Tháp Hòa Lai (hay còn được gọi là Ba Tháp) tọa lạc trên cung đường Quốc lộ 1A thuộc thôn Ba Tháp, xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Ngọn tháp này là một trong những công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo của vương quốc Chăm Pa vùng Panduranga xưa và cũng chính là di tích lâu đời nhất còn tương đối nguyên vẹn trên dải đất miền Trung. Di tích kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Tháp Hòa Lai, được xây dựng vào khoảng thế kỷ VIII- IX.
Tháp Hòa Lai nằm ngay trên cung đường Quốc lộ 1A. (Ảnh: internet)
Tháp được xây dựng theo phong cách thuần Hòa Lai – phong cách kiến trúc ChamPa cổ. Điểm nổi bật của những đền tháp này đó chính là vòm cửa có mũi tròn, trụ hình bát giác kèm theo đó là những họa tiết trang trí hình lá uốn cong.
Hiện nay, cụm đền tháp này chỉ còn lại hai công trình vẫn nguyên vẹn là tháp Nam và tháp Bắc. (Ảnh: internet)
Ngôi tháp vốn là một tổng thể kiến trúc bao gồm Tháp Bắc, Tháp Giữa và Tháp Nam. Hiện nay, ngọn tháp trung tâm chỉ còn lại phần nền do bị phá vỡ nghiêm trọng vào thế kỉ XIX. Nơi đây được biết đến là khu di tích cổ có khá nhiều công trình phụ bao quanh tháp nhưng theo thời gian chỉ còn một ít vết tích lưu lại như tường thành, lò gạch…
Vẻ đẹp tráng lệ và lộng lẫy của Tháp Hoà Lai khi nhìn từ trên cao. Ảnh: internet)
Nét đặc sắc của cụm Tháp Hòa Lai chính là phong cách trang trí hết sức tinh xảo với những đường nét hoa văn bên ngoài mặt tháp chỉ giới hạn ở vòm cửa, các trụ ốp và bộ diềm mái. Mỗi công trình tháp mang trong mình một nét đẹp riêng nhưng lại được xây dựng vô cùng hòa hợp với nhau.
Biểu tượng chim thần Garuda trang trí trên tháp Hòa Lai. (Ảnh: internet)
Những vòm cửa to, bao trùm lên cửa ra vào và các cửa giả. Đặc biệt là ở phần vành cửa vòm cửa, được phủ kín bằng các hoa văn cuộn tròn, những hoa văn đó như đang vọt ra từ miệng của một con quái vật mang tên KaLa (biển hiện của thần Siva). Khoảng tường giữa những trụ ốp cũng được chạm khắc hình hoa lá, những tràng hoa chạy dài bao quanh thân tháp và còn có những vị thần khác bao quanh như đang bảo vệ tháp. Tháp Hòa Lai quả thật là một trong những công trình kiến trúc nghệ thuật tuyệt vời.
Tháp Bắc được xây bằng gạch, trên tường chạm trổ hoa văn hình mặt chim, thú, lá, hoa… rất ấn tượng. Ở hướng Đông của tháp Bắc chỉ có duy nhất một cửa vào, ba hướng còn lại đều là cửa giả. Bên trong tháp có sẵn các ô hình tam giác để gắn đèn lên mỗi khi cúng tế. (Ảnh: internet)
Tháp Nam là ngọn cao nhất, cũng được xây bằng gạch và chạm khắc hoa văn trên tường nhưng chưa hoàn thiện. Toàn bộ thân tháp trông như một khối lập phương đồ sộ nhô lên từ một bệ vuông và nâng đỡ cả một hệ thống các tầng nhỏ hơn. Trải qua hơn 1000 năm cùng biết bao thăng trầm lịch sử, vẻ đẹp của Tháp Hoà Lai vẫn trường tồn theo năm tháng và giữ nguyên những giá trị nghệ thuật đặc sắc trong lối kiến trúc và điêu khắc của người Chăm xưa. (Ảnh: internet)
Năm 1986, sau khi khảo sát thì Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận đã phát hiện một linga bằng đá (sa thạch) tại khu vực tháp. Và đây là một phát hiện quý báu có giá trị về mặt văn hoá – lịch sử, cũng chính phát hiện này mà chúng ta còn biết thêm được về sự thịnh vượng và phát triển của vương quốc Panduranga. Năm 1997, cụm tháp Hòa Lai được Bộ Văn hoá – Thông tin công nhận là di tích lịch sử quốc gia.
Sau hơn 10 thế kỷ tồn tại, cụm đền tháp này vẫn lưu giữ nguyên vẹn những nét kiến trúc, nghệ thuật độc đáo mang đậm bản sắc văn hoá, tín ngưỡng thiêng liêng của người Chăm xưa. (Ảnh: internet)