Harvey Cushing tên đầy đủ là Harvey Williams Cushing, sinh ngày 8/4/1869 tại Cleveland, bang Ohio, Mỹ trong một gia đình có nhiều thế hệ cống hiến trong ngành y. Sau khi tốt nghiệp Đại học Yale và Y khoa Harvard, ông nhanh chóng trở thành một bác sĩ phẫu thuật tài ba, một thầy thuốc nhiệt huyết và “từ mẫu”, người thường xuyên tiếp xúc với nỗi đau và hiểu được ước nguyện sâu kín của người bệnh.
Ngay từ khi mới vào nghề công tác tại Bệnh viện Johns Hopkins, Harvey Cushing đã được phân công làm trợ lý cho bác sĩ nổi tiếng Halsted (1852-1922). Cũng trong thời gian này, ông đã có điều kiện làm quen, nghiên cứu nhiều về lĩnh vực phẫu thuật thần kinh, nhất là tuyến yên. Với bản tính thông minh, sẵn niềm đam mê sáng tạo Harvey Cushing đã phát hiện thấy tuyến yên có chứa một loại tế bào bài tiết hormon tăng trưởng và sản sinh ra một chất quan trọng.
Sau này khi qua đời, khoa học đã xác định được đó chính là ACTH. Thực ra, Harvey Cushing đã phát hiện thấy mối tương quan giữa tế bào ưa kiềm này với căn bệnh mà ông đặt tên là tăng năng vỏ tuyến thượng thận, sau này được gọi là Hội chứng Cushing (Cushing Syndrome) để nói về bệnh tăng năng vỏ tuyến thượng thận hay căn bệnh do tế bào ưa kiềm thùy trước tuyến yên gây tăng tiết ACTH hoặc định nghĩa theo chuyên môn thì “Hội chứng có nhiều nguyên nhân khác nhau do thừa mạn tính corticoid trong máu với đặc điểm béo phì ở mặt, thân mình, tăng huyết áp, loãng xương sườn, xương sống gây đau”.
Liên quan đến hội chứng Cushing, Harvey Cushing đã tiến hành nhiều nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu áp lực hộp sọ bệnh thần kinh tam thoa, mổ nhiều loại u khác nhau, đặc biệt là u thùy não và tìm hiểu bệnh lý giữa não thùy - thượng thận.
Năm 1901, ông đã trực tiếp tham gia nghiên cứu trường hợp một bé gái 14 tuổi mắc bệnh chậm phát triển sinh dục, đau đầu và rối loạn thị giác. Tuy ca mổ thất bại nhưng bằng phẫu thuật tử thi người ta phát hiện thấy sự phì đại của thùy não, giúp khoa học hiểu sâu thêm về những căn bệnh liên quan đến não bộ. Sau ca mổ này, Harvey Cushing còn phát hiện thấy 46 trường hợp khác bị tổn thương não thùy, phần lớn là ngoại khoa và cũng nhờ nghiên cứu, Cushing đã mổ và chữa lành bệnh cho nhiều người bệnh, đưa tên tuổi của ông trở thành ngôi sao sáng trong lĩnh vực ngoại thần kinh. Với 70 năm tuổi đời, hơn 40 năm hành nghề, Harvey Cushing đã mổ trên 2.000 ca bệnh u não, làm giảm hơn 10% tỷ lệ tử vong ngoại khoa.
Nghiên cứu của ông về tuyến yên (1912) đã mang lại cho ông danh tiếng quốc tế, và ông là người đầu tiên cho rằng trục trặc tuyến yên là một dạng béo phì ở mặt và thân, ngày nay được gọi là bệnh Cushing, hay hội chứng Cushing. Ông viết nhiều công trình khoa học và nhận giải Pulitzer năm 1926 cho tác phẩm Life of Sir William Osler (1925).
Theo Tổ chức Kỷ lục Hoa Kỳ (uskings.us)