Dưới triều Nguyễn (1802 - 1945), ở Huế có rất nhiều phủ đệ của các ông hoàng bà chúa. Phủ là nơi ăn ở của một hoàng tử và đệ là nơi ăn ở của một công chúa sau khi họ được dựng vợ gả chồng. Phủ đệ thường được xây dựng theo nguyên tắc kiến trúc truyền thống, giống như các khu nhà vườn khác trong dân gian. Nổi bậc trong số các phủ đệ đó là phủ Tuy Lý Vương.
Cổng tam quan được dựng theo kiến trúc Huế, được chạm khắc tinh xảo, biểu tượng cho sự vương quyền. (Ảnh: internet)
Phủ Tuy Lý Vương tọa lạc ở số 140 đường Nguyễn Sinh Cung, thành phố Huế, cách Đại nội khoảng 3 km. Tên chính thức của phủ là “Tuy Lý Vương Từ”, được ghi trên một bức hoành phi sơn son thếp vàng treo ở ngôi nhà chính bên trong khuôn viên phủ. Bốn chữ ấy có nghĩa là nơi thờ Tuy Lý Vương.
Nơi lưu giữ dấu tích "ông hoàng thi ca" Tuy Lý Vương (Ảnh: internet)
“Ông hoàng thơ” Tuy Lý Vương vang bóng một thời
Tuy Lý Vương sinh năm 1820, tên thật là Nguyễn Phúc Miên Trinh. Ông là con thứ 11 của vua Minh Mạng (1820 – 1840), có tên chữ là Khôn Chương và Quý Trọng, hiệu là Vỹ Dạ và Tịnh Phố. Tuy Lý Vương là tước được vua ban về sau. Năm 13 tuổi, ông đã nổi tiếng giỏi về thơ, cho nên người đương thời gọi ông là “Ông hoàng thơ”.
Thuở nhỏ ông nổi tiếng thông minh, học giỏi, lớn lên học vấn uyên thâm, tinh thông nghề thuốc. Ông từng làm quan to dưới triều Thành Thái, nhưng ông rất mê sáng tác thơ văn và để lại cho người đời sau nhiều tác phẩm văn học lớn: Vĩ Dạ hợp tập, Vĩ Dạ văn tập, Vĩ Dạ thi tập, Nam cầm khúc… Tài năng văn học của ông không chỉ được nhắc đến trong văn đàn Việt Nam, mà còn được lưu truyền rộng rãi ra bên ngoài.
Chân dung Tuy Lý Vương. (Ảnh: internet)
Tinh hoa kiến trúc Phủ Tuy Lý Vương
Phủ Tuy Lý là một trong những phủ thờ đẹp nhất còn sót lại nguyên vẹn ở Huế. Khuôn viên của phủ Tuy Lý rộng 4 sào 6 thước 3 tấc, tức là hơn 2000m2. Cổng tam quan được dựng theo kiến trúc Huế, được chạm khắc tinh xảo, biểu tượng cho sự vương quyền. Bước vào khuôn viên của phủ, công trình đầu tiên bắt gặp là bức bình phong được đắp hình long mã bằng các mảnh sành, sứ rất công phu.
Bức bình phong được đắp hình long mã bằng các mảnh sành, sứ công phu. (Ảnh: internet)
Bên trong vương phủ có 2 gian thờ chính. Phía trước là gian thờ của Tiệp dư Lê Thị Ái, sinh mẫu của đức Tuy Lý Vương. Công trình này được xây dựng vào thời điểm đức Tuy Lý Vương còn sống. Gian thờ được xây dựng theo phong cách nhà rường truyền thống của Huế, bao gồm 3 gian 2 chái. Hệ thống cột, xà đều được làm từ gỗ quý như đinh, lim, hương. Nội thất bên bao gồm gian thờ phật ở phía trước, kế tiếp là ban thờ bà Tiệp dư. Nhà này có treo tấm hoành phi đề dòng chữ Hán Tiền triều Lê tiệp dư từ với một ban thờ Phật phía trước, kế tiếp là ban thờ bà Tiệp dư.
Gian thờ sinh mẫu của đức Tuy Lý Vương được xây dựng theo phong cách nhà rường truyền thống của Huế, bao gồm 3 gian 2 chái. Hệ thống cột, xà đều được làm từ gỗ quý như đinh, lim, hương. (Ảnh: internet)
Phủ thờ Tuy Lý Vương được con cháu xây dựng sau khi ông mất. Đây là ngôi nhà rường ba gian hai chái được làm theo kiểu nhà kép, gồm hai bộ mái được nối lại với nhau bằng trần thừa lưu. Trên nóc, trước cửa và xung quanh phủ thờ được đắp tứ linh, long, lân, quy, phụng bằng nghệ thuật sành sứ khảm cẩn. Bên trong phủ thờ có bức hoành phi Tuy Lý Vương từ được sơn son thếp vàng, cùng bàn thờ và khám thờ Tuy Lý Vương. Ở xung quanh có ảnh của Tuy Lý Vương, cùng các bài thơ được ông sáng tác.
Phủ thờ Tuy Lý Vương, được con cháu xây dựng sau khi ông mất. (Ảnh: internet)
Theo ông Nguyễn Phúc Vĩnh Phú, cháu 4 đời của Tuy Lý Vương, sinh thời, đức Tuy Lý Vương là người sống cần kiệm, không khoa trương nên gian thờ thân mẫu phía trước được đích thân ông xây dựng tương đối đơn giản. Trong khi đó, phủ thờ phía sau được thế hệ con cháu xây dựng hiện đại và độc đáo hơn.
Bên trong phủ thờ có ảnh của Tuy Lý Vương, cùng các bài thơ được ông sáng tác. (Ảnh: internet)
Đặc biệt, bên trong vương phủ vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị liên quan tới Tuy Lý Vương, nổi bật nhất là hơn 150 mộc bản khắc in những tác phẩm văn thơ của ông. Với nhiều tác phẩm văn thơ có giá trị nên Tuy Lý Vương được mệnh danh là một “ông hoàng thi ca” của triều Nguyễn.
Mộc bản khắc in những tác phẩm văn thơ của Tuy Lý Vương. (Ảnh: internet)
Phủ Tuy Lý Vương là một công trình kiến trúc mang những giá trị cao về lịch sử, văn hóa và văn học nghệ thuật. Nơi đây đã được công nhận là di tích quốc gia vào năm 1991. Tuy Lý Vương phủ - ngôi vườn “nên thơ” của vị vương gia, một cõi không gian thanh thoát lạ thường, phảng phất trầm hương u tịch. Phôi pha vàng son lộng lẫy, tuy nhiên vẫn toát lên sự uy nghiêm, trầm mặc.