[WOWTIMES- Top 100 Công trình trên 100 tuổi] (P.73) Phủ Chủ tịch – 116 năm biểu tượng cường quyền tại Thủ đô (1906 - 2022)

08-10-2022

[VIETKINGS – NIÊN LỊCH &THÀNH TỰU (WOWTIMES] Trong thời kỳ thực dân Pháp cai trị Đông Dương, để phô diễn quyền lực, chính phủ Pháp đã xây dựng 3 dinh toàn quyền ở Hà Nội, Sài Gòn và Đà Lạt. Vì khi ấy chính quyền thực dân coi Hà Nội là Thủ đô của Liên bang Đông Dương (1902-1945) nên dinh toàn quyền Đông Dương tại Hà Nội lớn nhất và cũng sang trọng nhất.

Lịch sử tòa nhà Phủ Chủ tịch (Phủ Toàn quyền Đông Dương)

Công trình Phủ Toàn quyền Đông Dương tại Hà Nội do kiến trúc sư Charles Lichtenfelder thiết kế và được xây dựng trong những năm 1901-1906.

Từ khi hoàn thành đến sau tháng 8/1945, toà nhà này đã có 29 đời Toàn quyền và Quyền Toàn quyền đến làm việc và sinh sống tại đây. Khi Nhật đảo chính Pháp, dinh thự này được sử dụng là nơi ở và làm việc của Công sứ Nhật tại Bắc Bộ.

Sau khi tái chiếm Đông Dương, người Pháp đã sử dụng nơi đây làm nơi làm việc cho Ủy viên Cộng hòa tại Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ.

Sau 1954, nơi đây được dùng làm công thự cho Chủ tịch nước, từ đó có tên gọi là Phủ Chủ tịch.

             

Phủ Toàn quyền Đông Dương xưa. (Ảnh: internet)

 

Công trình tọa lạc trên khu đất rất rộng và nhiều cây xanh trước đó thuộc vườn Bách Thảo, án ngữ tuyến phố La République (phố Hoàng Văn Thụ ngày nay) và nhìn ra quảng trường Puginier (nay là quảng trường Ba Đình) nơi được coi là hạt nhân bố cục trung tâm hành chính của Hà Nội thời gian sau đó. Khuôn viên bên trong được ngăn cách bên ngoài một rào cây xanh và hào nước qua bám sát một lan can trụ thấp, cổng chính được làm bằng thép có phong cách trang trí thời Phục Hưng, các chi tiết được liên kết khá cầu kỳ bằng đinh tán, vọng gác hai bên được xây dựng cũng khá cầu kỳ, các diện tường chạy gờ chỉ ngang bên dưới các Fronton càng làm tăng vẻ tráng lệ mà nghiêm trang của công trình mang tính cường quyền này.

 

Công trình nghệ thuật này được sơn một màu vàng tươi sáng. (Ảnh: internet)

 

Công trình gồm 4 tầng: Dưới cùng là tầng hầm dành cho các phòng phục vụ, tầng trệt có 10 phòng chính (1 phòng khánh tiết của hội đồng cấp cao Đông Dương diện tích rất lớn, xung quang là các phòng của sĩ quan tùy tùng,  phòng làm việc và phòng của nhân viên phục vụ), tầng 2 có sân trời gồm 9 phòng chính (1 làm việc của Toàn quyền Đông Dương, phòng họp, 2 phòng khách, 2 phòng ngủ, 1 phòng ăn cùng các phòng làm việc), tầng 3 là nơi sinh hoạt của gia đình viên Toàn quyền. Vật liệu xây dựng công trình đều là những loại đặc biệt như gỗ thông nhập từ Bắc Mỹ, Na Uy, xi măng Portland, thép, gang, tôn, kính, sơn đều đặt mua mang từ Pháp, chỉ có cát, đá, sỏi và vôi là lấy sẵn ở địa phương. Các chi tiết xây dựng đều được thực hiện khá tỉ mỉ và cẩn thận.

 

(Ảnh: internet)

 

Mặt bằng công trình hình gần vuông theo kiểu Palladio thời Phục hưng hậu kỳ có lối vào từ 3 phía mang tính đối xứng nghiêm ngặt, đây cũng là nét độc đáo của toà nhà vì ở Hà Nội chỉ có duy nhất Dinh Toàn quyền là có dạng mặt bằng này. Phía trước sảnh chính là một cầu thang đại hội lớn xây bằng đá rất rộng, có nhiều bậc và được kéo thẳng lên tầng một càng làm tăng tính kỳ vĩ của công trình. Cầu thang ở những phía còn lại có bản thang nhỏ gọn hơn nhưng cũng được trang hoàng bằng các hình thức đậm chất Cổ điển.

 

Biểu tượng cường quyền tại Thủ đô uy nghi, tráng lệ

 

Bên cạnh việc tuân thủ các quy tắc tổ chức không gian mặt đứng thời Phục hưng hậu kỳ, các chi tiết trang trí trên mặt đứng cho thấy công trình còn mang ảnh hưởng của phong cách Baroque với những đường cong uốn lượn, các Fronton xếp chồng lên nhau cùng các cửa mắt bò (oeil de boeuf). Chính sự pha trộn này cũng làm tăng thêm nét duyên dáng của công trình.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc tại Phủ Chủ tịch. (Ảnh: internet)

 

Với tư cách trụ sở cơ quan quyền lực cao nhất toàn xứ Đông Dương, với tính chất một công trình long trọng, nguy nga, được xử lý nhuần nhuyễn theo nguyên tắc kiến trúc Phục hưng hậu kỳ, Dinh Toàn quyền Đông Dương chính là đại diện lớn nhất cho thể loại nhà hành chính theo phong cách Tân cổ điển ở Hà Nội. 

 

 

 

 


Quyên Nguyễn- Wowtimes (Tổng hợp)