- Eleanor xứ Aquitaine – 1122? ~ 1204
Eleanor xứ Aquitaine là một trong những phụ nữ quyền lực và giàu có nhất Tây Âu trong giai đoạn Trung kỳ Trung cổ, là thành viên của nhà Ramnulfid (thống trị vùng Tây Nam nước Pháp). Bà trở thành Nữ công tước xứ Aquitaine (Duchess of Aquitaine) khi còn rất trẻ, nắm vị trí cai trị xứ Aquitaine một cách độc lập. Sau đó, bà trở thành Vương hậu nước Pháp (1137–1152) và Vương hậu nước Anh (1154–1189). Bà là người bảo trợ cho các nhà văn như Wace, Benoît de Sainte-Maure, và Bernart de Ventadorn.
Sự kế thừa xứ Aquitaine của Eleanor khiến bà trở thành cô dâu danh giá nhất châu Âu. Sau 3 tháng trở thành Nữ công tước, bà đã cưới Louis VII Pháp, con trai Louis VI của Pháp, người bảo hộ xứ của bà. Khi là Vương hậu của Pháp, chồng bà đã tham gia vào cuộc Thập tự chinh thứ 2. Một thời gian sau đó bà đã tìm cách hủy bỏ cuộc hôn nhân này, nhưng đã bị Giáo hoàng Eugene III bác bỏ. Tuy nhiên, sau khi Alix, đứa con gái thứ 2 ra đời, Louis đã đồng ý ly hôn vì họ không có 1 đứa con trai sau 15 năm lấy nhau. Họ chính thức ly hôn ngày 11 tháng 3 năm 1152, những người con gái của họ vẫn được coi là chính thống và quyền nuôi dưỡng thuộc về Louis, trong khi đất đai của Eleanor được phục hồi lại cho bà.
9.Hatshepsut – 1508 BC? ~ 1458 BC
Hatshepsut (hoặc Hatchepsut, phát âm /hætˈʃɛpsʊt/), con gái của pharaon Thutmosis I cũng như vợ và em gái của pharaon Thutmosis II, trị vì Ai Cập trong khoảng 1479-1458 TCN thuộc Vương triều thứ 18 sau khi Thutmosis II mất. Hatshepsut được đánh giá là một trong những nữ vương quyền lực nhất trong lịch sử thế giới cổ đại. Bà trị vì trong 21 năm, lâu hơn bất cứ vị nữ pharaon trong lịch sử và để lại một loạt những công trình và tác phẩm điêu khắc ấn tượng, trong đó có lăng mộ Djeser-Djeseru của bà, một kiệt tác về kiến trúc. Bà đã lên ngôi năm 1479 TCN làm nhiếp chính cho cậu con trai nhỏ của Thutmosis II và thứ phi Iset là Thutmosis III (10 tuổi) lên ngôi và Hatshepsut đã đồng cai trị với ông. Sau khi Hatshepsut mất, Thutmosis III đã đập phá lăng mộ của Hatshepsut nhằm mục đích xoá bỏ hình ảnh Hatshepsut trong tâm trí người Ai Cập. Xác ướp của bà đã được nhà Ai Cập học Zahi Hawass tìm thấy vào tháng 6 năm 2007.
8. Maria Theresia của Áo – 1717 ~ 1780
Maria Theresa Walburga Amalia Christina là một thành viên và cũng là Nữ quân chủ duy nhất của Nhà Habsburg, một vương tộc lớn ở Châu Âu, liên tiếp nhiều năm giữ tước vị Hoàng đế Thánh chế La Mã. Từ một Nữ đại công tước nước Áo (Archduchess of Austria), bà trở thành người trị vì của nước Áo, Hungary, Croatia, Bohemia, Mantova, Milan, Hợp quốc Lodomeria – Galicia, Austrian Netherlands và Parma. Qua cuộc hôn nhân với Franz I của Đế quốc La Mã Thần thánh, bà trở thành Nữ công tước Lorraine, Nữ đại công tước Tuscany và Hoàng hậu Thánh chế La Mã.
7. Empress Theodora – 500 AD? ~ 548 AD
Theodora (tiếng Hy Lạp:. Θεοδώρα), là nữ hoàng của đế chế Byzantine và vợ của Hoàng đế Justinian I. Bà là một trong những người có sức ảnh hưởng lớn nhất đế chế Byzantine. Theo một số nguồn tin đề cập đến thì bà còn đồng nhiếp chính với chồng của mình là hoàng Justinian I. Cùng với chồng của mình, bà cũng là một vị thánh trong Giáo Hội Chính Thống Đông.
