Baalbek là một thị xã ở thung lũng Bekaa của Libang, ở độ cao 1.170m, phía Đông sông Litani. Thị xã này nổi tiếng với các công trình đền đài được xây thời La Mã và cũng là một trong những khu vực kiến trúc cổ được bảo tồn tốt nhất.
Một phần của những phế tích này nằm bên sông Litani tại Thung lũng Bekaa của Liban thuộc thời kỳ La Mã nhưng phần lớn các di tích này được cho là có từ một nền văn minh còn lâu đời hơn nữa. Các phế tích này được coi như một trong những kỳ quan hấp dẫn nhất trên thế giới.
Những ngôi đền thờ các vị thần La Mã như: Mercury, Jupiter và Venus nằm trong số những báu vật còn được bảo tồn tốt nhất hiện nay. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng có thể nhận thấy tầm ảnh hưởng mang tính bản địa của những ngôi đền đổ nát này cũng như chỉ ra được rằng chúng được xây dựng nên để thờ các vị thần địa phương như Hadad và Atargatis. Nhưng điều chủ yếu làm nên sự kỳ diệu của cấu trúc bằng đá này là nền móng cự thạch đồ sộ của những ngôi đền La Mã.
Tuổi thọ của những tảng đá khổng lồ này được tiết lộ là còn lớn hơn rất nhiều so với thời đại La Mã. Những ghi chép lịch sử của Baalbek chỉ ra rằng chúng đã có từ 2.000 năm trước khi Alexander Đại Đế đến chinh phục Baalbek và biến nơi đây thành thành phố của những người hành hương mang tên Heliopolis. Không chỉ vậy, những tảng đá được đưa lên bởi những người La Mã (không bao giờ vượt quá 70 tấn) còn nhẹ hơn rất nhiều so với những tảng đá khổng lồ trên đây.
Có tổng cộng 24 tảng đá như vậy nằm cạnh nhau trong khu đền, tảng nhỏ nhất khoảng 300 tấn, có kích thước 20 X 5 X 5m. Kiến trúc hai tảng đá đỡ một tảng nằm ngang tuyệt diệu bao gồm một hàng 3 tảng đá nằm ở phía Tây đền thờ Bal-Jupiter, mỗi tảng nặng không ít hơn 750 tấn.
Theo Liên minh Kỷ lục Thế Giới (Worldkings.org)