10 quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới

21-03-2012

Những quỹ đầu tư quốc gia càng “bí hiểm” thì lại càng có quy mô lớn. Trên thực tế, 7 quỹ đầu tư ít minh bạch nhất đang chiếm gần 50% tổng tài sản của các quỹ trên toàn cầu.

Quỹ đầu tư quốc gia hay quỹ đầu tư chính phủ - khái niệm dịch từ cụm từ Sovereign Wealth Funds (SWF) - là một quỹ đầu tư nhà nước với những tài sản có giá trị như cổ phiếu, trái phiếu, tài sản, kim loại quý… Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính, hoạt động của các quỹ đầu tư này bắt đầu bị dòm ngó. Lợi dụng những khó khăn tài chính của các công ty trong thời kì khủng hoảng, các SWF gia tăng việc mua lại tài sản nước ngoài. Điều này khiến cho nhiều người lo ngại chính phủ sẽ dựa vào các quỹ đầu tư quốc gia như cánh tay đắc lực để thâm nhập nền kinh tế nước ngoài. Trong khi một số lại không ngần ngại gọi những quỹ đầu tư này là "vị cứu tinh”.

Những lo ngại liên quan đến SWF bao gồm 2 vấn đề chính. Thứ nhất, tài sản của các quỹ đầu tư rất lớn, và khi một lượng tài sản lớn nằm trong tay bất kỳ ai thì đều đáng lo ngại, dù đó là cá nhân, ngân hàng hay chính phủ. Thứ hai, SWF là công cụ đầu tư của một chính phủ, trong khi mối quan tâm của bất kỳ chính phủ nào cũng không chỉ nằm ở lợi nhuận mà còn ẩn chứa rất nhiều quyền lợi chiến lược khác.

Chính điều này đã dẫn tới sự ra đời của chỉ số minh bạch Linaburg-Maduell, nhằm đánh giá tính minh bạch của từng quỹ đầu tư quốc gia. Chỉ số này được đánh giá dựa trên 10 nguyên tắc cần thiết dựa theo những tiết lộ của các quỹ về lịch sử, chiến lược đầu tư, lợi nhuận thu vào và những chuẩn mực về đạo đức mà trong đó, việc công bố phương thức đầu tư là yêu cầu bắt buộc. 10 là số điểm cao nhất dành cho những quỹ đầu tư "hoàn toàn minh bạch”.

Dưới đây là danh sách 10 quỹ đầu tư lớn nhất thế giới hiện nay:

1. Quỹ đầu tư quốc gia Abu Dhabi (ADIA)

Đứng đầu bảng xếp hạng là quỹ đầu tư quốc gia Abu Dhabi, thuộc Các tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất, được thành lập năm 1976 với tổng tài sản lên tới 672 tỉ USD. Lợi nhuận của quỹ này chủ yếu đến từ ngành công nghiệp dầu mỏ của đất nước. Tuy nhiên, quỹ đầu tư của gia đình hoàng gia Abu Dhabi không được đánh giá cao về tính minh bạch, khi chỉ giành được 5 trong tổng số 10 điểm về chỉ số minh bạch Linaburg - Maduell.

2. Quỹ đầu tư an toàn Trung Quốc (SIC)

Quỹ đầu tư an toàn được thành lập vào năm 1997 là một trong những chi nhánh của cục quản lý ngoại hối Nhà nước Trung Quốc. Quỹ này tự hào với ước tính tài sản lên tới 576,9 tỉ USD, được hỗ trợ bởi dự trữ ngoại hối của Trung Quốc và đầu tư mạnh vào cổ phần của Vương quốc Anh. 4/10 là số điểm của SIC về chỉ số minh bạch.

3. Quỹ đầu tư lương hưu chính phủ toàn cầu

Quỹ đầu tư quốc gia của Na Uy này được thành lập vào năm 2006 và có tổng tài sản vào khoảng 560 tỉ USD với lợi nhuận thu về từ nguồn dầu mỏ của quốc gia. Quỹ này giành được điểm 10 trọn vẹn cho chỉ số minh bạch Linaburg - Maduell.

4. Quỹ tiền tệ Saudi Arabia (SAMA)

Quỹ đầu tư thuộc sự kiểm soát của cơ quan tiền tệ Ả-rập, có tổng tài sản khoảng 472,5 tỉ USD và được 4/10 điểm chỉ số minh bạch.

5. Quỹ đầu tư cổ phần Trung Quốc (CIC)

CIC được thành lập năm 2007 và có tài sản vào khoảng 409,6 tỉ USD, được thu về từ việc đầu tư dài hạn vào nhiều lĩnh vực. Quỹ này giành được 8,68% cổ phần trong công ty Thames Water của Anh trong tháng một vừa qua, được 7/10 điểm chỉ số minh bạch.

6. Quỹ đầu tư quốc gia Kuwait (KIA)

Quỹ được thành lập vào năm 1953 để khai thác những lợi ích từ nguồn cung cấp dầu mỏ, với tài sản là 296 tỉ USD và giành được 6/10 điểm về chỉ số minh bạch.

7. Quỹ đầu tư Hong Kong

Quỹ này có 293,3 tỉ USD tài sản và 8/10 là số điểm về chỉ số minh bạch.

8. Quỹ đầu tư chính phủ Singapore (GSIC)

Quỹ đầu tư này có 247,5 tỉ USD tài sản và hoạt động nhằm tăng dự trữ ngoại hối của đất nước. Quỹ được thành lập vào năm 1981 và đã có 20 năm kinh nghiệm đầu tư dài hạn. 6/10 là điểm về chỉ số minh bạch dành cho quỹ này.

9. Liên hợp tài chính Temasek (Singapore)

Công ty đầu tư của Singapore có 175,2 tỉ USD tài sản, được thành lập vào năm 1974 để kiểm soát tài sản trước đây của chính phủ và nhận được trọn vẹn 10 điểm về chỉ số minh bạch.

10. Quỹ dự trữ Nga

Quỹ đầu tư quốc gia này có tài sản 149,7 tỉ USD, được thành lập vào năm 2008, gồm 2 phần: quỹ dự trữ viện trợ với chi phí ngân sách liên bang và quỹ phúc lợi quốc gia về tiền lương hưu của đất nước. Được quản lý bởi Bộ Tài Chính Liên bang Nga và giành được 5/10 điểm về tính minh bạch.


Theo Infonet.vn