6. Võ Tắc Thiên – 625 AD ~ 705 AD
Võ Tắc Thiên (chữ Hán: 武則天, 17 tháng 2, 624 – 16 tháng 2, 705), hay thường gọi Võ Hậu (武后) hoặc Thiên Hậu (天后), là phi tần của Đường Thái Tông Lý Thế Dân, sau trở thành Hoàng hậu thứ 2 của Đường Cao Tông Lý Trị và đồng thời là Hoàng đế duy nhất của triều đại Võ Chu (690 – 705), trở thành Nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Xuất thân trong một gia đình quý tộc cấp thấp, ngay từ khi mới 13 tuổi, bà tiến cung trở thành phi tử dưới triều Đường Thái Tông. Sau cái chết của Thái Tông hoàng đế, bà bị ép phải xuất gia tại chùa Cảm Nghiệp. Về sau, bà được vị Tân đế là Đường Cao Tông nảy sinh tình ý và cho rước về cung, phong lên địa vị Chiêu nghi. Sau khi trở về cung, bà hãm hại Vương Hoàng hậu và Tiêu thục phi khiến họ bị phế truất. Ngay sau đó, bà được sắc phong ngôi Hoàng hậu, cùng Cao Tông quản lý chính sự triều đình, sử xưng là Nhị Thánh (二圣). Việc này trái với điển lệ Nho giáo.
Không bao lâu sau khi Cao Tông hoàng đế qua đời (683), bà phế truất người kế vị là Đường Trung Tông, đưa Đường Duệ Tông lên ngôi, nắm hết mọi quyền hành, tiêu diệt phe đảng các đại thần chống đối như Bùi Viêm, Từ Kính Nghiệp, Việt vương Lý Trinh. Năm 690, Võ Thái hậu đoạt ngôi nhà Đường, xưng làm Võ Chu Hoàng Đế (武周皇帝), sáng lập triều đại riêng xen giữa triều Đường, sử sách gọi là triều đại Võ Chu (武周).
Trong 15 năm cai trị, Võ Tắc Thiên mở mang lãnh thổ Trung Quốc, vươn sang Trung Á, hoàn thành cuộc chinh phục bán đảo Triều Tiên. Nội địa khuyến khích phát triển Phật giáo, tập trung phát triển kinh thế – xã hội, duy trì sự ổn định trong nước. Tuy nhiên, do tư tưởng nam tôn nữ ti đã ăn sâu trong lòng xã hội phong kiến, lại thêm tính cách độc ác, hà khắc trong việc cai trị khiến đông đảo cựu thần nhà Đường không phục. Bà dùng bọn khốc lại thần là Chu Hưng, Lai Tuấn Thần khiến quan lại, dân thường nhiều người bị chết oan, sủng ái anh em nam sủng họ Trương, dâm loạn cung trung. Năm 705, tể tướng Trương Giản Chi cùng các đại thần phát động binh biến, giam lỏng bà và đưa Đường Trung Tông lên ngôi lần thứ hai. Bà trở thành Thái thượng hoàng cho đến khi qua đời.
5.Isabella I của Castilla – 1451 ~ 1504
Isabella I (tiếng Anh: Isabella I of Castile) là Nữ vương của Castilla và León. Cùng với chồng, Fernando II của Aragon, bà đã có công trong việc mang lại sự ổn định cho các vương quốc này, làm cơ sở cho việc thống nhất Tây Ban Nha bởi người cháu nội của họ, Karl V của đế quốc La Mã Thần thánh.
Sau khi giành được quyền kế vị, bà đã cải tổ lại bộ máy hành chính của Castile, đem tỉ lệ tệ nan xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Bà cũng cố gắng xoay trở xóa đi số nợ quốc gia khổng lồ mà người anh của bà, Henry IV của Castilla, đã để lại khi qua đời. Sự cải cách của bà cùng chồng mình, Fernado II xứ Aragon, đã giúp sự liên minh giữa Castile và Aragon thêm lớn mạnh, mở rộng thêm tầm ảnh hưởng ra bên ngoài.
Bà cùng chồng mình được biết đến nhiều vì công cuộc khép tội những người Do Thái trên liên bang 2 vương quốc, buộc họ trước Tòa án dị giáo và trục xuất khỏi vùng đất này. Trong chuyến hành trình đi tìm Tân thế giới của Christopher Columbus năm 1492, sự kiện này mở đầu căn bản biến Tây Ban Nha trở thành một cường quốc có ảnh hưởng toàn cầu và đến toàn bộ Châu Âu trong suốt hơn 1 thế kỷ. Trong một số trường hợp, bà thậm chí còn có quyền lực hơn cả chồng mình.
