Hành lang, Tiền tế, Nhà tổ, Gác kinh, Gảng đường, nhà Trụ trì, nhà Hành pháp, nhà Tạo soạn, nhà khách, nhà Ni, nhà Ga... và các công trình phụ trợ. Phần lớn các lớp cổng được xây dựng từ thời Nguyễn thế kỷ XIX-XX, kiến trúc dạng nghi môn cuốn mái vòm. Đường vào chùa từ cổng thứ nhất đến cổng thứ hai được lát những khối đá muối có kích thước khác nhau. Bao bọc xung quanh chùa là hệ thống trình tường đất dài gần 400m,cao từ 2 đến 3m, có đoạn cao đến 5m, chân tường dày 0,8m, đỉnh tường dày 0,4m. Đặc biệt, tường đất được làm bằng loại đất sỏi son ở núi Bổ Đà, trên đỉnh tường có mũ tường được che bằng các mảnh gốm, chum vại Thổ Hà. Trải thời gian, tường đất đã ngả màu, rêu phong phủ bám tạo nên một nét cổ kính, độc đáo không nơi đâu có được. Với lối kiến trúc đặc biệt, chùa có đến 8 cổng ra vào nối các công trình với nhau.

 

Am Tam Đức

 

 

(Hình: VOV)

 

Được xây dựng trên lưng chừng núi Phượng Hoàng, phía sau chùa Tứ Ân, kiến trúc kiểu chữ Nhất gồm 5 gian, 3 gian giữa xây kiểu chồng diêm 2 tầng mái. Hai gian bên xây bình đầu bít đốc với hai mặt mái lợp ngói mũi. Hệ thống cửa kiểu thượng song hạ bản và bức bàn. Liên kết khung vì mái gồm 4 hàng chân cột, mỗi hàng 6 cột. Các vì nóc được gắn kết theo kiểu chồng rường, giá chiêng ở 4 vì gian giữa, kiểu con chồng, đấu kê, vì nách kiểu kẻ ngồi ở 2 vì gian bên. Giá trị kiến trúc nổi bật của am Tam Đức là dạng kiến trúc mái kiểu chồng diêm tạo cho mặt mái thêm mềm mại. Bên trong am có một nhang án, trên đặt tượng Sư tổ Phạm Kim Hưng.

 

Chùa Cao

 

 

(Hình: VOV)

 

Tọa lạc phía sau am Tam Đức, kiến trúc kiểu hình chữ Nhất dọc, cuốn mái vòm. Tường mái phía trước tạo kiểu tay ngai, cho thấy rõ nét kiến trúc của thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Bên ngoài là nơi hành lễ, hai bên áp sườn tường đặt ban thờ, bên trái đề chữ “Sơn trấn tĩnh”, bên phải đề chữ “Nhạc giáng Thần”. Gian trong cùng xây bệ thờ trên đặt tượng Quán Thế Âm Bồ Tát. Về lịch sử khởi dựng, chùa Cao là công trình kiến trúc cổ nhất trong tất cả các hạng mục công trình kiến trúc chùa Bổ Đà, đây là điểm phát tích và ghi nhiều dấu ấn về lịch sử hình thành chùa Bổ Đà.

 

Vườn Tháp

 

 

(Hình: internet)

 

Chùa Bổ Đà hiện còn 110 ngôi tháp, mộ lớn nhỏ nằm trên khu đất có diện tích gần 8000m2, trong đó có nhiều ngọn tháp được xây dựng từ thời Lê (thế kỷ XVII - XVIII). Hệ thống tháp mộ được chia thành 2 khu vực: phía trên là tháp Sư Tăng, phía dưới là tháp Sư Ni và khu vực thấp hơn dành để xây mộ cho những người chấp tác trong chùa. Với 110 toà tháp có đến 97 tháp, mộ có xá lị, tro, cốt nhục thân của 1214 nhà sư tu hành đắc đạo của dòng thiền Lâm Tế khắp nơi trên cả nước. Đây là vườn tháp có số lượng lớn nhất trong các ngôi chùa ở nước ta.

 

Ao Miếu

Còn gọi là Đền Hạ, thờ Thạch Linh Thần Tướng. Kiến trúc hình chữ Nhất, gồm 1 gian 2 chái, kiến trúc mái theo kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái đao cong. Hệ thống vì nóc được gắn kết theo kiểu thức thượng con chồng trụ giá chiêng, vì nách kết cấu kiểu con chồng đấu kê. Các cấu kiện chịu lực làm bằng gỗ tứ thiết (đinh, lim, sến, táu). Phía sau đền là ao Thạch Long và ngôi miếu nhỏ - tương truyền là nơi lưu lại dấu tích của Mẹ Đá khi sinh ra Thạch Linh Thần Tướng. Miếu có kiến trúc hình chữ Đinh gồm 3 gian Tiền tế và 1 gian Hậu cung xây bình đầu bít đốc. Kết cấu chịu lực gồm 4 vì mái liên kết kiểu cốn mê và giá chiêng... Bên phải là khu nhà Mẫu - nơi thờ Cha Mẹ của Thạch Tướng Quân.

 

 

Điểm đặc biệt ở đây là nhiều bức tường được xây bằng tiểu sành, tạo vẻ rất trầm mặc, gần gũi với vùng thôn quê ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. (Hình: internet)

 

Chùa Bổ Đà hiện còn bảo lưu được nhiều di vật, cổ vật gắn liền với lịch sử của di tích, trong đó, tiêu biểu nhất là kho mộc bản với 1.935 mộc bản kinh Phật, hệ thống tượng thờ bằng gỗ (hơn 40 pho) có niên đại thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII - XVIII) và thời Nguyễn (thế kỷ XIX - XX)… Khối tài liệu này có giá trị trên nhiều mặt khẳng định lịch sử của cổ tự Bổ Đà trong từng giai đoạn phát triển của lịch sử dân tộc. Chùa Bổ Đà còn có Vườn Tháp cổ lớn nhất và có tính kế thừa lâu nhất trong các ngôi cổ tự ở Việt Nam.

 

 

Bộ mộc bản kinh phật của Chùa Bổ Đà (Hình: VOV)

 

Năm 2016, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Chùa Bổ Đà được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.

Ngày 7/5/2016Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác nhận kỷ lục Bộ Mộc bản Kinh phật tại chùa Bổ Đà của Thiền phái Lâm Tế khắc trên gỗ thị cổ nhất Việt Nam. Tiếp đến, ngày 30/4/2017, tại thành phố San Diego, Hoa Kỳ; Liên minh Kỷ lục thế giới (Worldkings) đã xác nhận kỷ lục Bộ mộc bản kinh phật của Chùa Bổ Đà là Bộ mộc bản kinh phật khắc trên gỗ thị của thiền phái Lâm Tế cổ nhất thế giới. 

 

 

(Hình: Tổ chức Kỷ lục Việt Nam)

 

 

 


Quyên Nguyễn- Wowtimes (Tổng hợp)