Công nghệ của Air Protein bắt nguồn từ ý tưởng mà NASA từng nghiên cứu vào thập niên 1960. Khi đó, các nhà khoa học tìm cách cung cấp thực phẩm cho phi hành gia trong không gian và phát hiện có thể sử dụng tổ chức vi sinh vật để biến đổi CO2 từ hơi thở của phi hành gia thành thức ăn. Sử dụng quá trình tương tự trên Trái Đất ở bên trong bể lên men, công nghệ do Air Protein phát triển có thể giúp giảm đáng kể tác động của ngành công nghiệp thực phẩm tới môi trường
Air Protein gọi công nghệ của họ là quá trình sản xuất cộng sinh, tương tự làm sữa chua. Bên trong bể lên men, vi khuẩn tự nhiên hấp thụ CO2 và tiết ra hỗn hợp dưỡng chất để tạo thành nguyên liệu chứa 80% protein. Khác với đậu nành và nhiều protein thực vật, đây là protein hoàn chỉnh với amino axit giống protein trong thịt bò hoặc thịt gà. Không giống một số protein động vật, loại protein này không chứa chất kháng sinh và hormone. Ngoài ra, quá trình sản xuất hoạt động bằng năng lượng tái tạo. CO2 sử dụng trong quá trình sản xuất có thể đến từ công nghệ thu gom CO2 trực tiếp từ khí quyển.
Hình ảnh minh họa. Nguồn: internet
Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO) dự đoán nông dân sẽ cần tăng sản lượng lương thực lên 70% với chỉ tăng 5% diện tích đất để đáp ứng dân số dự kiến ngày càng tăng là 10 tỷ người vào năm 2050. Thịt làm từ không khí cung cấp một giải pháp tuyệt vời cho phương trình đó . Công nghệ sản xuất protein có trong thịt nuôi trong không khí cho phép tạo ra protein chỉ trong vài ngày thay vì vài tháng và không phụ thuộc vào điều kiện thời tiết hoặc mùa. Quá trình này tương tự như làm sữa chua hoặc bia và chỉ cần một phần nhỏ diện tích đất được sử dụng trong sản xuất thịt truyền thống.
Air Protein là công ty con của Kiverdi, một công ty sử dụng quá trình tương tự để biến CO2 thành sản phẩm thay thế nhựa và nguyên liệu như dầu cọ. Các nhà nghiên cứu của Air Protein mất nhiều năm phát triển protein và công thức cho nguyên mẫu thức ăn, kết hợp bột protein tạo từ không khí với những nguyên liệu khác. Bột protein có vị trung tính, có thể sử dụng trong nhiều loại thực phẩm ngoài thịt như bổ sung cho ngũ cốc hoặc thanh protein.
Theo Tổ chức Kỷ lục Hoa Kỳ (uskings.us)