4. Elizabeth I của Anh – 1533 ~ 1603
Nữ vương Elizabeth I của Anh là Nữ vương của nước Anh và Ireland từ ngày 17 tháng 11 năm 1558 cho đến khi qua đời. Bà được biết đến với những danh hiệu khác như Nữ vương Đồng trinh (The Virgin Queen), Gloriana, hoặc Good Queen Bess, và trở nên bất tử với tên Faerie Queene trong thiên sử thi cùng tên của Edmund Spenser. Elizabeth I là người thứ sáu, cũng là người cuối cùng, của Triều đại Tudor (những người khác thuộc dòng Tudor đã từng lên ngôi báu là ông nội Henry VII, cha Henry VIII, em trai cùng cha khác mẹ Edward VI, em gái đồng đường Jane Grey và chị cùng cha khác mẹ Mary I). Thời trị vì của Elizabeth I kéo dài 45 năm, nổi bật với hai sự kiện: Vương quốc Anh trở nên một thế lực có ảnh hưởng toàn cầu, và những tranh chấp tôn giáo luôn sục sôi trong nước.
3. Từ Hi Thái hậu – 1835 ~ 1908
Từ Hi Thái hậu (tiếng Trung: 慈禧太后), còn được gọi là Hiếu Khâm Hiển hoàng hậu (chữ Hán: 孝欽顯皇后; Mãn Châu: hiyoošungga gingguji iletu hūwangheo), một phi tần của Thanh Văn Tông Hàm Phong hoàng đế, sinh mẫu của Thanh Mục Tông Đồng Trị hoàng đế. Bà là trở thành Hoàng thái hậu (皇太后) nhiếp chính thực tế của triều đình nhà Thanh qua suốt triều đại Đồng Trị đế và Thanh Đức Tông Quang Tự đế. Theo đó, Thái hậu đã nắm đại quyền nhà Thanh trong vòng 47 năm từ năm 1861 tới tận khi qua đời năm 1908. Từ Hi Thái hậu cùng với Võ Tắc Thiên được xem là hai người phụ nữ nắm quyền lực cao nhất của đế quốc Trung Hoa trong một thời gian dài.
2. Ekaterina II của Nga – 1729 ~ 1796
Ekaterina II (Tiếng Nga: Екатерина II Великая), hay Yekaterina Alexeyevna (Екатерина Алексеевна) hoặc còn gọi là Catherine Đại đế (Catherine The Great; Yekaterina II Velikaya), là Nữ hoàng trứ danh và cũng là Nữ hoàng trị vì lâu dài nhất của Đế quốc Nga, cai trị từ 28 tháng 6 năm 1762 cho tới khi qua đời. Có thể nói bà là hiện thân của chế độ quân chủ chuyên chế Nga hoàng, tuy nhiên bà có đóng góp to lớn trong việc đưa Đế quốc Nga thực sự trở thành một cường quốc tại châu Âu vào thế kỷ 18.
Thời đại trị vì của bà được gọi là Thời đại Catherine (Catherinian Era), được xem là thời đại hoàng kim của Đế quốc Nga, đặc biệt là đối với giai cấp quý tộc Nga. Bà tích cực hỗ trợ cho ý tưởng Thời kỳ Khai sáng, tạo nên giai đoạn Chủ nghĩa khai sáng ở Nga.
1. Victoria của Anh – 1819 ~ 1901
Nữ vương Victoria của Anh (tiếng Anh: Queen Victoria), hay Alexandrina Victoria, là Nữ vương của Vương quốc Liên hiệp Anh và Ireland từ 20 tháng 7 năm 1837 và là Nữ hoàng Ấn Độ đầu tiên của Đế chế Anh từ 1 tháng 5 năm 1876 cho tới khi bà chết. Sự cai trị của bà với tư cách Nữ vương kéo dài 63 năm và 7 tháng, dài hơn sự trị vì của bất cứ vị quân chủ Anh nào trước đó. Giai đoạn với tâm điểm là thời kì trị vì của bà được biết đến với tên gọi Thời đại Victoria (Victorian era), một thời kì với những tiến bộ công nghiệp, chính trị và quân sự tại Vương quốc Anh.
Dù Victoria lên ngai vàng tại thời điểm Vương quốc Anh đã là một nền quân chủ lập hiến hoàn chỉnh trong đó vua hoặc nữ vương nắm quyền lực hạn chế và thực thi các quyền đó với lời khuyên của thủ tướng, bà vẫn thể hiện là một nhân vật biểu tượng quan trọng của thời kì đó. Thời đại Victoria thể hiện rõ đỉnh cao của Cách mạng Công nghiệp, một giai đoạn của những tiến bộ xã hội, kinh tế và công nghệ đáng kể tại Vương quốc Anh. Sự trị vì của Victoria được đánh dấu bởi sự bành trướng vĩ đại của Đế quốc Anh; trong giai đoạn này đế quốc Anh đạt được đỉnh cao, trở thành cường quốc hàng đầu của thời đại đó.